Hiệp hội Xăng dầu: Tăng khung thuế môi trường xăng dầu là hợp lý

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường.

Hiệp hội Xăng dầu đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 5.000 đồng/lít. Ảnh: H.Vân.

Theo đó, Hiệp hội này đồng tình với phương án bổ sung đối tượng và tăng khung thuế suất bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo. Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị nâng mức thuế môi trường đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít như hiện nay tăng lên 5.000 đồng/lít. Với mức tăng này, tổng thuế sẽ bằng 48,91% giá bán lẻ và thuế bảo vệ môi trường chiếm 58,88% tổng thuế áp dụng với giá xăng thời điểm hiện tại.

Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu diezel cũng được đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu mazut nâng từ 900 đồng/lít/kg lên mức 3.000 đồng/lít/kg.

Đối với mặt hàng xăng dầu sinh học, VINPA đồng tình với Bộ Tài chính chọn phương án: Nếu tỉ lệ phối trộn nhiên liệu là 5%, mức thuế môi trường bằng 80% mức thuế của xăng thường và dầu diesel tương ứng; Nếu tỷ lệ phối trộn nhiên liệu là 10%, mức thuế môi trường sẽ bằng 70% xăng thường và dầu diesel tương ứng.

Hiệp hội nhận thấy mức tăng thuế bảo vệ môi trường như kiến nghị của Hiệp hội là phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó đề xuất tăng khung thuế suất đối với các mặt hàng xăng dầu.

Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện...

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với đối với xăng 3.000 đồng/lít, gần bằng mức tối đa trong khung thuế; đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít, đã bằng mức tối đa trong khung thuế.

Như vậy, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu để ứng phó kịp thời ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; phù hợp với chính sách phát triển KT-XH của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Đơn cử, giá xăng của chúng ta đang thấp hơn Lào là 4.766 đồng/lít, Philippines là 4.246 đồng/lít, Singapore là 17.270 đồng/lít, Hồng Kông là 27.038 đồng/lít.

Dựa trên xem xét tổng thể nhiều yếu tố, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít như hiện hành lên 3.000-8.000 đồng/lít.

Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm: Chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; đảm bảo tính ổn định của Luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường.

Ông Thi cũng cho hay: tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hiep-hoi-xang-dau-tang-khung-thue-moi-truong-xang-dau-la-hop-ly.aspx