Hiệu quả từ mô hình 'Tổ phòng chống dịch'

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao mô hình của Tổ phòng chống dịch của khu phố 4 phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM).

Cứ mỗi tuần 3 lần, ông Nguyễn Văn Đức, một tình nguyện viên trong Tổ phòng chống dịch của khu phố 4 phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM), lại mang loa phóng thanh đi khắp các ngõ xóm trong khu phố vận động người dân loại bỏ các vật dụng chứa nước như bình bông, vỏ xe, chai lọ để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Đây là một trong những hoạt động mà tổ phòng chống dịch các khu phố trên địa bàn phường Hiệp Thành đã thực hiện trong 3 tháng qua, kể từ khi phường trở thành một trong những điểm nóng về SXH và bệnh do virus Zika. Ngoài phát loa tuyên truyền, tổ phòng chống dịch của ông Đức cũng thường xuyên hàng tuần kiểm tra tình hình diệt lăng quăng, diệt muỗi của từng gia đình.

Tình nguyện viên trong tổ phòng chống dịch phần lớn là thành viên của các tổ chức đoàn thể như chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, chi hội nông dân, hàng ngày chia thành từng tốp nhỏ “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh. Qua việc đi đến từng gia đình để phát tờ rơi, tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết, các tổ phòng chống dịch cũng thực hiện luôn việc giám sát công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân.

Từ tháng 5-2017, phường Hiệp Thành có số ca mắc SXH liên tục gia tăng. Tuy nhiên, với hiệu quả từ hoạt động của các tổ phòng chống dịch, số ca bệnh bắt đầu giảm một cách rõ rệt. Nếu trong tháng 5 và tháng 6, địa bàn phường có 156 ca SXH, thì trong tháng 7 đã giảm xuống còn 30 ca.

Trong buổi giám sát tình hình thực hiện công tác phòng chống bệnh SXH tại quận 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao mô hình này và cho rằng TPHCM nên nhân rộng trong thời gian tới.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-to-phong-chong-dich-461241.html