Hiện tượng văn học châu Âu trở lại Việt Nam sau 20 năm

'Lụa', nguyên tác tiếng Ý là 'Seta', là cuốn tiểu thuyết best-seller (bán chạy nhất) quốc tế từng tạo hiện tượng ở văn đàn châu Âu.

Lụa của Quế Sơn là một bản dịch cẩn trọng, tài hoa lấy bối cảnh năm nhà văn Pháp Flaubert đang viết cuốn Salammbo, vào đêm trước khi Nhật Bản chìm trong khói lửa chiến tranh và một ngôi làng nọ trở thành tàn tích. Nhân vật Hervé Joncour vốn được kỳ vọng trở thành một sĩ quan quân đội nhưng rồi anh lại sống bằng nghề buôn bán trứng tằm.

Những chuyến du hành diệu vợi của Hervé Joncour từ thị trấn Lavilledieu ở miền Nam nước Pháp bằng ngựa, tàu lửa, tàu thủy hoặc bộ hành, đến một ngôi làng bí ẩn ở đất nước Nhật Bản. Đó là nơi những lữ khách phải chấp nhận để một kẻ lạ bịt mắt dẫn tới tìm mua trứng tằm, duy trì nghề chăn tằm dệt lụa. Ở đó, anh phải lòng người thiếp của vị lãnh chúa Nguyên Mộc, để rồi cả cuộc đời chìm trong ám ảnh về “đôi mắt không có dáng phương Đông” đó.

Lụa, nguyên tác tiếng Ý là Seta, in lần đầu vào năm 1996. Sau khi phát hành, Seta trở thành hiện tượng văn học ở châu Âu gặt hái thành công từ giới phê bình đến công chúng. Chỉ riêng châu Âu, con số bán được đã lên đến 700.000 cuốn trong vòng 2 năm đầu tiên (1996 - 1997).

Tính đến năm 2013, Seta được dịch sang 37 thứ tiếng, riêng ở Mỹ có 2 bản dịch lần lượt vào năm 1997 và 2006. Dịch phẩm tiếng Việt của Quế Sơn (dịch từ bản tiếng Pháp Soie, in năm 1997, có tham khảo nguyên tác tiếng Ý từ ấn bản 1996), được NXB Trẻ giới thiệu lần đầu năm 2000. Sau đó, Việt Nam cũng đã có một bản dịch khác được ấn hành năm 2007.

Sau 20 năm, ấn bản Lụa năm 2021 có nhiều chỉnh lý mới sau khi dịch giả Quế Sơn dành không ít thời gian rà soát lại bản dịch tiếng Việt với bản Seta in năm 2013 của NXB Feltrinelli.

Việc bỏ ròng rã 20 năm để chăm chút cho một bản dịch dày chưa đến 150 trang của một tác phẩm nổi tiếng cũng là cuộc du hành ý nghĩa đối với dịch giả. Cuộc du hành ấy gặp gỡ chính tinh thần du hành bên trong tác phẩm văn chương đầy duy mỹ này.

Cẩm Loan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/hien-tuong-van-hoc-chau-au-tro-lai-viet-nam-sau-20-nam-706821.html