Hãy sống với Sơn Trà

Anna Tiên Sa là một cô bé sắp được 5 tuổi. Lần đầu tiên đến với Sơn Trà, em được nhìn thấy tận mắt chú voọc chà vá chân nâu ở khoảng cách rất gần. Trên đường xuống núi, em đang líu lo hỏi về khu rừng, về các sinh vật thì nhìn thấy hai thanh niên đang vặt quả rừng. Rất tự nhiên, em buộc miệng: "Hái hết trái thì lấy gì cho voọc ăn?".

Voọc là loại linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ảnh: P.Chín

Câu hỏi của một cô bé 5 tuổi tưởng đơn giản nhưng đặt vào câu chuyện đang diễn ra ở Sơn Trà bỗng trở nên thời sự. Nếu Sơn Trà không còn rừng thì bầy voọc sẽ đi đâu? Hệ sinh thái độc đáo ấy nếu biến mất vĩnh viễn thì con người sẽ thế nào? Sơn Trà sẽ ra sao khi xung đột giữa bảo tồn và lối phát triển hiện tại dường như không thể dung nạp lẫn nhau? Người ta đã mất cả một ngày để bàn bạc tìm câu trả lời trong cuộc hội thảo ở một khách sạn chỉ cách Sơn Trà 15 phút chạy xe.

"Không thể đặt phát triển kinh tế đối đầu với bảo tồn", ý kiến này được hầu hết các diễn giả đưa ra tại cuộc hội thảo về bảo tồn và phát triển Sơn Trà hôm 15.7. Sơn Trà là nơi duy nhất ở Việt Nam và rất hiếm hoi trên thế giới có hệ sinh thái rừng nguyên sinh tiếp giáp biển. Đó là lý do tại sao có những cặp mắt thèm thuồng luôn nhìn về nơi đây.

Có hai lựa chọn mà ai cũng thấy nếu muốn phát triển kinh tế ở Sơn Trà. Lựa chọn đầu tiên đó là như hiện nay - một Sơn Trà với mật độ xây dựng cao nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Lựa chọn còn lại đó là gìn giữ và bảo tồn sự đa dạng sinh học của Sơn Trà - cùng "sống" với ngọn núi này, để Sơn Trà là điểm tham quan tự nhiên độc đáo và gần như duy nhất của Việt Nam.

"Vậy chúng ta sẽ chọn môi trường, chọn cộng đồng hay chọn vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư giàu có?", ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - băn khoăn.

Không có gì để bàn cãi, nếu tiếp tục phát triển kinh tế ở Sơn Trà như hiện nay thì chỉ có những người có nhiều tiền mới hưởng thụ được ngọn núi này. Và, sẽ có rất nhiều tiền chảy vào túi những ông chủ đầu tư trên ngọn núi này. Đó là chủ của những khu nghỉ dưỡng đắt đỏ, những biệt thự nằm ẩn trong rừng để nhìn xuống biển.

"Ai là người kiếm tiền trực tiếp từ Sơn Trà? Chắc chắn không phải là người dân quanh đó", ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội - nói chắc nịch.

Kể từ năm 2006 đến 2016, khoảng 42% rạn san hô của vùng biển Sơn Trà đã biến mất vĩnh viễn, đó là kết quả điều tra của Viện Hải Dương học. Đặc biệt, rạn san hô ở khu vực Bãi Bấc đã biến mất hoàn toàn, nơi đây là vị trí của khu resort đắt tiền, xa hoa bậc nhất cả nước và khu vực - Intercontinental. Những bãi sinh sản của loài rùa biển ở khu vực này cũng không còn, khu vực sinh sống của loài voọc cũng bị chia cắt thành hai phần Đông - Tây trên toàn bộ bán đảo kể từ khi resort này đi vào hoạt động.

Hàng tuần, các bạn trẻ Đà Nẵng đều tổ chức những cuộc picnic nhặt rác cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ảnh: K.H

Con người phải sống thế nào với thiên nhiên? Con người có thể nào ép thiên nhiên theo ý mình, phục vụ cho mình, làm giàu cho mình? Câu hỏi đó đã được con người đặt ra cho mình từ thời hồng hoang. Không ít lần người ta đòi "làm chủ thiên nhiên" và cũng nhiều lần con người thất bại với hậu quả khủng khiếp. Ngọn núi, dòng sông hay một vùng biển có ở đó từ khi chưa có con người. Nó tồn tại giữa đất trời là một lẽ tự nhiên, tự nhiên như việc con người chỉ là một giống loài ký sinh vào nó. Đừng mơ mộng chuyện biến đổi tự nhiên để kiếm tiền, ý trời và cả lòng người đều không cho phép điều ấy.

Nếu có chăng, con người hãy sống với ngọn núi ấy thật hiền hòa. Hãy ký sinh vào Sơn Trà một cách thật văn minh và tử tế để dẫu có kiếm lợi cho cộng đồng thì cũng không hại gì đến tự nhiên. Đó còn là cách giáo dục cho con trẻ lòng yêu mến thiên nhiên, thương yêu đất nước của mình như cái cách cô bé 5 tuổi ngây thơ đặt câu hỏi với người lớn khi một lần đến với Sơn Trà.

Nguyễn Trung Bảo

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/hay-song-voi-son-tra-683911.bld