Hệ lụy của tri thức giả

Gần đây, dư luận bàng hoàng khi hay tin tỉnh Long An đã phát hiện 111 cán bộ (trong đó hầu hết là Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã...) sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT không hợp lệ. Tuy nhiên, tới nay việc xử lý số cán bộ trên nặng nhất vẫn chỉ ở mức khiển trách, chuyển công tác, thậm chí vẫn được giữ chức vụ tương đương ở nơi làm mới trong khi tội giả mạo giấy tờ cơ quan nhà nước đã có trong khung hình phạt của Bộ luật Hình sự. Bàng hoàng chưa hết lại hay tin cơ quan chức năng phát hiện thêm 200 bằng tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc giả ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP. HCM. Trong đó có trên 100 trường hợp thuộc tỉnh Sóc Trăng, nhiều người trong số này hiện đang là cán bộ của một số xã, phòng ban của huyện. Đặc biệt, qua kiểm tra 933 bằng tốt nghiệp THPT của cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã phát hiện 59 bằng bất hợp pháp, 20 bằng có dấu hiệu nghi vấn, chiếm tỷ lệ 6,32%.

Đấy là chuyện cấp xã với bằng tốt nghiệp phổ thông, còn cấp huyện, cấp tỉnh thành cũng không hiếm người được cấp bằng đại học, thạc sĩ lại thiếu bằng... phổ thông hoặc có bằng đại học giả. Nực cười nhất lại là những chuyện một số quan chức đi học tiến sĩ chỉ mất có 6 tháng, có bằng tiến sĩ song không biết ngoại ngữ, học thạc sĩ chỉ mất có 40 ngày đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Sao bằng giả với những tri thức giả trong những tấm bằng thật lắm thế và nguyên nhân từ đâu? Dường như cái gốc của vấn đề nằm ở quy trình ngược khi bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang tồn tại ở một số nơi. Khi bổ nhiệm cán bộ, một trong những yêu cầu cần có là trình độ và bằng cấp là thứ thể hiện trình độ để đưa vào quy hoạch. Bằng cấp với trình độ thật sau bằng cấp ấy là cần thiết song nhiều nơi bổ nhiệm xong, cán bộ được bổ nhiệm mới đi học để lấy bằng “trả nợ” cho quy định. Đáng lý ra chuyện học là để có trình độ, có trình độ thì được cấp bằng và khi bổ nhiệm thì căn cứ vào bằng cấp song học ở đây chỉ cốt lấy bằng thì sự học kia đầy những bất cập. Văn bằng chứng chỉ giả. Một cán bộ trình độ trung cấp sau quá trình phấn đấu và cơ cấu trở thành trưởng phòng rồi phó giám đốc Sở lại xin đi học đại học để có “trình độ” tương đương với nhiệm vụ được giao. Phó giám đốc Sở bao việc cơ quan phải đi học hẳn cái sự học sẽ thế nào. Nghỉ học nhiều buổi là chắc rồi nợ thi và thi lại. Thế là chạy điểm, chạy thầy để hoàn thành môn rồi tốt nghiệp. Cán bộ cấp Cục, Vụ khi chức còn be bé thì đại học là bình thường nhưng khi được bổ nhiệm, công việc bận hơn, trách nhiệm nặng nề hơn vậy mà thoắt cái có ngay bằng thạc sĩ, tiến sĩ! Không biết họ học lúc nào! Gặp nhiều giảng viên một số trường đại học, ai cũng thích dạy lớp chuyên tu, tại chức hơn là dạy lớp có học sinh phổ thông mới vào là vì vậy. Nhiều trường đại học liên kết với địa phương và các thầy “đi tỉnh dạy” thì hạnh phúc khôn cùng. Địa phương và các thầy sau mỗi đợt dạy đều hỉ hả nhưng sau cái hỉ hả ấy thì tấm bằng xuống cấp nghiêm trọng vì trình độ thực chỉ là... những cái bắt tay đầy hỉ hả! Điều làm dư luận nhức nhối là chuyện học bây giờ chỉ cốt lấy tấm bằng mong thăng quan tiến chức. Khi được thăng quan tiến chức bằng tấm bằng giả hoặc phải mua điểm, mua thầy thì chuyện “hồi vốn”, “gỡ gạc” là tất nhiên. Vả lại, những quan tiến thân bằng sự giả này làm sao mong họ có nhân cách và lòng tự trọng cho nên chuyện hạch sách người phụ thuộc cũng là tất yếu. Mọi hệ lụy người dân phải chịu khi đi đâu, làm gì cũng phải có phong bì bôi trơn. Cái sự bằng giả, trình độ giả đem đến cái ghế thật dẫn đến bao cái giả khác như đạo đức giả, hiệu quả công việc giả, thật nguy hại khôn lường. Để giải quyết vấn đề này, bằng cấp để thể hiện tri thức là cần thiết nhưng dường như bấy nay chúng ta chỉ quan tâm tới tri thức thể hiện qua mảnh bằng mà không chú trọng hơn tới năng lực cán bộ. Khi coi thường năng lực, chỉ dựa vào bằng cấp thì bằng cấp giả, tri thức giả trong bằng cấp thật sẽ đua nhau mọc như nấm sau cơn mưa. Cuộc sống thực tế lại khác. Ngay học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng biết tự đánh giá, cảm phục nhau bằng lực học thật chứ không cần dựa vào điểm thầy cô giáo cho. Đồng nghiệp trong cơ quan cũng đánh giá nhau, kính trọng hay coi thường nhau bằng năng lực thể hiện trong công việc chứ mấy ai nhìn vào bằng cấp của nhau để suy tôn, khâm phục và học tập! Nên chăng việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay cần dựa vào năng lực (trong đó có cả bằng cấp thể hiện trình độ thật sự) hơn là chỉ dựa vào lý lịch với những bằng cấp liệt kê trong bản trích ngang. Và khi nói đến năng lực, lại rất cần đến sự minh bạch, công khai, dân chủ tại cơ sở vì hơn ai hết, đồng nghiệp đánh giá nhau khá là chính xác. Có vậy, nạn bằng giả, trình độ giả mới chấm dứt và guồng máy hoạt động mới hiệu quả hơn. Lê Đức Trí

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100903100133985p82c84/he-luy-cua-tri-thuc-gia.htm