Hệ thống chính trị nước Pháp sang trang mới

Ngày 23-4 là một mốc lịch sử quan trọng của nước Pháp khi các ứng cử viên của hai chính đảng tả - hữu truyền thống bị loại ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống 2017. Xen lẫn những cảm xúc buồn, vui của người thắng và thua là sự háo hức trong lòng nhiều cử tri bỏ phiếu cho 'luồng gió mới Macron' chờ thời khắc bước vào một kỷ nguyên chính trị mới sau hai tuần nữa.

Ứng cử viên Emmanuel Macron trước cơ hội lịch sử trở thành tổng thống trẻ nhất. (Ảnh : Reuters)

Theo kết quả thăm dò do hãng Ipsos-Sopra Steria công bố, tính tới nửa đêm 23-4, ứng cử viên E. Macron giành được tỷ lệ bầu cao nhất, 23,49% và đứng sau là ứng cử viên Marine Le Pen, 22,09%. Hai ứng viên này đã vượt qua được thách thức và sức ép cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ trung hữu và cực tả Francois Fillon và Jean-Luc Melenchon, đứng trí thứ ba và tư, với 19,75% và 19,45%.

Kết quả này là cơn địa chấn chính trị và là bước ngoặt đối với đời sống chính trị tại Pháp. Như vậy, giai đoạn cầm quyền luân phiên suốt 30 năm qua của hai đảng chính đảng đối lập, đảng Xã hội (PS) và đảng Những người Cộng hòa (LR) đã chính thức chấm dứt.

Chiến thắng của hai ứng cử viên "chống hệ thống"

Vậy là những dự đoán suốt mấy tháng qua về khả năng xảy ra kịch bản đối đầu giữa hai đại diện của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN), bà Marine Le Pen và phong trào trung dung "Tiến bước," ông Emmanuel Macron đã trở thành hiện thực. Nhiều sự kiện "lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử" thuộc nền Cộng hòa thứ năm của Pháp đã xảy ra. Đó là tổng thống đương nhiệm không ra tái tranh cử, lần đầu tiên hai phe chính trị trung - tả và trung - hữu tổ chức bầu cử sơ bộ. Và giờ là thảm bại của hai chính đảng PS và LR.

Sau hàng loạt diễn biến hỗn độn lớn, vòng 1 đã kết thúc bằng sự kiện vượt khỏi dự đoán của nhiều người khi hai đại diện của quan điểm "chống hệ thống chính trị truyền thống tả - hữu" đã chiến thắng để bước vào vòng 2, diễn ra ngày 7-5. Với bà Marine Le Pen, hệ thống là "nhóm người bảo vệ lợi ích của riêng họ để chống lại dân chúng", là "một tầng lớp tách lìa khỏi dân chúng, hoạt động vì lợi ích riêng của họ". Và rộng hơn nữa là, "hệ thống EU" không đem lại lợi ích cho người Pháp.

Còn ông Emmanuel Macron tuyên bố lúc ra tranh cử là "muốn tấn công vào sự bế tắc đang làm tê liệt nước Pháp. Ông cho rằng "hệ thống chính trị hiện nay của nước Pháp đã không còn bảo vệ những người mà nó phải bảo vệ, chỉ quan tâm đến sự sống còn của chính nó chứ không phải lợi ích của đất nước. Chính vì vậy, ứng cử viên này khẳng định không thuộc phe tả hay hữu, chỉ muốn là “đại diện cho tất cả người dân cũng như các phe phái chính trị”.

Trong bối cảnh phức tạp chưa từng có ở Pháp, khẩu hiệu "chống hệ thống" đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự quan tâm cũng như tình cảm của người dân Pháp luôn ở trong tâm trạng thất vọng, tức giận và mất niềm tin. Dù cùng có chủ trương chống hệ thống chính trị truyền thống, hai ứng cử viên này trái ngược hẳn về quan điểm lãnh đạo đất nước. Đại diện của FN lại theo đường lối bài ngoại và chống EU, còn ông Macron có chủ trương lãnh đạo một nước Pháp "không có sự phân biệt về đảng phái, đồng thời cởi mở với thế giới". Ông khẳng định rằng chiến thắng của mình không phải chống lại bất kỳ ai mà là để chấm dứt một hệ thống không còn khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước.

Kết quả là của cuộc đối đầu bản sắc hay hệ thống chính trị tả - hữu là cả hai ứng cử viên Macron và Marine Le Pen đều vào vòng 2. Theo ông Macron "một trang mới trong nền chính trị Pháp" đã mở ra. Trong hai tuần tới, cử tri Pháp sẽ tiếp tục dùng lá phiếu để lựa chọn một tổng thống theo đường lối "chủ nghĩa dân tộc" hay "cởi mở, cấp tiến."

Đường tới Điện Elysee của ẩn số Macron

Dù mới tham gia chính trường hơn 5 năm và xuất hiện lần đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống, "hiện tượng Emmanuel Macron" đã phát huy được lợi thế về tuổi trẻ với tham vọng lớn để giành chiến thắng ngay ở vòng đầu. Xu hướng chính trị mới đã được thiết lập và con đường đang rộng mở để ông Macron, 39 tuổi, trở thành lãnh đạo cao nhất và trẻ nhất của nước Pháp.

Một năm trước, ngày 6-4-2016, Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron đã gây bất ngờ khi thông báo thành lập phong trào "Tiến bước," một phong trào chính trị mới. Ông cũng khẳng định, muốn “đại diện cho sự tập hợp của người dân Pháp chứ không phải của cánh tả hay cánh hữu”. Ra tuyên bố với tư cách là ứng cử viên tự do, không thuộc đảng phái nào là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Pháp nhưng là xu hướng tất yếu từ cuộc khủng hoảng của cả phe tả và hữu.

Sự xuất hiện của ông Macron, ít kinh nghiệm và chưa từng là nghị sĩ - tuy không phải là bất ngờ lớn, vẫn tạo nên ẩn số hết sức "khó chịu" với các đảng phái truyền thống tại Pháp, đặc biệt là bên cánh tả và đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Nhiều người Pháp, nhất là các ứng cử viên của hai chính đảng tả - hữu cho rằng, quan điểm "không theo cánh hữu và cũng chẳng thuộc cánh tả" của ông Macron chỉ là ý tưởng mang tính tổng hợp của cánh hữu, cánh tả, cánh trung, và thậm chí là của đảng Cộng sản Pháp. Mục đích là nhằm "quyến rũ" tất cả mọi người và không làm phật ý bất cứ nhóm cử tri nào cả. Hậu quả là chương trình tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích.

Dù phong trào "Tiến bước" chưa định hình thành một đảng phái chính trị nhưng đã nhanh chóng thu hút được hàng trăm nghìn người gia nhập. Nòng cốt là các tổ chức xã hội dân sự, giới trẻ và và cả những người của các xu hướng chính trị tả. Sự bứt phá trong chiến dịch tranh cử của ông Macron bắt đầu kể từ khi ứng viên cánh hữu François Fillon - người từng được xem là nhân vật sáng giá nhất để kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm François Hollane - vướng vào các rắc rối pháp lý liên quan đến "việc làm giả, lĩnh lương thật" và đảng Xã hội lâm vào cảnh chia rẽ nội bộ sâu sắc.

Thất vọng vì những cuộc đấu đá chính trị của cánh tả và cánh hữu, cử tri Pháp đã tìm thấy nhân tố mới theo trường phái tự do và đầy tham vọng tiến hành những cải cách táo bạo có thể vực dậy nền kinh tế và đem lại luồng gió mới cho nước Pháp. Với những điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như vậy, con đường thăng tiến chính trị của Emmanuel Macron thuận lợi hơn bao giờ hết.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri hay vận động tranh cử, ông Macron kiên trì bảo về quan điểm hai đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống không còn khả năng mang lại những thay đổi thực sự cho đất nước. Cụ thể hơn, ê-kíp vận động tranh cử còn thực hiện rất nhiều cuộc thăm dò với các tầng lớp xã hội khác nhau để tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn của họ. Nhìn lại chiến lược từ buổi đầu tranh cử, có thể lý giải sự nhìn xa trông rộng của ông Macron khi chọn Bobigny, một thành phố ngoại ô ở phía bắc Paris điển hình về tỷ lệ thất nghiệp cao, phức tạp về vấn đề tôn giáo - sắc tộc cũng như tệ nạn xã hội. Kết quả thu được là sự ủng hộ tăng lên không ngừng từ những người lao động nghèo trong đó đa số là thanh niên.

Dù thừa nhận xuất xứ chính trị từ phe cánh tả, ông không phủ nhận những mặt tích cực của cánh hữu trên bình diện kinh tế. Vì vậy, trước nguy cơ của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, các nhân vật chính trị có tiếng của đảng cánh hữu LR đã lên tiếng ủng hộ ông Macron trong vòng 2. Khó chấp nhận thất bại nhưng ông François Fillon vẫn tuyên bố ngay là "không có sự lựa chọn nào khác là bỏ phiếu để loại nguy cơ nắm quyền của đảng cựu hữu FN". Không chỉ có vậy, Thủ tướng Bernard Cazeneuve và ứng cử viên Benoit Hamon của Đảng Xã hội, cũng kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron. Cơ hội để "hiện tượng" của cuộc bầu cử tổng thống 2017 trở thành người trẻ nhất lãnh đạo nước Pháp rõ hơn bao giờ hết.

Cuộc đấu giữa "bảo thủ cực đoan" và "đổi mới, cởi mở"

Đối thủ của ông Macron ở vòng hai là bà Marine Le Pen, người đã lập lại được thành tích vào trận chung kết của bố mình là ông Jean Marie Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Dù cùng diễn ra trong bối cảnh chia rẽ của hai chính đảng tả - hữu, tuy nhiên, thắng lợi của bà Le Pen không gây ngạc nhiên lớn vì đã được dự báo qua các cuộc thăm dò dư luận.

Bầu cử vòng 2 giữa bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron được xem như là cuộc đối đầu giữa "nước Pháp mới" và "nước Pháp cũ", giữa "sự co cụm" và "mở cửa, cởi mở", giữa một nước pháp "tự do và độc lập" và "một nước Pháp "hội nhập với châu Âu". Vẫn còn đó nguy cơ xảy ra một "cơn địa chấn chính trị" không chỉ đối với nước Pháp, mà cả châu Âu. Nước Pháp đóng cửa hay mở cửa sẽ được quyết định vào ngày 7-5.

Trong bối cảnh nước Pháp còn bị khủng bố đe dọa, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài do nền kinh tế trì trệ khiến nhiều người dân Pháp chống lại các chính đảng truyền thống và quay sang ủng hộ trào lưu dân túy với đại diện là đảng FN. Yếu tố này đã giúp cho FN nói chung và bà Marine Le Pen nói riêng, hy vọng có thể thay đổi vai trò và tiến tới vị trí cao nhất trên chính trường Pháp. Và sự thật, chiến thắng không còn là điều không tưởng đối với bà Marine Le Pen.

Kiên quyết theo đuổi quan điểm cực đoan, bà Marine Le Pen - 48 tuổi - muốn nước Pháp tách khỏi khu vực sử dụng chung đồng tiền euro, khôi phục kiểm soát biên giới và chống nhập cư. Ứng cử viên FN tuyên bố sau khi biết mình lọt vào vòng 2: Bước khởi đầu đã trót lọt. Đây là kết quả lịch sử và đã đến lúc giải phóng người dân Pháp, khỏi sự phụ thuộc vào EU. Theo ứng cử viên này, nếu lựa chọn ông Macron làm tổng thống, chủ nghĩa Hồi giáo cựu đoan sẽ tiếp tục phát triển và chỉ có người dân Pháp phải gánh chịu hậu quả. Còn ông Macron cho rằng việc ủng hộ bà Marine Le Pen sẽ dẫn tới nguy cơ kéo nước Pháp trở lại thời kỳ 1950 chứ không như tham vọng của ông là đưa nước Pháp tiến bước thực sự trong những năm tới của thế kỷ 21.

Ông Macron khẳng định mong muốn trở thành tổng thống của những người dân Pháp chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc. "Tôi sẽ là tiếng nói của niềm hy vọng cho nước Pháp và châu Âu", ứng cử viên Macron tuyên bố trước những người ủng hộ, đồng thời kêu gọi cử tri hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị mới để giải quyết những thách thức kéo dài của nước Pháp.

Kết quả của vòng 1 đã dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn trong hệ thống chính trị của nước Pháp. Cử tri đã sử dụng lá phiếu để chọn ông Macron đưa đất nước sang giai đoạn lịch sử mới. Việc tuyên bố ủng hộ của nhiều nhân vật quan trọng thuộc cả cánh tả và cánh hữu trong vòng 2 là cơ sở cho thấy, ông Macron sẽ có thêm nhiều lá phiếu quan trọng để đi đến đích cuối cùng.

Chiến thắng vẫn còn ở phía trước dù kết quả thăm dò cho thấy, ứng cử viên Marine Le Pen sẽ bị loại với tỷ lệ cách biệt lớn, khoảng 60 - 40%. Chiến thắng lịch sử đang ở trong tầm tay của ông Macron.

Ứng cử viên Marine Le Pen có hai tuần để thực hiện nhiệm vụ bất khả thi vào ngày 7-5.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/32692802-he-thong-chinh-tri-nuoc-phap-sang-trang-moi.html