Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 6

Ý tưởng đưa Giáo hoàng tham gia làm trung gian đối thoại giữa Mỹ và Cuba xuất hiện lần đầu trong một cuộc họp quan trọng tại văn phòng của cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice tại Nhà Trắng ngày 26/9/2013.

GIÁO HOÀNG - NGƯỜI TRUNG GIAN ĐẶC BIỆT

Khi nhà báo Londonõ bắt đầu soạn thảo các bài xã luận trên tờ The New York Times, gợi ý về một cuộc trao đổi tù nhân, thì các nhà đàm phán của Mỹ và Cuba đang âm thầm nhóm họp tại Vatican, trong một cuộc gặp do Giáo hoàng Francis tổ chức để tiến tới thỏa thuận cuối cùng.

Là người Mỹ Latinh đầu tiên đứng đầu Tòa thánh, Giáo hoàng Francis nắm rất rõ về Cuba. Sau chuyến thăm của Giáo hoàng John Paul II tới Cuba năm 1998, Phó Tổng giám mục đại giáo xứ Buenos Aires Jorge Mario Bergoglio - người sau này trở thành Giáo hoàng Francis - đã viết một cuốn sách ngắn về sự kiện mang tính lịch sử này với tựa đề “Đối thoại giữa John Paul II và Fidel Castro”, và một trong những đề tài chính của tác phẩm đó sau này đã trở thành trọng tâm của nền ngoại giao Vatican thời hiện tại: Nhu cầu đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các đối thủ.

Giáo hoàng Francis (giữa) trở thành cầu nối quan trọng cho quá trình xích lại gần nhau giữa Cuba và Mỹ.

Ý tưởng đưa Giáo hoàng tham gia làm trung gian đối thoại giữa Mỹ và Cuba xuất hiện lần đầu trong một cuộc họp quan trọng tại văn phòng của cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice tại Nhà Trắng ngày 26/9/2013 giữa các nghị sĩ Leahy, Durbin, Levin, McGovern và Van Hollen, cùng bà Rice; chánh văn phòng Phủ tổng thống Denis McDonough, và Ricardo Zuniga. Vào giữa cuộc họp, thượng nghị sĩ Durbin bất chợt đưa ra gợi ý mời Giáo hoàng tham dự cuộc đàm phán mật về trao đổi tù nhân với Cuba như một biện pháp để bảo vệ Tổng thống Obama trước những chỉ trích không thể tránh khỏi của các nghị sĩ diều hâu. Sau cuộc họp, ông Tim Rieser là người đảm trách thực thi ý tưởng này và ông đã nhờ bà Julia Sweig, thuộc Hội đồng Đối ngoại, chuyển tải thông điệp trên tới Tổng Giám mục La Habana Jaime Ortega mà bà quen biết riêng, sau đó bà này trở về từ Cuba với yêu cầu ông Rieser soạn thảo một bức thư cụ thể để giám mục Ortega mang tới Giáo hoàng.

Ngày 21/1/2014, Văn phòng báo chí của Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama sẽ gặp Giáo hoàng vào cuối tháng 3, và chỉ ít lâu sau thông báo này, Nhà Trắng đã mở kênh liên lạc riêng của mình với Vatican, tận dụng mối quan hệ thân thiết giữa chánh văn phòng McDonough với Giám mục Washington D.C Theodore McCarrick. Ông McDonough đã cùng nhà đàm phán Benjamin Rhodes gặp Giám mục McCarrick để giải thích cho ông về thế bế tắc của cuộc đàm phán ngầm với Cuba và muốn nhờ nhà truyền giáo này dò hỏi liệu Giáo hoàng Francis có sẵn sàng hỗ trợ khai thông tình thế này không.

Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 9/2015.

Chỉ trong vòng hơn một tháng sau, cũng có thêm hai kênh liên lạc khác hướng tới Vatican được thiết lập: Thứ nhất là Phil Peters - Chủ tịch Trung tâm Điều tra nghiên cứu về Cuba - cùng người vợ gốc Cuba Mirella Betancourt đã tới La Habana để gặp sứ thần Bruno Musaro để thuyết phục ông khuyến khích Vatican “nhích quả bóng quan hệ Cuba - Mỹ” về phía trước trong cuộc gặp thượng đỉnh được dự trù vào tháng 3; và thứ hai là sau nhiều công sắp xếp, ngày 7/3, một nhóm các nhà hoạt động, trong đó có Phil Peters và James Williams của Tập đoàn Trimpa đã gặp Giám mục Sean O´Malley của giáo xứ Boston - một người thân cận của Giáo hoàng Francis - để trình bày với ông về quá trình đàm phán ngầm cũng như về thời cơ lịch sử để thúc đẩy quan hệ La Habana - Washington, và trao cho giám mục bức thư của thượng nghị sĩ Leahy, đề nghị ông tác động để Giáo hoàng đề cập tới mối quan hệ này khi tiếp Tổng thống Obama tại Vatican sau đó. Thượng nghị sĩ Leahy cũng trao tận tay một bức thư như vậy cho Giám mục McCarrick và chuyển qua bà Julia Sweig một bức cho Giám mục Cuba Jaime Ortega.

Với lời thỉnh cầu từ ba giám mục rằng để đưa Cuba vào chương trình hội đàm và một tín hiệu từ chính Mỹ cho biết chính họ cũng có nhu cầu nói về Cuba, Giáo hoàng Francis đã thực hiện phần việc của mình khi tiếp Tổng thống Obama ngày 27/3/2014. Theo lời kể của một nhà ngoại giao Mỹ là nhân chứng: Trong 1 giờ đồng hồ trò chuyện tại thư viện riêng của Giáo hoàng, Tổng thống Obama cho biết đã khởi động tiến trình thúc đẩy quan hệ với Cuba và rằng sự trợ giúp của Đức thánh cha sẽ rất hữu ích, và Giáo hoàng bày tỏ thiện chí ủng hộ hướng đi này. Chỉ vài ngày sau, Giáo hoàng Francis triệu Giám mục Ortega tới Roma và đề nghị ông khuyến khích chính phủ Cuba thương lượng về một mối quan hệ mới với Mỹ.

Khi xuân qua hạ tới mà vẫn chưa có tiến bộ nào được công bố, Giáo hoàng quyết định thực hiện một sáng kiến mới nhằm hồi sinh cuộc đối thoại. Ông viết hai bức thư có nội dung mạnh mẽ và tương đồng gửi Chủ tịch Cuba Rául Castro và Tổng thống Mỹ Obama đề nghị hai nhà lãnh đạo “giải quyết những vấn đề nhân đạo cùng quan tâm, như tình trạng sức khỏe của một số tù nhân, và tạo sự khởi đầu mới cho quan hệ hai bên”. Người được trao nhiệm vụ tín sứ là Giám mục Ortega, nhưng do yêu cầu của Giáo hoàng là phải trao hai bức thư tận tay các nhà lãnh đạo nên việc chuyển bức thư của Tổng thống Obama mất khá nhiều thời gian và công sức. Phải tới ngày 18/8, khi ông Ortega tới Washington D.C dưới danh nghĩa là có một bài thuyết trình tại Đại học Georgetown, ông mới đến được Nhà Trắng để hoàn thành sứ mệnh của mình (để giữ kín sự việc, các quan chức Mỹ đã không đưa tên ông Ortega vào sổ thăm viếng Nhà Trắng như quy định) khi trao cho Tổng thống Obama thông điệp của Giáo hoàng: Vatican sẵn sàng “giúp mọi cách có thể” để hai bên có thể xích lại gần nhau.

Vào cuối tháng 10/2014, Giáo hoàng mời các nhà đàm phán của hai bên tới Roma và giao cho những cộng sự chính của mình tham gia thúc đẩy cuộc đối thoại. Các vòng đàm phán tại Roma mang tính xây dựng niềm tin từng bước giữa hai bên và khác với các cuộc thương lượng trước đó tại Canada, nơi nước chủ nhà cung cấp địa điểm và đảm bảo bí mật nhưng không tham gia vào các cuộc họp, lần này Hồng y giáo chủ Pietro Parolin (Ngoại trưởng của Vatican) luôn góp mặt và đôi khi là cả Giám mục Ortega để hối thúc hai bên đi tới thỏa thuận cuối cùng.

Trong các cuộc thương lượng cuối cùng, ngoài việc thỏa thuận trao đổi tù nhân và tái thiết lập quan hệ, hai bên còn thẳng thắn đặt lên bàn đàm phán những bước đi mà mỗi bên có thể tiến hành theo hướng đơn phương. Phía Mỹ tiết lộ ý định của Tổng thống Obama nới lỏng các trừng phạt về viễn thông, đi lại và xuất khẩu hàng hóa cho thành phần kinh tế tư nhân Cuba, đồng thời thẳng thắn thừa nhận các động thái nhằm tìm kiếm một sự mở cửa kinh tế lớn hơn tại đảo quốc Caribe. Với một thái độ chuyên nghiệp tương tự, phía Cuba khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi hệ thống chính trị để làm hài lòng Mỹ nhưng sẵn sàng rà soát lại danh sách các phạm nhân dính líu tới Mỹ và bị kết án do kích động chính trị và thả 53 người trong số này để bày tỏ thiện chí. Để vượt qua cảm giác thiếu tin tưởng còn sót lại, Giáo hoàng đồng ý làm người bảo trợ cho thỏa thuận giữa hai bên.

Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Obama họp ngày 6/11 để rà soát và thông qua thỏa thuận đạt được tại Vatican, và sau đó, hai nhóm đàm phán gặp nhau lần cuối tại Canada để chuẩn bị hậu cần cho việc trao đổi tù nhân. Sau 18 tháng đối thoại bí mật, Washington và La Habana đã tìm thấy tiếng nói chung.

Kỳ cuối: Cuộc điện đàm lịch sử

Lê Hà

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giai-mat/he-lo-bi-mat-cac-chien-dich-ngoai-giao-ngam-giua-cuba-va-my-ky-6-20161223225635663.htm