Hiệp hội các trường ĐH ủng hộ thi trắc nghiệm năm 2017

strong>Chiều nay, 13/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí để trao đổi về phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hiệp hội đã có văn bản ngày 28/7 gửi Bộ GD-ĐT góp ý về phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tại buổi trao đổi báo giới. Ảnh: Lê Văn.

"Nhiều điểm của phương án này chính Hiệp hội chúng tôi đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT trong những năm qua" - ông Nhĩ cho biết.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng đây là phương án hướng tới chuẩn mực và có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.

GS. TS Lâm Quang Thiệp cho rằng, với vấn đề thi trắc nghiệm hay tự luận thì không thể nói phương pháp nào hơn phương pháp nào vì mỗi phương pháp có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Tuy nhiên, nếu nói 2 phương pháp này áp dụng cho kỳ thi có tính tiêu chuẩn hóa cao, quy mô lớn như kỳ thi THPT quốc gia thì phương án thi trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp thi tự luận truyền thống.

Theo GS Thiệp, với phương pháp thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi trong khi đó, với phương pháp thi tự luận thì chất lượng phụ thuộc nhiều vào năng lực của người chấm thi.

"Chất lượng của đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng đề thi với nhiều người tham gia trong thời gian dài. Trong khi đó, với phương án tự luận, việc chấm thi cho hàng triệu thí sinh không thể làm tốt do trình độ người chấm khác nhau" - GS Thiệp giải thích.

GS. TS Lâm Quang Thiệp trao đổi tại buổi trao đổi báo chí của Hiệp hội. Ảnh: Lê Văn

Đối với ý kiến không đồng tình với phương án thi trắc nghiệm môn Toán, GS Thiệp cho rằng nên xác định mục tiêu của kỳ thi.

"Đây không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà là kỳ thi THPT quốc gia. Việc sàng lọc chỉ mang tính chất phân loại: Loại này thì có thể vào đại học, loại này thì không đủ năng lực vào đại học. Còn nếu thi tuyển để chọn nhân tài thì đương nhiên không nên thi trắc nghiệm môn Toán" - GS Thiệp khẳng định.

Về vấn đề Bộ GD-ĐT có khả năng soạn thảo đủ ngân hàng đề thi chuẩn hóa để có thể áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho môn Toán hay không, GS Thiệp cho rằng "rất khó trả lời" vì còn tùy vào việc Bộ GD-ĐT tổ chức như thế nào.

Ngoài ra, GS Thiệp cũng đề xuất, hình thức đề thi thi trắc nghiệm với môn Toán cũng có nhiều lựa chọn chứ không chỉ là dạng đề thí sinh lựa chọn 1 trong 4 câu trả lời. Có những câu hỏi trắc nghiệm thí sinh tự tạo ra đáp án. Ví dụ như trong đề thi SAT của Mỹ, thí sinh tự viết đáp án bằng cách tô vào câu trả lời.

"Nếu môn Toán có thêm câu hỏi trắc nghiệm như vậy thì tôi tin rằng có thể giảm bớt được việc thí sinh đoán mò" - GS Thiệp nói.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói thêm: Nghiên cứu của các trung tâm khảo thí của thế giới đã khẳng định, đề thi hay dạng thức thi tự luận hay trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng tới việc dạy và học của học sinh và giáo viên trên lớp.

Theo bà Nga, nguồn nhân lực để xây dựng ngân hàng đề thi cũng không thiếu do từ năm 2005, ĐHQG Hà Nội đã đào tạo hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ về đo lường và đánh giá giáo dục.

"Nguồn nhân lực đó kết hợp với các GS, chuyên gia đầu ngành sẽ tập hợp được một nguồn lực đủ để xây dựng ngân hàng câu hỏi".

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán "chấp nhận trì hoãn" do Trường ĐH Thăng Long đề xuất. Ngoài ra, nên cho các trường tuyển sinh 2 - 3 lần trong năm.

Lê Văn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/326515/hiep-hoi-cac-truong-dh-ung-ho-thi-trac-nghiem-nam-2017.html