Hệ thống thủy lợi trước thách thức của thiên tai

ND- Trong mười năm qua, số trận bão hằng năm đổ vào ven biển nước ta đều tăng. So với thời kỳ 1980-1999, nhiệt độ trung bình hằng năm tăng 2,3 độ C; lượng mưa tăng khoảng 5%.

Do chế độ mưa thay đổi, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu tiêu nước gia tăng đột biến, nhiều hệ thống thủy lợi sẽ không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước. Nguồn nước sạchngày càng trở nên khan hiếm khiến hàng triệu người thiếu nước ngọt. Trong khi đó, mực nước biển dâng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ở của nhiều người, mà còn làm cho chế độ dòng chảy các sông, suối bị thay đổi theo hướng bất lợi. Khi đó, các công trình thủy lợi sẽ hoạt động trong điều kiện không đúng với thiết kế, làm cho năng lực phục vụ của công trình giảm... Trên đây là một số dự báo, nhận định của các cơ quan chức năng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức rất lớn đối với ngành thủy lợi. Do đó, việc phát triển thủy lợi trong thời gian tới phải theo hướng tăng dần mức bảo đảm phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Để đạt mục tiêu trên, đầu tư cho thủy lợi phải theo từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm, để bảo đảm mục tiêu trước mắt, cũng như lâu dài. Bên cạnh việc nâng tỷ lệ cấp nước đô thị tùy theo vùng, cấp đủ nước để phục vụ khai thác đất canh tác hằng năm, nhất là bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa hai vụ và nâng tần suất tưới phục vụ phát triển vùng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối tập trung. Cần quan tâm đến các vùng khan hiếm nước như các tỉnh miền trung, Nam Trung Bộ. Chú trọng phát triển thủy lợi cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, từng bước giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với việc chủ động và nâng cao chất lượng nguồn nước, cần tăng cường khả năng tiêu thoát nước ra các sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, bảo đảm tiêu thoát nước ở những vùng đồng bằng, vùng thấp trũng... Đồng thời, phải có giải pháp và các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn dân cư, bảo vệ hoa màu, nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông tại các lưu vực sông lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trước mắt là kiểm soát được lũ trên dòng chính, sau đó tiếp tục củng cố các công trình, hệ thống bờ bao để kiểm soát lũ ở mức độ cao hơn. Mặt khác, phải nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, bảo đảm phát huy năng lực thiết kế. Chú trọng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài về thủy lợi. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159641&sub=152&top=37