Hiểu đúng về bỏ đèn đỏ để giảm ùn tắc giao thông

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết sáng kiến bỏ đèn đỏ đang được triển khai thí điểm nên phải chờ tổng kết đánh giá hiệu quả thực tế mới tính toán tiếp.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết thông tin về sáng kiến bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ đoạt giải nhất cuộc thi An toàn giao thông Việt Nam 2022-2023. Đáng chú ý, sáng kiến này đã được TP Hà Nội áp dụng tại nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Châu Văn Liêm (quận Nam Từ Liêm) để giảm ùn tắc giao thông và đã đạt được hiệu quả nhất định.

Giao thông đã có chuyển biến

Ghi nhận của PV lúc 17 giờ 15 ngày 20-11, giao thông đi lại tại nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Châu Văn Liêm khá thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc cục bộ như nhiều năm trước. Tại ngã tư này, cơ quan chức năng đã bố trí thêm rào chắn để các xe có thể đi thẳng hoặc xi nhan nếu muốn chuyển hướng đường.

Người dân cho biết sau thời gian bỏ đèn đỏ và ngăn bằng dải phân cách, giao thông ở nút giao này đã có những chuyển biến khá tích cực, mặc dù không phải là thông thoáng tuyệt đối.

Nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Châu Văn Liêm khá thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc cục bộ như nhiều năm trước. (Ảnh chụp chiều 20-11) Ảnh: PHI HÙNG

Anh Nguyễn Công Minh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết bản thân thường xuyên đi làm qua cung đường này. Sau thời gian bỏ đèn đỏ và thiết lập rào chắn, anh nhận thấy tình trạng giao thông đã cải thiện đáng kể. “Ở đây không còn cảnh ùn tắc cục bộ như trước đây. Giờ thay vì dừng chờ đèn đỏ để qua đường phía đối diện thì các xe sẽ lưu thông và xi nhan chuyển làn đường, khi xe lưu thông đồng nghĩa với việc giảm thiểu ùn tắc” - anh Minh chia sẻ.

Mặc dù vậy, đến gần 18 giờ cùng ngày là giờ cao điểm, từ đường Mễ Trì rẽ vào đường Lê Quang Đạo các xe lưu thông có phần chậm hơn. Bởi đây là nút thắt, khi các xe muốn từ đường Mễ Trì sang đường Châu Văn Liêm bắt buộc phải rẽ vào đường Lê Quang Đạo để quay sang chiều đường ngược lại.

“Tắc cục bộ thì không còn nhưng thỉnh thoảng vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ nhẹ. Lý do đa phần vì các xe phải quay đầu để rẽ sang đường bên thay vì chờ đèn đỏ rồi sang thẳng như trước kia” - một người dân khác chia sẻ.

Đang thí điểm sáng kiến bỏ đèn đỏ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết ý tưởng bỏ đèn đỏ và tổ chức giao thông đường bộ đã được các giám khảo, nhà chuyên môn chấm đoạt giải nhất tại cuộc thi. Sáng kiến này đang được triển khai thí điểm nên phải chờ tổng kết đánh giá hiệu quả thực tế mới tính toán tiếp.

Theo ông Lợi, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với giao thông đô thị Việt Nam nói chung và đô thị tại TP.HCM nói riêng là số lượng xe cá nhân quá nhiều. Bên cạnh đó, hạ tầng quá lạc hậu và chất lượng hạ tầng thấp kém không đáp ứng được nhu cầu lưu thông, trong khi đó phương tiện giao thông công cộng chưa được đầu tư, phát triển đúng tầm và không thu hút được người dân sử dụng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Dương Anh Tuấn, tác giả ý tưởng bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ đoạt giải nhất tại cuộc thi An toàn giao thông Việt Nam 2022-2023, cho hay anh đã gửi ý tưởng này đến nhiều nơi như Sở GTVT TP Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên đến năm 2022, ý tưởng này mới được áp dụng vào thực tế.

“Đồng thời, ý thức của người tham gia giao thông, nhất là những người trực tiếp điều khiển phương tiện cơ giới không cao, chưa tự giác chấp hành pháp luật và thực hiện các quy tắc lưu thông an toàn, còn tùy tiện. Đa phần người tham gia giao thông đề cao tiện lợi cá nhân, không tôn trọng pháp luật và quyền lợi của những người xung quanh” - ông Lợi nói.

Ông Lợi cho rằng với những vấn đề lớn này, chúng ta chưa có lộ trình, biện pháp giải quyết một cách căn bản, quyết liệt rõ ràng thì mọi giải pháp, sáng kiến đều không thể mang lại hiệu quả như mong đợi.

TP.HCM chưa thể áp dụng

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết tại TP.HCM chưa triển khai việc bỏ đèn đỏ. “Đây là một vấn đề lớn, trường hợp TP có thể triển khai cần phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động giao thông. Thậm chí còn chạy phần mềm mô phỏng để xem lưu lượng giao thông, phân luồng trước khi quyết định triển khai hay không” - vị này nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), cho rằng bỏ đèn đỏ chỉ thực sự phù hợp với một số vị trí nhất định, không thể triển khai đồng loạt, đặc biệt là tại TP.HCM.

“Việc bỏ đèn đỏ ở TP.HCM sẽ không khả thi bởi lẽ mật độ xe ở TP quá lớn, ý thức của người tham gia giao thông chưa ổn. Ngay cả nơi có đèn đỏ một số người dân cũng chưa tuân thủ việc dừng đèn đỏ. Nếu người tham gia giao thông tuân thủ đèn tín hiệu thì tự khắc sẽ giảm ùn ứ” - ông Bình nói.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu giao thông vận tải Trường ĐH Việt Đức, cho biết việc bỏ đèn đỏ có thể áp dụng ở những cụm - nút giao nhất định hoặc ở những khu vực hoặc tuyến đường trục nhưng không nên làm đại trà. “Về bản chất, việc chúng ta đang làm là tổ chức lại giao thông theo mạng lưới, trong đó bao gồm việc lược bỏ một số nút giao có đèn đỏ để cải thiện hiệu quả dòng xe trên toàn mạng lưới” - ông Tuấn nói.•

Nên thí điểm việc bỏ đèn đỏ

Góp ý về sáng kiến này, bạn đọc (BĐ) Long Cao Van viết: Nếu bỏ đèn đỏ mà giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông thì quá tốt, tuy nhiên cần thí điểm kỹ trước khi áp dụng rộng rãi. Một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng, điển hình là nước Đức.

Tương tự, một BĐ khác cho rằng đây là sáng kiến làm lợi rất nhiều cho người tham gia giao thông và ngân sách. Vì vậy, BĐ này đề xuất đưa sáng kiến bỏ đèn đỏ vào thí điểm ở một số nút giao thông, sau khi có kết quả tốt thì nhân rộng. Đối với việc giải quyết lối đi cho người đi bộ qua đường thì có thể làm cầu vượt bộ hành hay lối đi ngầm.

Một BĐ khác bình luận: Văn hóa giao thông của người dân chưa tốt, nếu bỏ hẳn cũng khó khi có va chạm ở nơi đường giao nhau. BĐ này đề xuất: “Nên chăng “bỏ một nửa”, nghĩa là cho các xe giao thông rẽ phải mọi lúc, mọi nơi (trừ khi có người điều tiết giao thông trực tiếp ra hiệu lệnh khác)”.

Góp ý thêm, một BĐ ở TP.HCM cho biết ở ngã tư Trường Sa và Cầu Sắt (quận Phú Nhuận) đã bỏ đèn đỏ từ rất lâu rồi và hiện nay điểm này không còn kẹt xe nữa. “TP.HCM cũng có nhiều nút giao tương tự, bình thường không kẹt nhưng đến khi có đèn đỏ lại kẹt. Giờ cao điểm nếu không có CSGT chỉ dẫn thì nhiều người vẫn lấn như thường. Nếu đèn đỏ chỉ phục vụ giờ cao điểm thì thiết nghĩ nên bỏ, vì có cũng như không” - BĐ này nói.

ĐÀO TRANG - PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hieu-dung-ve-bo-den-do-de-giam-un-tac-giao-thong-post762574.html