Hết nhập nhèm xe công - xe tư

Nhân đọc bài “Đoạn tuyệt với xe công “ (Báo Lao Động), tôi cũng xin có một vài ý kiến. Ở nước ta đã từng có thời kỳ vào những năm 1980, Thủ tướng quy định, chỉ có Bộ trưởng mới có xe đưa đón từ nhà đến cơ quan, còn cấp Thứ trưởng trở xuống dùng xe đưa rước chung. Nhưng rồi theo thời gian, tuy không có quy định nào bãi bỏ quyết định trên nhưng quyết định trên mặc nhiên không còn hiệu lực thi hành.

Nhiều đơn vị khoán xe công phải tìm phương án tiết kiệm chi phí (Ảnh minh họa, theo Zing)

Thường khi nói về tiêu chuẩn, ta thường quen miệng nói "đồng chí A, B ... có tiêu chuẩn" xe riêng, dần dần nó trở thành thói quen trong cách hiểu và suy nghĩ người có tiêu chuẩn và quần chúng...

Khái niệm xe riêng ở ta nó rắc rối hơn các nước khác là xe công nhưng lại thường xuyên được dùng vào việc riêng.

Chính sự nhập nhằng công tư như vậy đưa đến không ít nhiễu sự mà công luận nhiều lần lên tiếng phê phán. Thậm chí, ở diễn đàn Quốc hội lần này, có vị đại biểu không ngần ngại lớn tiếng gọi việc sử dụng xe riêng không đúng tiêu chuẩn, mục đích sử dụng là "tội tham nhũng và phải xử về tội tham nhũng". Ta chưa xem xét hết các khía cạnh của quy kết này; nhưng cảm tưởng ban đầu nghe cũng có lý!

Ở các nước khác tuy là giàu có, chỉ có Bộ trưởng được coi là các chính khách mới được cấp xe riêng, số này không quá vài chục người. Thậm chí, nhiều nước còn nghiêm ngặt hơn, ngay đến Thủ tướng cũng dùng xe công khi hoạt động có tính chất công vụ, còn hoạt động riêng tư đều phải dùng taxi trả tiền như mọi người. Ở những nước Bắc Âu hoàn toàn không có chế độ xe đưa đón tại nhà; tất cả tính vào tiền lương của cán bộ, họ tự lái xe hay đi phương tiện công cộng. Đến cơ quan, đi công tác, cán bộ có xe công đưa đi. Ở Nhật Bản, văn phòng chính phủ thuê xe của 1 công ty tư nhân phục vụ cán bộ. Mỗi chuyến đi đều được ghi nhận cụ thể giờ giấc, đoạn đường đi. Thủ tướng và bộ trưởng có xe đưa đón nhưng không có tài xế riêng; xe được sử dụng tối đa, không có tình trạng xe chờ người.

Các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng theo mô hình này, vừa giảm chi phí, gọn nhẹ biên chế vừa tránh quan hệ riêng tư, sử dụng xe vào mục đích cá nhân.

Ở ta tuy nghèo nhưng quá rộng rãi hào phóng, con số này có thể lên đến vài ba chục ngàn.

Ở nước ta đã từng có thời kỳ vào những năm 1980, Thủ tướng quy định chỉ có Bộ trưởng mới có xe đưa đón từ nhà đến cơ quan, còn cấp Thứ trưởng trở xuống dùng xe đưa rước chung. Nhưng rồi theo thời gian, tuy không có quy định nào bãi bỏ quyết định trên nhưng quyết định trên mặc nhiên không còn hiệu lực thi hành.

Mãi đến năm 1999, Thủ tướng mới có Quyết định 122/QĐ-TTg quy định rành mạch việc sử dụng xe trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp. Vấn đề xe công cấp riêng để phục vụ mục đích công vụ có thể tạm cho là ổn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là do nhập nhằng công tư, nói thẳng ra là lợi dụng, dùng xe này phục vụ cho nhu cầu cá nhân riêng tư, phục vụ vợ con, họ hàng gia đình ... Có lẽ ở đây nên quy kết là "đặc quyền đặc lợi" là hợp lý hơn.

Lúc đầu, xuất phát từ những chế độ chính sách riêng nhằm bảo đảm và tạo điều kiện cho một số đối tượng, chức danh có điều kiện để phục vụ sự nghiệp chung tốt hơn. Dần dần, lâu ngày, nó bị chuyển hóa thành đặc quyền đặc lợi, thiên về chất lợi lộc nhiều hơn do các quy định thành văn hay bất thành văn.

Để chuẩn bị cho chuyện khoán xe lần này thành công, gần năm nay là đơn vị quản lý việc sử dụng xe công, Bộ Tài chính đã tiên phong áp dụng chế độ khoán xe cho các thứ trưởng và cấp tổng cục trưởng thuộc bộ. Với sự tiên phong của Bộ Tài chính đã làm gương cho các bộ, ngành địa phương, chúng ta kỳ vọng, sau khi có quyết định của Thủ Tướng thì sẽ hạn chế việc lạm dụng xe công, giảm tệ nhập nhằng xe công – xe riêng, góp phần tiết kiệm ngân sách.

Diệp Văn Sơn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/het-nhap-nhem-xe-cong-xe-tu-645292.bld