Hiểm họa sạt lở, xâm thực (kỳ cuối)

Cùng chung cảnh sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu ở Nam Bộ, nhiều hộ dân ven sông Hồng ở Bắc Bộ cũng nơm nớp nỗi lo thủy thần cướp nhà.

Tính toán quy luật dòng chảy, rà soát lại các công trình chỉnh trị, các hoạt động khai thác của con người… từ đó mới có thể lập kế hoạch tổng thể ngăn chặn tình trạng sạt lở. Theo giáo sư, tiến sĩ Lương Phương Hậu, Khoa Công trình thủy, ĐH Xây dựng, Chủ nhiệm đề tài KC.08.14/06-10 - Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ cho hệ thống công trình chỉnh trị sông trên các đoạn trọng điểm vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ: “Sông là một hệ thống phản ứng liên hoàn vì vậy nếu không làm tổng thể thì chữa được chỗ này, chỗ khác sẽ phình ra, bên này sông ổn định, bên kia sông sẽ xói lở”. Hiểm họa từ việc phá quy luật dòng chảy Cùng chung cảnh sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu ở Nam Bộ, nhiều hộ dân ven sông Hồng ở Bắc Bộ cũng nơm nớp nỗi lo thủy thần cướp nhà. Người dân dọc ven sông Hồng thuộc phường Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) đến giờ cũng vẫn chưa quên vụ sạt lở bờ sông năm 1997. Chỉ sau một đêm, chủ căn hộ 5 tầng vừa mua trước đó hơn một tháng với giá trị hàng tỷ đồng nhưng đã phải ngậm ngùi nhìn ngôi nhà của mình nghiêng dần rồi chìm xuống lòng sông. Sạt lở sau đó cũng kéo dài tới hàng trăm mét dọc bờ sông khiến toàn bộ công trình dọc bãi sông thuộc khu vực này đã bị biến dạng, xê dịch do nền đất sạt, lún và trôi dần về phía lòng sông Hồng. Giáo sư Hậu cảnh báo:“Các dòng sông vốn có dòng chảy theo quy luật, song những năm gần đây cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Điển hình là sông Hồng đoạn qua Hà Nội có những biến động rất lớn. Tự dòng chảy đang tạo nên các bãi bồi như khu vực đầu bãi Tứ Liên trước đây xói lở rất mạnh, nay lại bồi làm cho dòng chảy hất vào phía bờ bên Bát Tràng, Gia Lâm gây xói lở. Sự bất thường này cũng khiến khu vực làng Hải Bối, Đông Anh (Hà Nội) ngày xưa vốn trù phú, ổn định, nay đang xuất hiện sạt lở và diễn biến rất nguy hiểm”. Lý giải về sự bất thường này, giáo sư Hậu cho rằng bên cạnh sự vận động tự nhiên thì con người đang là nguyên nhân tác động mạnh đến sự thay đổi đó. Ví dụ điển hình có thể thấy rõ, tại khu vực bãi, Tứ Liên, Phúc Xá nhà xây lấn chiếm hình thành một khối bê tông khổng lồ làm cho dòng chảy lũ không đi qua được mà lại hất sang phía Gia Lâm làm cho sạt lở bờ bên kia. Thêm vào đó, hiện tượng khai thác cát không theo trình tự sẽ gây nguy hại nghiêm trọng vì phá hoại trạng thái cân bằng của lòng dẫn đã được xác lập trong một thời gian dài, gây xói bồi ngoài quy luật. Việc moi hẫng gây sạt lở bờ và sụt chân công trình, ảnh hưởng ổn định của thế sông vì làm thay đổi vị trí và xu thế của đường trũng. Nắn dòng chảy, liên kết vùng Chỉ ra nguyên nhân sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu ngày càng dữ dội, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Phó khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ),, cho biết: “Tốc độ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu mấy năm qua diễn ra nhanh hơn, do dòng chảy trên các sông này thay đổi - lưu lượng nước nhiều, tăng lên đột ngột, dòng chảy mạnh và nhanh. Đó là điều bất bình thường có thể do tác động của biến đổi khí hậu, phá rừng trên thượng nguồn”. Để có những giải pháp căn cơ đối phó với nạn sạt lở, phó giáo sư Nguyễn Hữu Chiếm khuyến nghị, cần tổ chức đo lại dòng chảy của sông Tiền, sông Hậu, so sánh với những số liệu trước đây để từ đó có những cái nhìn cụ thể hơn về tình hình sạt lở hiện tại và dự báo trong tương lai. Phải có liên kết vùng trong việc khảo sát chung cho các tỉnh, thành trong khu vực có sông Tiền, sông Hậu và những nhánh sông lớn đi qua, trên cơ sở đó mới làm đề án chung cho toàn khu vực ĐBSCL, đưa ra những dự báo vùng nào sạt lở và nguy cơ sắp sạt lở. Nếu được, chính quyền từng tỉnh, thành cũng nên lập những đội chuyên môn đi khảo sát hai bên bờ sông, thăm dò độ sâu, có trang thiết bị chuyên môn để đo dòng chảy, khảo sát hiện tượng bào mòn, sạt lở bờ sông. Còn theo giáo sư Hậu, “điều quan trọng là giải quyết bài toán một cách tổng thể”phải xây dựng quy hoạch tổng thể của cả hai miền Bắc - Nam, sau đó mới chọn đối tượng là những vùng trọng điểm có yêu cầu bức xúc cần can thiệp trước. Hiểu được từng con sông mới nói chỉnh trị nó như thế nào”.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Hiem-hoa-sat-lo-xam-thuc-ky-cuoi/20103/85794.datviet