Hé lộ khả năng vượt trội của sinh viên Việt Nam trong các bài thi

Việt Nam là nước có thu nhập thấp, nhưng sinh viên đã thể hiện đẳng cấp tương đương những nước giàu có ở những bài thi mang tính hàn lâm quốc tế.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền giáo dục ngoại lệ đáng kinh ngạc nhất: Đó là về cơ bản, Việt Nam chỉ là nước có thu nhập thấp, nhưng sinh viên đã thể hiện đẳng cấp tương đương những nước giàu có ở những bài thi mang tính hàn lâm quốc tế.

Có mối quan hệ rõ rệt giữa sức mạnh kinh tế của một quốc gia với việc sinh viên thực hiện tốt những bài kiểm tra nhất định như thế nào.

(Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ, nhưng thực tế sinh viên nước này đã thể hiện tốt hơn những gì chúng ta mong đợi và tất cả không hiểu lý do tại sao.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 2 bài kiểm tra so sánh mang tầm quốc tế trong nỗ lực khám phá “ấn tượng Việt Nam”. Một trong số này là TIMMS (Xu hướng Nghiên cứu Toán học và Khoa học), trong đó sinh viên Việt Nam đã thể hiện vượt trội so với những thành viên tới từ những nước có thu nhập đầu người tương tự.

(Xem biểu đồ phía dưới):

Tác giả Abhijeet Singh trong một bài báo năm 2014 đã nghiên cứu các kết quả TIMMS và nhận thấy, lợi thế của trẻ em Việt Nam được khởi nguồn rất sớm. Chúng có khả năng vượt trội hơn so với các bạn cùng trang lứa ở nước đang phát triển, thậm chí khi mới 5 tuổi và khoảng cách này tăng lên mỗi năm.

Bài viết chỉ rõ, một năm ở trường tiểu học tại Việt Nam, kỹ năng tiếp thu được phát triển đáng kể hơn so với thời gian tương tự ở Peru hay Ấn Độ. Tác giả Lee Crawfurd đã viết blog “Nghiên cứu Cải thiện Hệ thống giáo dục”, trong đó đặt vấn đề: “Câu hỏi nghiên cứu và gợi ý kinh nghiệm Việt Nam: Tại sao hiệu suất học tập hằng năm ở một số nước lại lớn hơn nhiều so với những nước khác? Nói cách khác, tại sao nhiều trường tốt hơn ở một số nước?”.

Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik, các chuyên gia tới từ Ngân hàng Thế giới (WB) trong một bài báo gần đây, đang cố gắng trả lời câu hỏi này. Họ nghiên cứu Chương trình Đánh giá Sinh viên quốc tế (PISA) sử dụng điểm số năm 2012. Theo đó, 7 nước đang phát triển khác ngoài Việt Nam tham gia PISA. Và với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 4.098USD, thấp hơn những quốc gia trên, thế nhưng Việt Nam vẫn ghi điểm cao hơn.

Điểm số của Việt Nam còn đáng kinh ngạc khi tương đương Phần Lan và Thụy Sỹ, thậm chí trên cả Comombia hay Peru.

(Biểu đồ điểm Toán so với GDP đầu người)

Đối với môn Toán, có 128 điểm khác biệt giữa điểm số của Việt Nam và điểm trung bình của 7 nước kia. 70 điểm trong phần Toán học tương đương mức “thành thạo tuyệt đối”, tương ứng với 2 năm học tại Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển quốc gia. Điều này có nghĩa, có sự khác biệt gần 3 năm về kiến thức giáo dục giữa Việt Nam và những nước đang phát triển khác tham gia PISA.

Giải mã “bí mật Việt Nam”

Các nhà nghiên cứu của WB đã sử dụng dữ liệu của PISA, trong đó bao gồm các câu hỏi về kiến thức của sinh viên, kinh nghiệm học tập và hệ thống trường lớp, qua đó xác định xem Việt Nam đã làm gì để khiến sinh viên của họ tốt hơn rất nhiều so với khả năng kinh tế đất nước. Kết quả cho thấy, đầu tư cho giáo dục và sự khác biệt văn hóa giúp hé lộ một nửa câu chuyện.

Về đặc tính khác biệt, nhìn chung sinh viên Việt Nam tập trung nhiều hơn và học hành nghiêm túc hơn. Họ hầu như không đi học trễ giờ và ít khi vắng mặt không phép, cũng như bỏ học giữa chừng. Các em cũng dành khoảng 3 tiếng hoặc hơn để “học thêm” ngoài trường; ít lo lắng về môn Toán và tự tin hơn về cách thức sử dụng môn học này trong tương lai.

Một sự khác biệt nữa là các bậc cha mẹ ở Việt Nam có xu hướng tham gia vào đời sống học tập của con mình và giúp gây quỹ tại trường. Xét về cấu trúc, điều này giúp hệ thống giáo dục được tập trung hơn. Giáo viên ít phải tự quản hơn, hiệu suất của họ được giám sát nhiều hơn và giáo viên có tầm quan trọng hơn đối với thành tích của học sinh.

Nhưng điều quan trọng là Việt Nam dường như đầu tư vào giáo dục nhiều hơn các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt trong bối cảnh GDP thấp hơn. Việt Nam có nền kinh tế phát triển thấp hơn 7 nước được nghiên cứu, các bậc cha mẹ có trình độ dân trí thấp và trường học ở thành thị ít hơn ở nông thôn. Tất cả những điều này có thể không có lợi cho một hệ thống giáo dục tốt.

Mặc dù có những bất lợi về kinh tế, song chất lượng cơ sở hạ tầng trường học cũng như các nguồn tài nguyên giáo dục ở Việt Nam lại tốt hơn. Qua đó, các nhà nghiên cứu đã chứng minh sự tăng trưởng đầu tư vào giáo dục của Việt Nam.

Tất nhiên, những yếu tố này chỉ chiếm một nửa thành quả giáo dục. Phần còn lại của hiện tượng vẫn là một ẩn số của Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả trên đã mở ra hy vọng cho các cuộc nghiên cứu về kinh tế và giáo dục, nhằm giúp đưa Việt Nam từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển thịnh vượng./.

Lại Thìn/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/he-lo-kha-nang-vuot-troi-cua-sinh-vien-viet-nam-trong-cac-bai-thi-531937.vov