Hãy cứu sông Mekong!

UBND tỉnh An Giang vừa phát động chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong”. NNVN đã phỏng vấn Ths. Trần Anh Thư xung quanh vấn đề này.

Ths. Trần Anh Thư Xin ông cho biết chiến dịch sẽ được triển khai như thế nào? Cuộc vận động cứu sông Mekong do các nhà môi trường thuộc Liên hiệp Cứu sông Mekong khởi xướng từ hồi đàu năm đến nay đã thu hút được hơn 16.380 người tham gia. Ở An Giang để hưởng ứng cuộc vận động này, UBND tỉnh đã phát động chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong” tới các Sở, ban ngành, đoàn thể và nhân dân. Mục tiêu lớn mà cuộc vận động hướng tới là thuyết phục Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia dỡ bỏ kế hoạch xây dựng 15 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông để tránh xáo trộn hệ sinh thái, lưu lượng nước thay đổi bất thường ảnh hưởng đến đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, giao thông thủy… Và chiến dịch kéo dài bao lâu, thưa ông? Cho đến khi nào Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia có động thái thay đổi quan điểm xây dựng 15 đập thủy điện. Đây là lần đầu tiên người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung có tiếng nói để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Họ nên biết và có quyền được biết những đe dọa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Được biết, thời gian gần đây tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn vào mùa khô xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng trầm trọng? An Giang là một trong các tỉnh của ĐBSCL nằm sâu trong nội địa hạ lưu của sông Mekong và trước đây trong điều kiện bình thường An Giang đều có nước ngọt quanh năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diễn biến môi trường ở An Giang ngày càng trở lên phức tạp như: Lũ không còn theo qui luật bình quân là 4 năm có lũ lớn, mà có khi 3 năm liên tục như: 1994, 1995, 1996 và 2000, 2001, 2002. Tần suất, cường độ lũ bất thường có khi lên đột ngột trong thời gian ngắn, có năm lũ về sớm, có khi về muộn. Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngày càng diễn ra trầm trọng. Đối với An Giang, trước đây chỉ xảy ra hạn hán, việc xâm nhập mặn có diễn ra trong mùa kiệt năm 1998, cụ thể mặn đã xâm nhập đến Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) trên kênh Vĩnh Tế và xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn) trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên với nồng độ thấp 3‰ trong một thời gian rất ngắn rồi chấm dứt. Nhưng ngày 22/4/2009, mặn đã xâm nhập vào đến UBND xã Bình Thành và đi sâu vào đến xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn nồng độ mặn đo được rất cao 7,5 ‰ có nơi lên đến 13‰, đồng thời kéo dài hơn 5 ngày. Tình hình sạt lở đất bờ sông ngày càng nhiều, dòng chảy thay đổi làm phát sinh thêm nhiều vị trí sạt mới và diện tích sạt tăng nhanh. Vào mùa lũ hàm lượng phù sa ngày càng ít đi, nhiều loài thủy sản hiện không còn. Nguyên nhân có phải hoàn toàn do các nước thượng nguồn trên dòng Mekong xây dựng các đập thủy điện? Theo tôi những vấn đề trên cũng không hoàn toàn do các đập ở trên thượng nguồn mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong đó có biến đổi khí hậu. Thời gian tới nếu kế hoạch xây dựng 11 đập trở thành hiện thực cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn vào mùa khô sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới An Giang là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong", tỉnh An Giang đã có những giải pháp trước mắt nào để hạn chế những biến động bất thường của dòng nước và hiện tượng xói mòn sông Tiền, sông Hậu? Để hạn chế tỉnh đã triển khai một số hoạt động quan trắc hiện trạng môi trường nước sông hàng năm, nạo vét các đoạn sông bồi lắng trên sông Hậu thuộc huyện An Phú và đoạn chảy qua cù lao Phó Ba và cù lao Mỹ Hòa Hưng, nạo vét sông Cái Vừng. Triển khai Dự án “Nghiên cứu, điều tra hiện trạng địa hình, đánh giá trữ lượng cát lòng sông đề xuất các giải pháp khai thác hợp lý bảo vệ môi trường khu vực sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao trên địa bàn tỉnh An Giang. Phân tích tác động của quá trình bồi lắng, lưu tốc, lưu lượng của dòng chảy đến quá trình xói lở đất bờ sông. Khoanh định và đánh giá sơ bộ chất lượng, trữ lượng cát ở những đoạn sông đang bị bồi lắng làm cơ sở xác định các khu vực cần khai thác, khơi thông dòng chảy hoặc hạn chế khai thác. Thực hiện Đề án đo đạc, khảo sát và tính toán độ sâu khai thác hợp lý ở những đoạn sông đang sạt lở đối với các khu vực được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông. Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/126/126/41180/default.aspx