Hiệp Hòa và niềm tự hào về truyền thống quê hương

Xã Hiệp Hòa quê tôi được thành lập vào tháng 1 năm 1946, trên cơ sở sáp nhập 5 thôn: Nghĩa Lý, Trúc Hiệp, Giông, Nả và An Bảo. trực thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.

Năm 1952, huyện Vĩnh Bảo được tách nhập vào tỉnh Kiến An,. Năm 1956 thôn Lê Lợi được tách ra từ xã Hùng Tiến sáp nhập vào xã Hiệp Hòa. Năm 1963 tỉnh Kiến An và Hải Phòng hợp nhất, xã Hiệp Hòa thuộc huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Năm 1980 xã thành lập thêm xóm 12, (xóm kinh tế mới). Hiện nay xã tôi gồm 6 thôn và 1 xóm, có trên 2.200 hộ dân, với số nhân khẩu ước gần 7.300 người

Tên xã Hiệp Hòa có từ năm 1946, nhưng quá trình hình thành vùng đất, con người quê tôi đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh lao động. Cư dân cổ nhiều đời là cụ tổ của các dòng họ từ Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa đến vùng đất này chế ngự thiên nhiên, khai khẩn đất hoang, đắp đê, trị thủy, xây dựng nhà cửa, lập lên các trang ấp. Các làng thôn của Hiệp Hòa ra đời tuy có khác nhau về thời gian và quá trình hình thành, nhưng truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ sẻ chia hoạn nạn đã sớm được nhân dân phát huy.

Các thế hệ người Hiệp Hòa luôn chung sức đồng lòng, cùng nhau chống chọi thiên tai địch họa. Qua nhiều thế hệ từ khi được hình thành đến nay, ý thức và tinh thần đoàn kết vươn lên được lưu truyền, hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của quê hương Hiệp Hòa. Những truyền thống tốt đẹp đó được phát huy mạnh mẽ nhất từ khi có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, thể hiện trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một khởi sắc hơn.

Ngày 01 tháng 8 năm 1947, Huyện ủy Vĩnh Bảo đã quyết định thành lập chi bộ Đảng Cộng sản xã Hiệp Hòa, 70 năm qua đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; chi viện sức người, sức của góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, giành được những thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển KT- VH-XH, QP- AN và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của địa phương.

Tháng 2-1950, thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Bảo, Hiệp Hòa nằm trong thế bao vây, khống chế của địch. Những năm kháng chiến gian khổ ác liệt hy sinh, quân dân Hiệp Hòa đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 31 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 112 tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược, giữ vững khu du kích, giúp đỡ nuôi giấu nhiều cán bộ của tỉnh, của huyện và các xã bạn. Đóng góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ các đơn vị bộ đội.

Truyền thống trong đấu tranh cách mạng

Hiệp Hòa có 143 thanh niên đi bộ đội chống Pháp, hơn 260 người tham gia lực lượng dân quân du kích, có 76 người đã anh dũng chiến đấu hy sinh, 26 người là thương binh, 210 người chết do bom đạn, 9 cán bộ đảng viên bị bắt đi thủ tiêu mất tích, 172 người bị địch bắt giam tù đầy, 322 ngôi nhà bị đốt cháy, 2 đình, 2 chùa bị tàn phá tan hoang.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất, củng cố lực lượng dân quân du kích xã, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến với tinh thần: “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Sự đóng góp tích cực của Đảng bộ và Nhân dân xã Hiệp Hòa đã góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, kết thúc 21 năm chiến đấu ngoan cường, chiế thắng kẻ thù xâm lược sừng sỏ nhất, hiếu chiến trên thế giới Đảng bộ và nhân dân xã Hiệp Hòa đã lãnh đạo và động viên 576 thanh niên đi bộ đội và thanh niên xung phong; 104 người là liệt sỹ, 51 người là thương bệnh binh, toàn xã đã đóng góp được trên 3000 tấn lương thực, trên 400 tấn lợn hơi cho nhà nước phục vụ kháng chiến chống Mỹ, đóng góp trên 10.000 ngày công phục vụ đắp trận địa pháo, trận địa tên lửa, đóng góp 50.000 ngày công, hàng nghìn cây tre cứu hộ đê điều chống chọi trận lũ lịch sử tháng 7/1971.

Ghi nhận thành tích của Đảng bộ và Nhân dân xã Hiệp Hòa, Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho Hiệp Hòa Huân chương kháng chiến hạng Hai, 45 bằng khen và giấy khen của thành phố, huyện. Có 27 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”; trong hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 1.579 người được tặng huân, huy chương các loại.

Đến công cuộc đổi mới quê hương

Phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của quê hương, nhiệm vụ của Đảng bộ và chính quyền trong giai đoạn mới là: lãnh đạo khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định xây dựng nâng cao đời sống nhân dân. Những năm xảy ra chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, Nhân dân Hiệp Hòa lại tích cực động viên hàng trăm thanh niên nhập ngũ, tái ngũ, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
-

Về phát triển kinh tế: Tốc độ phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá, đúng hướng; năng suất lúa bình quân hàng năm đạt từ 12-12,5 tạ/ha. Trang trại, gia trại và một số ngành nghề kinh doanh phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 35 triệu đồng/ người/ năm. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Diện mạo của các thôn làng, của toàn xã ngày một đổi mới khang trang đẹp đẽ hơn.

- Về văn hóa-xã hội: Công tác giáo dục - đào tạo, đã có nhiều tiến bộ rõ nét; đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học đã được nâng lên ở tất cả các bậc học; hàng năm học sinh chuyển lớp đạt 99-100%, học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học có từ 40-50 em. Có nhiều em tốt nghiệp ĐH đã phấn đấu học tiếp cao học và chương trình sau ĐH, trở thành các Thạc sỹ, tiến sỹ có tài năng tâm huyết, đảm nhiệm xuất sắc các nhiệm vụ KTXH, mang lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình và quê hương. Toàn xã đã thực hiện hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo 5 tuổi. Chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, trẻ em được thực hiện tốt. Công tác văn hóa thể thao, truyền thanh đều bám sát, phục tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. 100% các làng đã đăng ký phấn đấu xây dựng làng văn hóa, có 2/6 làng được công nhận làng văn hóa. Các chính sách xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo thực hiện có hiệu quả.

- Tình hình an ninh chính trị, trật ự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững và ổn định, hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh nông thôn và công tác quân sự địa phương. Những năm gần đây đều được Bộ chỉ huy quân sự thành phố và sở Công an thành phố, Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện khen thưởng.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, trong các năm qua xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép các chương trình với tổng số vốn huy động trên 70 tỷ đồng để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm lầy nội vào mùa mưa, nhỏ hẹp, nay đã được mở rộng và bê tông hóa.

Trong 6 năm đã nhựa hóa và bê tông hóa 14,5 km đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; xây mới và nâng cấp 7 nhà văn hóa thôn và công trình sân thể thao thôn, trụ sở làm việc và nhà văn hóa xã, cả 3 trường học cơ bản đạt chuẩn, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Qua 6 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi: Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ; các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả, đến nay cơ bản đã đạt các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017.

Kỷ niệm 70 năm thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam xã Hiệp Hòa là một sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, cũng là dịp Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân ôn lại ôn lại truyền thống lịch sử, chặng đường phấn đấu và trưởng thành. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của địa phương, đoàn kết, thống nhất, huy động mọi nguồn lực, năng động, sáng tạo, xây dựng Hiệp Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng nông thôn hiện đại. Góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúng tôi là những lớp thanh niên Hiệp Hòa được cha mẹ gia đình chăm lo, ăn học. Được các thế hệ Thầy cô đào tạo dưới mái trường quê. Được tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm giúp đỡ, giáo dục đã khôn lớn, chúng tôi tham gia phục vụ những năm cuối của công cuộc chống Mỹ cứu nước. Sau gần 45 năm xa quê, mỗi lần về thăm quê, lòng trào dâng xúc động trước những đổi thay vượt bậc của quê hương. Với tất cả niềm thương yêu, tự hào về quê hương nguồn cội, chúng tôi cảm thấy mình còn nợ rất nhiều tình nghĩa và trách nhiệm với nơi chôn nhau, cắt rốn, với những bậc tiền hiền, tiền liệt đã cần cù lao động, hy sinh, phấn đấu, để có mảnh đất, con người Hiệp Hòa ổn định và phát triển bền vững tương lai

Nhà thơ Phạm Trung Tín
Hội viên Hội Nhà văn TPHCM

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/hiep-hoa-va-niem-tu-hao-ve-truyen-thong-que-huong-p52147.html