Hãy đặt mình vào vị trí người lao động

Tôi rất băn khoăn với thời giờ làm việc quy định trong dự án BLLĐ. Luật Lao động ban hành cách đây đã mười mấy năm rồi, tại thời điểm đó, mỗi ngày NLĐ làm việc 8 giờ, mỗi tuần là 48 giờ và một năm làm thêm không quá 200 giờ. Trong trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định mới phải làm thêm không quá 300 giờ.

Có ý kiến nói nguyện vọng của người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập. Điều đó là không hợp lý. Đi xuống DN mới thấy các công nhân làm việc quần quật suốt ngày, đặc biệt là trong ngành dệt may, da giày rất hao tổn sức lao động. Qua khảo sát của TPHCM, trên 30% số NLĐ trong KCN bị suy nhược cơ thể. Tôi đi hỏi bất kỳ người lao động nào họ cũng đều muốn có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, học tập văn hóa, nhưng cứ làm việc quần quật suốt ngày như thế, khi về nhà thì không còn thời gian nữa.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại tổ chiều 16.11. Ảnh: Q.C

Thời điểm này không giảm thời gian làm việc của người LĐ mà tăng lên thì đi ngược lại xu thế tiến bộ, với mong muốn chung của người lao động và tổ chức CĐ. Không một NLĐ nào muốn tăng giờ làm thêm như vậy cả, vì lương trả cho họ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên buộc lòng họ mới chấp nhận làm thêm giờ. Hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ sẽ thấy rõ điều đó. NLĐ đã làm việc 48 giờ/tuần rồi mà còn tăng giờ làm thêm lên đến 360 giờ/năm nữa là không chấp nhận được. Không những cá nhân tôi phản đối, mà cả tổ chức CĐVN cũng không tán thành tăng thêm giờ làm thêm lên đến 360 giờ/năm.

Về tiền lương và tiền lương tối thiểu: Thời gian qua, tranh chấp lao động hầu hết xảy ra đều là do trả lương, trả thưởng, quy chế tiền lương chưa rõ ràng, minh bạch. Tôi nghĩ rằng, quy định về tiền lương và lương tối thiểu rất quan trọng trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. BLLĐ hiện hành buộc DN khi ban hành thang - bảng lương phải báo cáo cơ quan quản lý LĐ địa phương duyệt xem có đúng không rồi mới cho thực hiện.

Thế nhưng, thực tế không quản lý nổi và rất nhiều trường hợp DN xây dựng thang - bảng lương rất thấp, định mức lao động lại cao khiến người lao động làm không nổi. Tôi đề nghị lương tối thiểu không nên xác định con số “chết”, mà cần quy định lương tối thiểu phải theo hệ số, hằng năm khi có trượt giá thì nhân với mức độ trượt giá để điều chỉnh lương. Tuyên truyền nói về tăng lương thì nhiều, nhưng mức tăng thực tế lại không theo kịp với giá cả, khiến tiền lương thực tế của NLĐ lại càng thấp đi!

Quang Chính (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/hay-dat-minh-vao-vi-tri-nguoi-lao-dong/66588