Hiểm họa chiến tranh

Gần 100 năm trôi qua kể từ sau khi bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian đó đã quá nhiều sự kiện đẫm máu xảy ra trong tiến trình phát triển văn minh của nhân loại. Và cần phải nói rằng, thật đáng tiếc là tới năm 2014, thế giới vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh không chỉ ở tầm khu vực mà có thể còn trên quy mô rộng lớn hơn rất nhiều.

Trong bất luận tình hình quốc tế ra sao thì các lực lượng vũ trang ở các quốc gia cũng đều chuẩn bị cho mình sẵn sàng với những cuộc chiến tranh tương lai. Và như thực tế đã thấy, không có cuộc chiến tranh mới nào lại giống hoàn toàn so với các cuộc chiến tranh đã qua. Không ngẫu nhiên mà liên tục các bản dự đoán tính chất và cường độ các cuộc chiến tranh tương lai liên tục được các chuyên gia công bố.

Nói trước bước khó qua

Patrick M. Hughes, Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Harvard, từng tập hợp khá nhiều bản dự báo chiến tranh và so sánh cách các chuyên gia quân sự Mỹ hình dung về chiến tranh trong những giai đoạn khác nhau. Ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các chuyên gia này đã cho rằng, những cuộc xung đột quân sự lớn không còn chỗ trong một thế giới “hậu Chiến tranh lạnh”, còn những vụ đụng độ súng ống nho nhỏ thì thường chỉ kéo dài vài ba tháng là bị dập tắt. Họ cũng hình dung được là, các tên khủng bố sẽ ngày một trở nên nguy hiểm hơn và các chiến dịch vãn hồi hòa bình thường phải tiến hành dai dẳng nhiều năm. Họ cho rằng, mối đe dọa lớn nhất sẽ là sự xuất hiện của các quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân hay việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt bởi những chế độ mà Washington liệt vào đội ngũ hiếu chiến hay những tên khủng bố cuồng bạo.

Còn hiện giờ, các chuyên gia quân sự Mỹ không nhìn thấy những mối đe dọa rõ rệt, nhưng lại cho rằng, họ sẽ phải giải quyết vô số những vấn đề còn đang gây nên cảm giác như là không mấy trọng đại. Nỗi lo lắng lớn nhất là trước viễn cảnh công nghệ siêu hiện đại có thể lọt vào tay kẻ thù và vì thế, có thể gây nên những thiệt hại khổng lồ đối với Mỹ. Quân đội Mỹ đang không đủ năng lực để đối phó với những mối nguy hiểm mới, một khi những mối nguy hiểm này vẫn còn chưa hiện hình rõ nét.

Trong bối cảnh này, một bản dự báo chiến tranh tương lai chuẩn xác sẽ có vai trò vô cùng to lớn trong việc xây dựng quân đội. Quá trình nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí mới thường diễn ra trong hàng thập niên, việc chuẩn bị cho các quân nhân quen với các phương án tác chiến mới cũng đòi hỏi không ít thời gian. Trước khi chấm dứt “Chiến tranh lạnh”, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho những cuộc xung đột quy mô lớn nhưng hiếm khi xảy ra, mà trong đó cần tới những đội quân đông đảo và nền kinh tế khổng lồ. Rồi sau đó, các chiến lược gia của quân đội Mỹ lại cho rằng, thời của những cuộc chiến lớn đã trôi qua: thế giới đang đứng trước những cuộc xung đột quân sự quy mô “thường thường bậc trung” nhưng lại rất hay bùng nổ mà trong đó có tới vài ba bên liên đới. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang còn cần phải sẵn sàng để thực hiện các chiến dịch vãn hồi hòa bình và nhân đạo. Năm 2001, trước khi xảy ra tấn thảm kịch 11-9, chính quyền Mỹ đã cho công bố bản dự đoán rằng, họ không trông chờ những sự thay đổi địa chính trị đột ngột trong tương lai gần - tất cả các quá trình đang diễn ra “chầm chậm tới mình”.

Việc bản chất chiến tranh đã bị thay đổi một cách căn bản chỉ được hiểu ra sau vụ 11-9-2001, khi các lực lượng khủng bố đã chiếm được tới bốn phi cơ dân dụng và dùng chúng để tấn công các mục tiêu ở Washington và New York. Đối với các lý luận gia của Lầu Năm Góc, đây quả thực là một sự kiện kinh hoàng vì quân đội Mỹ hoàn toàn chưa được chuẩn bị để đối phó với những đòn tấn công độc hại và “vô tiền khoáng hậu” như thế: Không có ai tuyên chiến, không có một đội quân thường xuyên rõ hình rõ dạng của đối phương, không có sự phân định đồng minh và kẻ thù rõ rệt...

Thế kỷ trước, trong những năm 90, Washington tiêu tốn tới 3,3 nghìn tỉ USD cho ngân sách quốc phòng, tức là bằng khoảng 86% số tiền họ đã chi ra trong những năm 80, trong thế đối đầu quyết liệt với Liên Xô cũ. Thảm kịch 11-9-2001 cho thấy nhỡn tiền, những vật lực khổng lồ ném vào ngân sách quân sự hoàn toàn chưa thể bảo đảm cho nước Mỹ một nền an ninh thích đáng và vấn đề cần giải quyết không phải là tiền mà là lựa chọn một chiến lược đúng đắn. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà Mỹ đang tiến hành hiện nay cũng cho thấy, các đường biên giới quốc gia đang tồn tại đã không còn ý nghĩa quan trọng như trước kia nữa, vì các phần tử khủng bố vượt qua chúng rất dễ dàng và cùng một lúc có thể triển khai hoạt động ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, các thỏa thuận quốc tế càng trở nên có ý nghĩa hơn, vì không thể tiến hành các chiến dịch truy sát bọn khủng bố ở những vùng đất lạ nếu không có sự đồng thuận của chính quyền sở tại.

Tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9. Ảnh: J.M (Getty Image).

Dân thường sẽ chết nhiều hơn

Theo Stephen Pater Rosen, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Mỹ, để có thể thiết lập những bản dự báo chuẩn xác về tính chất cũng như quy mô của chiến tranh tương lai, cần phải phân tích kỹ lưỡng những xu thế đang nổi trội lên hôm nay. Không biết tận tường hiện tại, không thể hình dung ra tương lai một cách ít nhiều mạch lạc. Nếu tính theo các chỉ số dân cư, thì có lẽ những nước như Liên bang Nga, Nhật Bản hay khu vực châu Âu sẽ khó duy trì vị thế nổi trội về quân sự trong tương lai. Tại châu Á hay vùng Trung Cận Đông, với đà tăng trưởng dân số như hiện nay, cộng thêm các nhân tố kinh tế và chính trị, hoàn toàn có thể trở thành những nơi tập trung nhiều nguyên nhân nhạy cảm đối với các cuộc xung đột vũ trang. Chính vì thế nên trong tương lai, Washington sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của mình từ châu Âu sang châu Á.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mỹ Eric Hobsbawm, tác giả cuốn sách Thế kỷ của những sự cực đoan, cũng cho rằng, đại đa số những cuộc chiến tranh tương lai sẽ diễn ra chủ yếu ở châu Á và khu vực Trung Cận Đông. Và có thể cả ở châu Phi nữa, vì những tài nguyên tiềm tàng ở đây là miếng mồi ngày một trở nên ngon hơn trong mắt những thế lực bành trướng đế quốc, đang bị hành hạ bởi cơn khát nhiên liệu và nguyên liệu không bao giờ thỏa mãn. Ông Hobsbawm cho rằng, đại đa số các cuộc chiến tranh tương lai sẽ diễn ra giữa những nhóm quân thường xuyên hay không thường xuyên không đông lắm. Và nạn nhân trong những cuộc xung đột vũ trang như thế là dân lành vô tội (Theo các con số thống kê, số thường dân bị chết trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vào khoảng dưới 5% tử sĩ chung; tỉ lệ này trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai là 60-66%; còn trong những cuộc xung đột ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX - 80-90%!).

Tương lai của chiến tranh

Trong tương lai, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình sẽ ngày càng trở nên mờ nhạt, nhất là ở những khu vực bị ám ảnh bởi chủ nghĩa khủng bố hoặc li khai hoặc cả hai tai họa lớn này. Ngày càng ít có chuyện chính thức tuyên bố chiến tranh trên trường quốc tế, còn trong các cuộc xung đột mang tính nội chiến thì súng đạn cứ mặc nhiên nổ chứ chẳng có bên nào chịu đưa ra lời nhận trách nhiệm mình đã khởi sự trước.

Cũng theo Hobsbawm, khái niệm về chiến thắng cũng thay đổi. Nếu trước đây, để được coi là chiến thắng thì chỉ cần đập tan quân đội đối phương và chiếm đóng lãnh thổ của họ thì giờ đây, thế vẫn là chưa đủ. Tình cảnh khốn đốn của quân đội Mỹ tại Iraq hiện nay khó có thể là một minh chứng rằng Washington đã giành được chiến thắng thực sự ở “xứ sở Ba Tư” sau khi chế độ Saddam Hussein bị đánh đổ và liên quân quốc tế vào gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh ở đó. Các cuộc xung đột quân sự trong tương lai cũng sẽ trở nên dai dẳng hơn. Thậm chí có thể kéo dài tới hàng chục năm mà vẫn không hé lộ một triển vọng hòa bình nào.

Còn theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng Mỹ, chiến tranh trong tương lai sẽ diễn ra chủ yếu tại các thành phố. Dân số đô thị, theo các số liệu do Chương trình thông tin nghiên cứu dân số thuộc Trường Đại học John Hopkins, trong 5 năm tới sẽ tăng tới 4,9 tỉ người, tức là chiếm 60% dân số toàn cầu. Mỗi năm, dân số thế giới tăng 77 triệu người và 60 triệu người trong số này sẽ sống ở các thành phố. Số lượng cư dân đô thị gia tăng chủ yếu ở các nước đang phát triển, tức là các nước thuộc những khu vực mà phương Tây vẫn cho là bất ổn nhất. Dĩ nhiên, đấy sẽ là nơi có xác suất bùng nổ xung đột vũ trang cao nhất. Người Mỹ cho rằng, vì thế nên họ cần phải chú trọng tới những khu vực này hơn.

Dĩ nhiên là không quốc gia nào ở những khu vực đó hào hứng với một triển vọng như thế vì như thực tế cho thấy, một khi Washington coi khu vực nào là trọng tâm chính sách của mình thì ở đấy thường dễ li loạn hơn. Để tạo cho mình ưu thế tuyệt đối, người Mỹ thường tạo ra những tình huống “đục nước” tại các điểm nóng để tất cả đều cần tới họ như những lực lượng răn đe khả dĩ duy trì được một trật tự tương đối, một trật tự, oái oăm thay, nếu không có sự can thiệp của họ thì đã mặc nhiên được hình thành.

Vẫn nguyên bản chất

Dù chiến tranh trong tương lai có thay đổi các đặc trưng như thế nào, thì bản chất của nó vẫn không thay đổi. Chiến tranh, vẫn như trước kia, là sự tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác, bằng vũ khí! Và câu nói của tiền nhân rất chí lý: Muốn có hòa bình, hãy luôn sẵn sàng đối phó với nguy cơ chiến tranh

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/sotay/2014/3/57252.cand