Hậu St. Petersburg: Nga thật sự 'để tâm' vào cuộc chiến chống khủng bố?

Những nghi ngại khiến hợp tác Nga – Mỹ trên mặt trận khủng bố sẽ mãi “dậm chân tại chỗ”.

Những phản ứng bước đầu của chính phủ Nga trước vụ nổ bom tại ga tàu điện ngầm St. Petersburg dường như khá “hỗn loạn”. Một nguồn tin thực thi pháp luật Nga xác nhận đây là một vụ tấn công khủng bố - nguyên nhân được chính Thủ tướng Dmitry Medvedev nhắc lại. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin – lúc đó cũng đang có mặt tại St. Petersburg để gặp mặt Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko – lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng, động cơ của vụ việc còn chưa rõ ràng. Còn hiện tại, vụ nổ bom vẫn đang được điều tra theo hướng một hành động khủng bố mặc dù Moscow cũng vẫn chưa chính thức công nhận.

Tổng thống Putin đang có mặt tại St. Petersburg vào thời điểm xảy ra vụ nổ bom (ảnh: express)

Trong khi đó, phản ứng của truyền thông Nga, đặc biệt từ những kênh được Chính phủ hậu thuẫn, lại rõ ràng hơn rất nhiều. Các tin tức dán nhãn “tấn công khủng bố” liên tục được cập nhật, kèm theo nhiều hình ảnh về nạn nhân, kẻ nghi phạm, cũng như thiết bị phát nổ thứ hai. Bản thân Tổng thống Putin sau đó cũng đã phát đi một thông điệp về cuộc điện thoại “chia buồn” từ người đồng cấp nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng “chủ nghĩa khủng bố là một điều xấu xa và cần phải chung tay để tiêu diệt,” ông Putin cho biết.

Tờ Foreign Policy phân tích, vào thời điểm chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ diễn ra trong vài tuần tới, và chính phủ Nga không muốn truyền thông phương Tây khai thác quá nhiều về những vụ biểu tình trong nước gần đây, không hề ngạc nhiên khi mối quan hệ hợp tác Mỹ - Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và sự cần thiết phải tăng cường an ninh nội địa, lại chiếm vị trí quan trọng nhất trên các tờ báo Nga. Vụ tấn công còn có thể coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đề xuất cấm biểu tình chính trị “tạm thời” mà Duma vừa đưa ra.

Cũng theo Foreign Policy, bỏ qua những tin đồn thiếu căn cứ rằng cuộc tấn công St. Petersburg thực chất là một màn dàn dựng, những lý lẽ về việc điện Kremlin đang sử dụng cuộc chiến chống khủng bố một cách khéo léo, nhằm đạt được những mục tiêu của mình, đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, Moscow đã nhiều lần viện đến vấn đề khủng bố để làm nền tảng khôi phục, thậm chí “điều chỉnh” quan hệ với Washington. Ý tưởng này diễn ra xuyên suốt qua các thời Tổng thống, từ George W. Bush, Barack Obama và bây giờ là Donald Trump. Tại Trung Đông, Nga đang mở rộng hiện diện trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao, kêu gọi thiết lập “sự ổn định” và coi đây là một biện pháp để chống lại khủng bố. Tuy nhiên, ngay tại Syria, sự xuất hiện của Nga vẫn thường xuyên vấp phải vô số chỉ trích rằng, mục tiêu chủ yếu của Điện Kremlin là bảo vệ quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad, chứ không phải là tiêu diệu IS. Việc Nga “bắt tay” với các lực lượng Hezbollah của Lebanon và Quds của Iran trong các chiến dịch chống lại IS, lại càng khiến phương Tây chĩa mũi nhọn vào Nga.

Một số nguồn tin khác cho rằng, cả Nga và Assad từng tiến hành một số “trợ giúp” dành cho IS, bao gồm việc Chính phủ Syria mua dầu từ lực lượng này, chia sẻ thông tin tình báo, và cung cấp vũ trang từ phía Nga… Tổng cục an ninh Liên bang Nga (FBS) từng “dính” cáo buộc giúp đỡ các tay súng của IS tuyển quân và góp phần “đẩy” phong trào hồi giáo cực đoan lan tới Syria. Mặc dù, các nguồn tin “cải chính” chỉ ra, đó chỉ là “các sáng kiến” có tính địa phương để kiểm soát an ninh phục vụ cho Olympic Sochi 2014, nhưng tin đồn vẫn kịp lan rộng, thậm chí còn leo thang rằng Nga đã tiến hành các hoạt động tương tự trên khắp châu Âu.

Cũng từng có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa Nga với lực lượng Taliban tại Afghanistan. Người Nga tin rằng, giúp gia tăng vị thế, đặc biệt là tăng cường tính hợp pháp và mở rộng mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo với Taliban, sẽ góp phần hạn chế sự mở rộng của IS. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chống lại lợi ích của Mỹ, khi quân đội nước này vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chống lại cả Taliban, al Qaeda và IS trên nhiều mặt trận khác nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chia buồn với người đồng cấp (ảnh: Telegraph)

Có vẻ như thông điệp gửi đi từ Điện Kremlin khá rõ ràng: để trở thành một kẻ khủng bố, ngươi phải được chúng ta coi là kẻ khủng bố (và người phải hoạt động bên ngoài lãnh thổ của nước Nga).

Chính vì vậy, kể cả trong thời điểm thương tâm nhất, những lời kêu gọi hợp tác chống khủng bố từ Điện Kremlin vẫn vấp phải những cái nhìn nghi ngờ từ phía phương Tây. Theo Foreign Policy, bên cạnh việc Moscow đã thay đổi học thuyết hạt nhân của mình (theo đó, nhìn nhận vũ khí hạt nhân “chỉ là một loại vũ khí thông thường”), liên tục đề cập đến cuộc chiến chống khủng bố cho thấy, Moscow sẵn sàng sử dụng tất cả mọi biện pháp trong mối quan hệ nhiều tầng với phương Tây.

Chính quyền Trump có lẽ sẽ thận trọng trước khả năng coi chủ nghĩa khủng bố là ưu tiên hàng đầu, hay một lĩnh vực cần ưu tiên trong quan hệ song phương với Nga. Moscow đang từng bước một cho thấy, họ biết cách tận dụng những công cụ đặc biệt để “đánh lạc hướng” đối thủ và giành ưu thế trong các cuộc thương lượng. Trong khi truyền thông Nga vẫn đang nói về một cuộc chiến chống khủng bố toàn diện, Tổng thống Putin sẽ định nghĩa như thế nào về chủ nghĩa khủng bố, cũng như sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố - sẽ vẫn làm một câu hỏi chưa thể giải đáp.

(Theo Foreign Policy)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/hau-st-petersburg-nga-that-su-de-tam-vao-cuoc-chien-chong-khung-bo-234243.html