Hiểu rõ về hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin Covid

Hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đã được chứng minh trong phòng chống đại dịch, giảm thiểu tử vong và các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

Thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu hay Hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối là bệnh lý hiếm gặp với tỉ lệ trung bình khoảng 5,6-10,7 trường hợp/1 triệu dân (cứ mỗi 21 ngày – số liệu trước 2019) và có tỉ lệ cao hơn ở các nước Châu Âu.

Bệnh có thể do chấn thương, bệnh nhân liệt nằm lâu ngày ít cử động, bệnh tự miễn, yếu tố di truyền, nhiễm trùng và nhiều lý do khác… Bệnh có thể chỉ thoáng qua và tự hết nhưng cũng có trường hợp triệu chứng nặng với các dấu hiệu như đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khư trú; co giật hoặc mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng; đau, phù chi dưới.

Các biểu hiện khác như chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng có thể xuất hiện nhưng với tỉ lệ thấp hơn. Trường hợp nặng cần được can thiệp y tế kịp thời và khi can thiệp đúng, sớm, các bệnh nhân có thể được cứu sống.

Như vậy, hội chứng này không phải là loại phản ứng sau tiêm mới. Sau khi vắc-xin Covid-19 AstraZeneca được triển khai tại châu Âu, trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 3/2021.

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1966 ngày 22/4/2021 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Một số trường hợp tiếp theo sau đó đã được báo cáo và được nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO nghiên cứu, đánh giá.

Trên cơ sở đó, ngày 21/4/2021 WHO đã đưa ra khuyến cáo đây là phản ứng hiếm gặp sau tiêm vắc-xin AstraZeneca. Cụ thể, tình trạng giảm tiểu cầu, huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch xuất hiện từ 3– 21 ngày sau tiêm vắc-xin với các dấu hiệu đã liệt kê ở trên và thường sau liều 1.

Phần lớn các trường hợp gặp ở khu vực châu Âu. Tỉ lệ này khoảng 17,6ca/triệu liều ở các quốc gia Bắc Âu và ở mức rất thấp 0,2ca/ triệu liều ở các quốc gia châu Á.

Vì vậy, WHO khuyến cáo tại các quốc gia xuất hiện sự lây truyền của virus SARS-CoV-2, lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong phòng chống các biến chứng nghiêm trọng của bệnh là vượt trội hơn rủi ro phản ứng sau tiêm, trong đó có Hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối liên quan đến vắc-xin.

Chỉ riêng trong năm 2021, theo thống kê của WHO, vắc-xin Covid-19 trong đó có vắc-xin AstraZeneca đã giúp cứu sống 19.8 triệu người ở 185 quốc gia trong đó với hàng tỉ liều vắc-xin AstraZeneca được sử dụng trên 170 nước đã góp phần bảo vệ trên 6 triệu người thoát khỏi tử vong do Covid-19 trên toàn cầu.

Hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đã được chứng minh trong phòng chống đại dịch (Ảnh: Hữu Thắng).

Ngay sau khi nhận được các thông tin về trường hợp thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin Covid-19. Tài liệu đã được Bộ Y tế phổ biến đến 63 tỉnh, thành phố ngay trong tháng 4/2021.

Vắc-xin AstraZeneca là một trong những vắc-xin Covid-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các phản ứng sau tiêm này xảy ra trong vòng 21 ngày sau tiêm và các mũi tiêm AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam trước tháng 7 năm 2023.

Hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đã được chứng minh trong phòng chống đại dịch, giảm thiểu tử vong và các biến chứng nghiêm trọng của bệnh và được cộng đồng quốc tế công nhận.

Vắc-xin Covid-19 đã góp phần quan trọng đưa đời sống kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung trở lại bình thường sớm hơn.

PGS. TS. Phạm Quang Thái

Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hieu-ro-ve-hoi-chung-giam-tieu-cau-huyet-khoi-sau-tiem-vac-xin-covid-a662028.html