Hiến tạng cứu người

Những trường hợp đầu tiên được ghép tạng thành công từ tạng của người chết não đã mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân

Như Báo NLĐ ngày 24-5 đã đưa tin, ngày 23-5, sau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não. Người được ghép gan là một bệnh nhân nam, 46 tuổi, ngụ tỉnh Điện Biên, bị xơ gan và ung thư gan. Ngay trong chiều 23-5, bệnh nhân đã tỉnh táo, các chỉ số xét nghiệm cho thấy ở mức ổn định, không có hiện tượng thải ghép. Trước đó, BV Việt Đức cũng đã thực hiện 6 trường hợp ghép thận từ tạng của người chết não. Trong số này, có 2 bệnh nhân đã xuất viện. Nhu cầu rất lớn Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, ngoài việc chứng minh y học VN đã có thể thực hiện được những kỹ thuật khó của y học về ghép tạng, điều đáng ghi nhận nữa ở những ca ghép nói trên chính là tấm lòng của những người hiến nguồn tạng. Nếu không có nguồn tạng thì kỹ thuật ghép có cao đến mấy cũng không có điều kiện để ứng dụng. Phẫu thuật ghép tạng từ nguồn tạng của người chết não tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Khoa Phẫu thuật Gan mật của BV Việt Đức, cho biết khi bệnh nhân được xác định đã chết não thì khả năng tử vong là 100%. Ở các nước châu Âu, việc hiến mô tạng là rất phổ biến trong khi ở VN cũng như nhiều nước châu Á khác, quan niệm người chết phải được ra đi một cách nguyên vẹn nên nguồn mô tạng từ người chết não rất eo hẹp. Hiện cả nước đang có hàng ngàn người chờ ghép tạng nhưng không thể thực hiện được vì nguồn tạng quá khan hiếm. Những ca ghép tạng trước đây thực hiện được cơ bản là nhờ vào nguồn tạng từ người cho là người thân có quan hệ huyết thống với bệnh nhân. Nguồn nhiều nhưng hiến ít Trong nhiều căn bệnh hiểm nghèo, nhất là suy thận mãn, ghép tạng là phương pháp chữa trị duy nhất giúp bệnh nhân có cơ hội sống với chất lượng sống tốt hơn. Mỗi người chỉ có một quả tim, hai quả thận... nhưng khi chết não thì vẫn có thể đưa lại cơ may cứu sống nhiều người khác bằng chính nguồn tạng của họ. Việc ghép tạng chỉ chống chỉ định đối với những người mắc bệnh liên quan đến đường máu, nhiễm HIV, viêm gan B. Hiện tại, BV Việt Đức đang vận động thân nhân của các gia đình có bệnh nhân chết não tuổi từ 16 đến 48 hiến tạng để cứu sống các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa cho biết thêm: trung bình mỗi ngày tại BV Việt Đức có từ 3-5 trường hợp chết não nhưng để được thân nhân một người chết não đồng ý hiến tạng thì không đơn giản. BV đã lập một nhóm “Tư vấn chết não” gồm 6 bác sĩ chuyên khoa. Mỗi khi được thông báo có trường hợp chết não, các bác sĩ trong nhóm “Tư vấn chết não” lập tức tiếp xúc với thân nhân người bệnh, vừa chia sẻ nỗi mất mát vừa cố gắng thuyết phục họ giúp người đang sống bằng cách cho phép BV lấy tạng của bệnh nhân để cứu những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng. Những trường hợp được ghép tạng vừa qua, có người là trụ cột gia đình, có người tuổi đời mới chỉ hơn 30. Cần sự đồng thuận của thân nhân người chết não TS Đống Văn Hệ, Khoa Phẫu thuật Thần kinh kiêm thư ký đề tài cấp Nhà nước “Ghép nội tạng từ người cho chết não” của BV Việt Đức, cho biết hiện để lấy được tạng ở người chết não phải có hội đồng chuyên môn về tư vấn chết não. Hội đồng này phải có bác sĩ pháp y, bác sĩ thần kinh, bác sĩ gây mê hồi sức. Người chết não phải là người bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não hoặc tai biến về mạch máu não mà nếu không có sự hỗ trợ của máy móc thì sẽ tử vong ngay, còn nếu hồi sức tế bào thì cũng chỉ được 48 giờ là chết hoàn toàn. Người chết não phải được hội đồng kiểm tra, xem xét về mặt lâm sàng là mất hết các phản xạ sống. Chỉ khi hội đồng kết luận bệnh nhân chết rồi và được phép của gia đình thì cơ sở y tế mới được phép tiến hành lấy tạng.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100527115747850p0c1050/hien-tang-cuu-nguoi.htm