Hiệp hội sữa Việt Nam chính thức ra mắt

Sáng 25/3/2010, Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) đã chính thức được thành lập và có buổi ra mắt với khoảng hơn 60 thành viên tại TP. HCM.

Ý tưởng về việc thành lập Hiệp hội đã được ấp ủ từ khá lâu, đến tháng 10 năm 2007, Vinamilk đã cùng một số đại diện của khối nhà nước và khối tư nhân thành lập nên Ban vận động thành lập Hiệp hội sữa Việt Nam, chính thức chuẩn bị các bước cần thiết để vận động Chính phủ cho phép thành lập Hiệp hội sữa Việt Nam. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ 1 (2010 - 2015) cho biết: “Hiệp hội được thành lập với mục đích tập hợp, tổ chức và tạo điều kiện để các hội viên hợp tác, hiệp lực và giúp đỡ nhau; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn. Góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về các tiêu chuẩn, chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh”... Theo số liệu năm 2008, cả nước có 19.639 hộ chăn nuôi bò sữa, tập trung ở các tỉnh phía Nam (có 12.626 hộ, chiếm 64,3%). Quy mô chăn nuôi trung bình cả nước là 5,3 con/ hộ, trong đó quy mô chăn nuôi trung bình ở phía Bắc là 3,7 con/ hộ và quy mô chăn nuôi của nông hộ ở phía Nam là 6,3con/ hộ. Tuy nhiên, do các hộ chăn nuôi có quy mô trang trại trên 500 con/trại tập trung ở các tỉnh phía Bắc nên quy mô thực tế của các hộ chăn nuôi của khu vực này chủ yếu là 1-3 con, rất ít hộ gia đình có quy mô lớn hơn 20 con/ hộ. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, số lượng bò sữa cả nước năm 2009 là 114.461 con (tăng 6% so với năm 2008). Sản lượng sữa trong nước sản xuất ước tính 278.190 tấn (tăng 6,1% so với năm 2008). Sau khi trừ lượng sữa cho bê uống, thì lượng sữa hàng hóa ước khoảng 250.000 tấn/năm. Nhìn chung, phát triển chăn nuôi bò sữa (CNBS) tại Việt Nam vẫn đang phát triển chậm và mang nhiều yếu tố chưa bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng mặc dù được sự quan tâm của nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ trên cơ sở tận dụng các nguồn lực sẵn có (nguồn lao động dôi dư, nhàn rỗi tại nông thôn, nguồn thức ăn thô xanh tận dụng từ đất dư thừa, bờ bãi…) là mô hình phổ biến của CNBS nông hộ hiện nay. Trong một giới hạn chừng mực cho việc giải quyết công ăn việc làm tại địa phương, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu…, thì mô hình này có tác dụng. Nhưng khi yêu cầu cao hơn cho một ngành sản xuất sữa hàng hóa bền vững, đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu sữa chế biến thì đòi hỏi phải có những bước phát triển vượt bậc trong ngành CNBS như cải tiến về mô hình chăn nuôi từ quy mô nhỏ, gia đình chuyển sang mô hình trang trại quy mô công nghiệp với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ kết hợp với việc hình thành những đồng cỏ rộng lớn để có thể áp dụng cơ giới hóa cao nhằm cung cấp nguồn thức ăn thô xanh ổn định. Hiện nay, bước đầu tại Việt Nam đã xuất hiện những trang trại CNBS quy mô lớn với hàng ngàn con, chuồng trại xây dựng hiện đại, công nghệ chăn nuôi tiên tiến. Những mô hình này sẽ là động lực chính để thúc đẩy ngành CNBS tại Việt Nam phát triển theo chiều hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhằm tạo nên thế vững chắc, tập hợp được nhiều nguồn lực từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan có liên quan đến ngành sữa nhằm đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Hiệp hội sữa Việt Nam sẽ là tập hợp những tập thể, cá nhân tâm huyết với sự phát triển của ngành sữa, trao đổi và thảo luận sâu sắc, tập trung về các vấn đề tồn tại của ngành và tìm ra con đường có lợi nhất cho tất cả các bên tham gia, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành sữa. Trong thời kỳ hội nhập với thế giới, việc tìm được tiếng nói chung là rất quan trọng để có thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tại, đồng thời cạnh tranh lành mạnh, có hiệu quả với các thương hiệu lớn đến từ khắp nơi trên thế giới ngay chính tại thị trường nội địa. Hiệp hội sữa Việt Nam sẽ là cầu nối, giúp các thành viên tăng cường các mối quan hệ trao đổi thương mại, khoa học kỹ thuật với các đối tác trong và ngoài nước. Từng bước nâng cao năng lực sản xuất, thương mại của các thành viên nhằm hướng tới sản suất ra những sản phẩm sữa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường sữa từ năm 2000 đến 2009 đạt 9,06%/năm; mức tiêu thụ sữa (quy ra sữa lỏng) bình quân đầu người tăng 7,85%/năm từ 8,09 lít/người năm 2000 lên 14,81 lít/người năm 2008. Trong khi đó, tốc độ tăng đàn bò sữa đạt cao nhất trong giai đoạn 2001 - 2006 với mức tăng bình quân 22,4 %/năm (từ 41,2 ngàn con năm 2001 lên 113,2 ngàn con năm 2006). Việc tăng đàn có chững lại trong những năm gần đây, do có sự đào thải đối với những người làm ăn theo thời vụ, theo phong trào, còn những người chăn nuôi chân chính có sự đầu tư vào chiều sâu hơn. Ngoài ra, một làn sóng đầu tư mới cũng đã xuất hiện, thể hiện bằng việc ngày càng có nhiều hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa công nghiệp quy mô lớn, hiện đại được xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay của chăn nuôi bò sữa là thiếu đất trồng thức ăn thô xanh cho bò. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến chăn nuôi bò sữa ven các đô thị phải cạnh tranh cả về đất đai lẫn lao động. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cao do giá cả đầu vào tăng mạnh, kèm theo đó là sự chưa hợp lý trong cơ cấu thức ăn cho bò khiến mặc dù nhận được giá thu mua ở mức cao trên thế giới, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có nhiều lợi nhuận. Việc ra đời Hiệp hội sữa Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho những ý tưởng lớn, những đóng góp về tài chính và trí lực của nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào sự phát triển của ngành một cách tập trung và hiệu quả nhất. Mặc dù Hiệp hội sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi kỳ vọng Hiệp hội sẽ là nơi để những người có tâm huyết thảo luận sâu sắc những vấn đề của ngành để từ đó tìm ra tiếng nói chung, hướng đi chung, giải quyết những mâu thuẫn nội tại và vươn ra hội nhập, cạnh tranh với thế giới. Kim Oanh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/201003/Hiep-hoi-sua-Viet-Nam-chinh-thuc-ra-mat-900790/