Hiệu quả từ việc chăn nuôi bò dưới tán rừng

Từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Nguyễn Phúc Huy ở xã H'Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở thành tỷ phú nhờ phát triển nuôi bò dưới tán rừng theo hướng truyền thống.

Từ chỗ chỉ có vài chục con bò (chủ yếu là bò cái sinh sản), đến nay, đàn bò của gia đình anh đã phát triển đàn lên đến hơn 4.000 con. Bình quân mỗi năm, gia đình xuất chuồng cung ứng bò giống và bò thịt vào khoảng 1.500 con, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.

Cách đây 20 năm, kinh tế của gia đình anh Huy rất khó khăn, đất đai canh tác cằn cỗi, thiếu nước tưới, khí hậu lại khắc nghiệt, trồng cây gì thất bại cây ấy.

Trong "cái khó, ló cái khôn", gia đình anh quyết định tập trung phát triển chăn nuôi bò dưới tán rừng theo hướng truyền thống vì nhận thấy diện tích rừng trên địa bàn còn nhiều và rất thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi bò.

Hàng ngày, gia đình anh đưa đàn bò chăn thả dưới các tán rừng. Tại đây có nhiều loại thức ăn sẵn có như cỏ, các loại lá cây rừng, các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nên đàn bò sinh trưởng tốt, tăng nhanh về số lượng.

Hiệu quả từ việc nuôi bò dưới tán rừng được khẳng định, gia đình anh Nguyễn Phúc Huy đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn thả đàn bò đến nhiều địa bàn khác - những nơi có rừng trong tỉnh như ở huyện Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayunpa.

Năm 2014, gia đình anh còn thuê thêm quỹ đất dưới tán lá rừng tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đăk Lăk) và bước đầu đã đầu tư chăn thả được khoảng 500 con bò. Cùng với mở rộng địa bàn chăn thả, anh Nguyễn Phúc Huy còn mạnh dạn đầu tư thay đổi cơ cấu con giống nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, đàn bò của gia đình anh (cả bò sinh sản và bò thịt) đã được chuyển đổi bằng 3 loại giống chính gồm: giống bò Brahman, bò lai Sin và bò lai F1 giữa bò vàng Việt Nam với bò Brahman. Đây là những giống bò rất thích nghi với khí hậu ở vùng Tây Nguyên đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Nguyễn Phúc Huy không làm giàu cho riêng mình mà còn tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 40 trang trại nuôi bò chăn thả được hình thành tại các nơi (bình quân mỗi trang trại nuôi từ 80 - 100 con bò) đều hợp đồng với một hộ gia đình tại chỗ (có từ 2 - 3 lao động) nhận khoán nuôi và bảo vệ với mức thu nhập ổn định.

Ngoài ra, anh còn cho các hộ đồng bào dân tộc và các hộ nghèo nuôi bò. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi hộ để cấp từ 1 - 2 con bò cái sinh sản. Bà con nghèo trong vùng, nếu ai có nhu cầu và có điều kiện mua bò giống để phát triển kinh tế anh cũng bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.

Khi đàn bò của gia đình đã tăng lên đến 2.700 con, để có điều kiện đầu tư và phát triển với quy mô lớn hơn nữa, năm 2005, anh Huy quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phúc Huy.

Trước thực trạng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp, anh Nguyễn Phúc Huy cho biết: Trước mắt, doanh nghiệp quyết định không mở rộng địa bàn chăn thả để tăng đàn mà giữ vững đàn bò có khoảng 4.000 con như hiện nay, tập trung nâng cao chất lượng đàn.

Công ty đang nuôi và phát triển bò đực giống BBB của Vương quốc Bỉ - đây là loại giống bò siêu thịt và siêu nạc, có trọng lượng và tỷ lệ thịt lớn nhất thế giới để sử dụng phối giống cho đàn bò cái sinh sản hiện nay.

Công ty tiến tới xây dựng trang trại chăn nuôi ở các khu vực theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao giúp cho việc chăn nuôi bò thịt và bò giống phát triển ổn định và bền vững; xây dựng hệ thống sản xuất thức ăn hỗn hợp thô xanh có chất lượng cao đủ cung ứng cho số lượng bò của doanh nghiệp.

Văn Thông (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-viec-chan-nuoi-bo-duoi-tan-rung-20170214065951059.htm