Hiện thực mới ở Pháp: Chỉ mới bắt đầu

(Baonghean) - Kể từ sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm ngoái làm 12 người thiệt mạng, làn sóng tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra trên đất Pháp.

Vụ bắt cóc và giết hại linh mục ở nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, vùng Normandy là thảm kịch mới nhất gây ra bởi bàn tay khủng bố. Điều này cho thấy, nước Pháp đang đối mặt với một cuộc chiến mới với những kẻ thù giấu mặt có thể tấn công ở bất cứ đâu, bằng bất cứ cách thức nào.

Nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, nơi linh mục Hamel bị giết hại dã man. Ảnh Reuters.

Mọi thứ đều bất ngờ

Không nhằm vào những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, sân bay hay các sự kiện lớn, vụ khủng bố mới nhất ở nước Pháp lại nhằm vào nhà thờ Thiên chúa giáo. Những vụ tấn công nhằm vào những nơi thờ tự không phải hiếm thấy ở Trung Đông, châu Phi hay thậm chí cả châu Á nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hận thù “truyền kiếp” giữa các dòng Hồi giáo.

Còn nay, một vụ tấn công như vậy lại nhằm vào một nhà thờ công giáo ngay trong lòng nước Pháp khi 5 con tin bị bắt, trong đó một vị linh mục 84 tuổi đã bị giết hại dã man theo kiểu hành quyết. Chứng tỏ, khủng bố nói chung hay lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể thực hiện các hành động tàn bạo ở bất cứ nơi đâu.

Đối với nhiều cư dân của ở vùng ngoại ô Normandy vốn yên bình, vụ tấn công vừa qua như một thông điệp rõ ràng: khủng bố ở Pháp không còn giới hạn trong các thành phố lớn hay các điểm du lịch nổi tiếng. Nhiều người đã phải thốt lên rằng “Chúng ta sẽ phải quen với hiện thực mới. Tất cả mới chỉ là bắt đầu”.

Không chỉ tấn công bất ngờ vào bất cứ địa điểm nào, khủng bố giờ đây còn có thể sử dụng mọi phương thức, vũ khí để tấn công. Nếu như trước đây, vũ khí “quen thuộc” nhất của các vụ tấn công là bằng súng hay bom tự chế thì nay chúng có thể sử dụng những loại vũ khí đời thường hơn như dao, rìu và sử dụng cả những chiếc xe tải lao vào đám đông gây chết chóc. Rõ ràng cách thức thủ phạm thực hiện chưa hề được tính tới trong các “kịch bản” đề phòng của lực lượng an ninh.

Thủ phạm các vụ tấn công giờ cũng khó lường. Trước khi gây án đối tượng thủ ác có thể không nằm trong sổ đen của cơ quan an ninh, thậm chí còn được cộng đồng đánh giá là một người hoàn toàn hiền lành.

Có kẻ lại trở nên cực đoan chỉ trong thời gian ngắn. Đó là trường hợp của Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, thủ phạm gây ra vụ thảm sát bằng xe tải ở Nice. Theo cơ quan điều tra, hắn vốn là người không theo Hồi giáo, ăn thịt lợn, uống rượu và dùng ma túy. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng, Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã bị cực đoan hóa chỉ trong một thời gian ngắn và hắn không có liên hệ với bất cứ tổ chức vũ trang nào, kể cả IS.

Adel Kermiche, 1 trong 2 thủ phạm vụ tấn công nhà thờ ở Pháp hôm 26/7. Ảnh: Reuters.

Cũng có những kẻ từng có tiền án, tiền sự như trong vụ việc mới nhất xảy ra tại nhà thờ Saint-Etienne-Du-Rouvray. 1 trong 2 hung thủ của vụ này đã được xác định là Adel Kermiche, từng bị bắt 2 lần khi tìm đường chạy sang Trung Đông để tham gia IS. Sau đó, y được thả và được giao cho bố mẹ quản lý cùng 1 vòng đeo điện tử để cảnh sát kiểm tra hàng tuần.

Tất cả cho thấy, việc kiểm soát những kẻ tình nghi khủng bố hoặc mang trong mình tư tưởng cực đoan là việc làm không hề dễ dàng với lực lượng an ninh. Thậm chí đã có những giả thuyết cho rằng những kẻ trung thành với IS đã được huấn luyện cách “ẩn mình” tinh vi, để hòa vào thế giới phương Tây chờ thời cơ tiến hành khủng bố.

Nước Pháp phải làm gì?

Sau vụ tấn công ở nhà thờ Saint-Etienne-Du-Rouvray, Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận “IS đã tuyên chiến với nước Pháp” và “mối đe dọa của chúng đối với Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết”. Ông cũng khẳng định nước Pháp sẽ phải chiến đấu bằng mọi cách có thể để ngăn chặn và tiêu diệt khủng bố.

Tuy vậy, ông đã bác bỏ kêu gọi của phe đối lập siết chặt thêm nữa luật chống khủng bố. Tổng thống Hollande khẳng định các điều luật chống khủng bố hiện hành của Pháp đã trao cho giới chức đầy đủ công cụ để thực thi các biện pháp chống khủng bố.

Ông nhấn mạnh: "Siết chặt tự do sẽ không mang lại hiệu quả hơn cho cuộc chiến chống khủng bố".

Tổng thống Pháp Francois Hollande đến hiện trường vụ tấn công ở Normandy. Ảnh BBC.

Tổng thống Hollande đưa ra tuyên bố trên sau khi người tiền nhiệm Nicolas Sarcozy, thủ lĩnh đảng Cộng hòa đối lập, đề nghị Chính phủ Pháp thông qua dự thảo luật chống khủng bố mới do đảng này soạn thảo, trong đó quy định sẽ bắt giữ những đối tượng tình nghi bị "cực đoan hóa" và các đối tượng khủng bố bị kết án sau khi mãn hạn tù sẽ không được trả tự do nếu vẫn bị coi là nguy hiểm.

Quả thực, sau mỗi vụ tấn công khủng bố thời gian gần đây, giới chức Pháp thường tuyên bố thúc đẩy các biện pháp an ninh, gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp, truy bắt và theo dõi những kẻ tình nghi…

Song tất cả những biện pháp này dường như không hiệu quả, thậm chí càng gây chia rẽ trong xã hội, đặc biệt giữa những người nhập cư và người bản địa, giữa Hồi giáo với các tôn giáo khác. Phương thức cũ không thể và không còn phù hợp với những chiêu thức khủng bố mới và bất ngờ mà những kẻ cực đoan gây ra.

Đó là chưa kể lực lượng an ninh nước này đã bị cắt giảm đáng kể trong 5 năm qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Đa phần hoạt động an ninh lại tập trung ở thủ đô mà lơ là các vùng ngoại ô xa xôi, trong khi nhiều ý kiến cho rằng chính những nơi này lại là cái nôi “sản sinh và nuôi dưỡng” những phần tử cực đoan khủng bố.

Nước Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác giờ như đang ngồi trên đống lửa bởi rất khó xoay chiều chống đỡ những vụ tấn công kiểu vừa qua. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, không chủ động trước mọi tình huống nước Pháp có thể vẫn là mục tiêu “hấp dẫn” của những kẻ khủng bố.

Thanh Huyền

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201607/hien-thuc-moi-o-phap-chi-moi-bat-dau-2719271/