Hé lộ những uẩn khúc phiên sơ thẩm

TP - Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội dự kiến sẽ xét xử vụ án “ma túy Thanh Nhàn giai đoạn hai” trong 3ngày, bắt đầu từ 29-3. Đáng chú ý trong vụ án này là lời kêu oan của bị cáo Phạm Đình Tiếng.

Phạm Đình Tiếng nguyên là cán bộ Phòng CSĐTTP về ma túy (PC17) Công an TP Hà Nội. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Tiếng một mực kêu oan, song đã bị tuyên phạt 17 năm tù về các hành vi “nhận hối lộ” và “lừa đảo”. Sau phiên tòa, ông Tiếng làm đơn chống án, tiếp tục kêu oan. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Hội thảo khoa học, bàn sâu các góc độ pháp lý của vụ án này, sau đó tổ chức này đã có văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan có trách nhiệm, đề nghị quan tâm đến tiếng kêu oan của bị cáo Tiếng. Một số học viện, trường đại học có chuyên ngành Luật cũng đã đưa hồ sơ vụ án vào làm tài liệu tham khảo, coi đây là một tình huống pháp lý rất đáng để nghiên cứu, thảo luận, học tập. Trước phiên phúc thẩm, trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh, bào chữa cho bị cáo Tiếng tại cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm) cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ, ông phát hiện nhiều sai phạm của HĐXX cấp sơ thẩm. Luật sư Trần Đăng Tuấn - Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Tiếng tại phiên sơ thẩm - khẳng định, ông đã nộp cho HĐXX phiên sơ thẩm một số tài liệu là những bản trình bày của những người từng bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an. Theo ông Tuấn, những văn bản này có lợi cho lời kêu oan của ông Tiếng, có thể giúp làm rõ nhiều uẩn khúc của vụ án. Tuy nhiên, theo luật sư Ninh, hiện hồ sơ vụ án ông Ninh đọc không hề có những tài liệu đó. Luật sư Ninh cũng cho biết, một số tài liệu khác ông Ninh trực tiếp nộp HĐXX phiên sơ thẩm, tuy có được đưa vào hồ sơ, song hoàn toàn chưa được xem xét, đánh giá tại phiên sơ thẩm. Theo ông Ninh, tài liệu ông Ninh nộp đáng chú ý có Bảng thống kê các tài liệu có trong hồ sơ, do ông Tiếng lập ngày 28-5-2001. “Văn bản này cho thấy, đầu giờ chiều ngày 24-5-2001, ông Tiếng đã thực hiện lệnh khám xét một ngôi nhà tại phố Đại La - Hà Nội. Thời gian ông Tiếng tiến hành khám xét trùng với thời gian mà theo lời khai của hai vợ chồng bị cáo Bảy và Lan, ông Tiếng đang ngồi với họ tại quán cà phê, bàn chuyện tha cho đối tượng Mạnh (đàn em của Bảy) vừa bị bắt” - ông Ninh nói. “Văn bản này cho thấy sự ngoại phạm của ông Tiếng. Nó không được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án. Tôi thu thập được bản phô tô tài liệu này qua một kênh khác, giao nộp cho HĐXX ngay tại tòa”. Theo ông Ninh, một tài liệu quan trọng nữa ông đã nộp cho tòa sơ thẩm, là Biên bản làm việc giữa ông Ninh và các cán bộ lãnh đạo PC17 Công an Hà Nội. Văn bản này cho thấy, các cán bộ lãnh đạo PC17 Hà Nội khẳng định ông Tiếng không có bất cứ sai phạm nào trong việc đối tượng Mạnh (đàn em của Bảy) được tha. “Những tài liệu tôi đã nộp là nguồn chứng cứ quan trọng” - ông Ninh nói - “Theo quy định của Bộ luật TTHS, chúng phải được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá. Theo tôi, cấp tòa sơ thẩm chưa xem xét đến chúng là vi phạm tố tụng ở mức nghiêm trọng”. Đấy là nhận xét của luật sư Nguyễn Lịch, ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. “Theo tôi biết, nhiều cán bộ có trách nhiệm rất quan tâm đến vụ án này, trong đó có các cán bộ Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương” - ông Lịch cho biết. “Qua tài liệu hội thảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tôi thấy căn cứ để cột tội bị cáo Tiếng trong vụ án này rất yếu, có thể nói chúng chưa phải là chứng cứ theo các quy định của Bộ luật TTHS”. Theo luật sư Lịch, việc nhận định bị cáo Tiếng “nhận hối lộ” và “lừa đảo” chủ yếu dựa trên những lời khai đầy mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất của cặp vợ chồng tội phạm Bảy và Lan, mà không hề có nhân chứng trực tiếp. “Bảy và Lan khai từng hối lộ Tiếng 12.000USD, song Viện KSNDTC đã bác bỏ, với lý do chúng có nhiều mâu thuẫn” - luật sư Lịch nói - “Thế nhưng, lời khai của Bảy và Lan trong những vụ đưa hối lộ sau này cũng đầy mâu thuẫn, lại được chấp nhận, đó là điều thực sự khó hiểu”. Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Tiếng tại phiên sơ thẩm) nhận xét: Khởi tố bị cáo Tiếng về hành vi “nhận hối lộ”, nhưng không khởi tố các bị cáo Bảy và Lan - những người có lời khai đã đưa hối lộ cho Tiếng - về hành vi hoặc “đưa hối lộ” hoặc “vu khống”, là không đảm bảo công bằng, khách quan, có thể từ việc này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đó là các đối tượng tội phạm có thể “đánh gục” cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, chỉ qua việc đưa ra những lời khai mà không phải chịu trách nhiệm về những lời khai này.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189880&channelid=12