Hậu trường U23 Việt Nam: “Đồng” nhưng chưa “cảm”

(TT&VH)- Một câu chuyện khá cảm động được kể lại sau khi U23 VN thất bại trước U23 Myanmar trên đất Indonesia. Trong đêm cùng ngày, nhiều học trò của HLV Goetz đã tìm tới phòng ông để cùng nhau chia sẻ về thất bại và những nỗi thất vọng của mình. Không ai trách ai cả, họ dành cho nhau những lời tốt đẹp ở vào thời điểm mà không ai biết liệu trong tương lai họ còn có thể sát cánh với nhau lần nữa.

Đó là sự đồng cảm giữa những con người cùng đứng chung chiến tuyến và thất bại, như người trong cuộc chia sẻ, không thuộc về riêng ai cả. Nhưng có một sự thật là trong sân bóng, sau những gì đã diễn ra, không phải lúc nào thày trò HLV Goetz cũng tìm thấy sự đồng điệu như thế.

Nỗi buồn của thầy trò ĐT U-23

Đó có thể là sự không hài lòng với những quy định nghiêm khắc của nhà cầm quân người Đức, sự bất bình với phong cách chỉ đạo “cuồng nộ theo từng pha bóng” của ông hay khoảng cách khá lớn giữa thày và trò bởi sự khác biệt về văn hóa..., thông tin từ U23 VN cũng cho biết, đã có những thời điểm các học trò của HLV Goetz chủ động “xé bài” để quay về với cách chơi bóng quen thuộc của họ dưới thời HLV Calisto.

7 trận đấu tại SEA Games 26, đúng là đã có những thời điểm nhà cầm quân người Đức sai lầm, nhưng những khoảnh khắc mà camera truyền hình ghi lại hình ảnh thất thần, bất lực của ông thì quyết không thể chỉ là sản phẩm được sinh ra từ sai lầm ấy. Như Falko Goetz đã phát biểu, đó là những khi ông không thể hiểu nổi tại sao các học trò của mình lại thi đấu như vậy mà điển hình của sự “không đồng cảm” ấy hẳn phải là cách U23 VN nhập cuộc đầy quyết tâm nhưng nhanh chóng sụp đổ trước U23 Myanmar ở trận tranh HCĐ.

Đội bóng thất bại, HLV trưởng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm, nhưng như đa số nhìn nhận “cú ngã ngựa” đau đớn ở Jakarta không chỉ thuộc về riêng ai cả, nó là hậu quả được sinh ra một phần từ việc tướng sĩ không đồng lòng.

Hoàng Minh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/493n20111127072316689t490/hau-truong-u23-viet-nam-dong-nhung-chua-cam.htm