'Hậu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẫm máu và đàn áp'

Đây là tiêu đề bài báo của The Guardian ngày 17.7. Bài báo cho rằng: Luật lệ của đám đông sẽ định hình chính trị Thổ Nhĩ kỳ và các cuộc tấn công vào những người được cho là chống lại Tổng thống Tayyip Erdogan và đảng của ông sẽ tiếp tục.

Dân Thổ Nhĩ kỳ bắt giữ binh lính trao cho cảnh sát.

Theo Guardian, cuộc đảo chính bất thành đã cho người ta thấy rõ một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và xáo trộn trong cuộc chiến cả trong và ngoài nước.

Quâ đội Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh từ lâu tự coi mình là người bảo vệ nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại và tầm nhìn chủ nghĩa dân tộc và thế tục của người sáng lập ra Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là Mustafa Kemal Ataturk. Cơ sở hiến pháp, lịch sử và văn hóa cho hành động của quân đội đã tạo ra sự bất binh và thù địch. Quân đội cũng thường lạm dụng quyền lợi của họ và có lịch sử đàn áp và lạm dụng nhân quyền.

Khi ông Erdogan lên nắm quyền năm 2002, một trong những ưu tiên trước hết của ông là chống lại quân đội. Ông theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với EU và tìm cách mở rộng ảnh hưởng của ông trong các thể chế của đất nước.

Năm 2002, Erdogan đã khiến quân đội yếu đi đáng kể với cái gọi là vụ Ergenekon - một loạt các vụ xét xử trong đó các sĩ quan quân đội, nhà báo, chính trị gia bị cáo buộc thành lập một tổ chức bí mật âm mưu chống lại chính phủ dân sự.

Nói cách khác, Erdogan đã tự đưa mình vào một cuộc xung đột khác với quân đội, nhưng ít người chờ đợi xung đột đó lại diễn ra nhanh chóng như vậy hoặc dưới dạng một âm mưu đảo chính. Quân đội không nắm quyền kiểm soát báo chí vào thiếu sự ủng hộ trong hàng ngũ của mình hoặc trên đường phố. Nó cho thấy chính sách chia để trị của ông Erdogan có hiệu quả và ông đã trấn áp được quân đội một thời rất đáng sợ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên không có gì đáng ngạc nhiên là một hành động lật đổ ông Erdogan lại xảy ra - The Guardian viết tiếp. Trong những năm gần đây ông đã cô lập các đối thủ và làm trầm trọng thêm sự bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ cho lợi ích cá nhân của mình. Ông đã khai thác căng thẳng sắc tộc và giáo phái, khởi động lại cuộc nội chiến với người Kurd và tìm cách chia rẽ người dân Thổ Nhĩ Kỳ để thu được các quyền lập hiến lớn hơn. Trò chơi nguy hiểm của Erdogan đã đem lại mức độ bạo lực và bất ổn chưa từng thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ.

Cũng như nhiều cuộc đảo chính khác trên khắp thế giới, hậu quả của nó sẽ đẫm máu và đàn áp. Luật lệ đám đông, chứ không phải pháp quyền, sẽ định hình chính trị và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Khoảng 2.800 người bị bắt giữ trong một ngày đảo chính đầy kịch tính.

Hơn 2.700 thẩm phán bị mất chức vì cáo buộc liên quan đến các thủ lĩnh đảo chính. Lệnh truy nã được công bố với 140 thành viên tòa án tối cao.

Ông Erdogan thậm chí còn nói cuộc đảo chính là "cơ hội Thượng đế ban cho" để "làm sạch quân đội".

Những đám đông ủng hộ chính phủ đã tấn công tàn bạo những người họ cho là chống Erdogan hoặc chống chính phủ. Những ngày đen tối đang ở phía trước với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/hau-dao-chinh-tho-nhi-ky-se-dam-mau-va-dan-ap-573726.bld