Hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc: 'Tôi đã biết dại rồi...'

Đó là lời thú nhận của ông Nguyễn Tiến Hùng- Hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc người đứng đơn tố cáo phóng viên Dương Chí Sỹ trong cuộc đối thoại với đại diện phụ huynh và 3 nhà báo ngày 5/5/2017.

Cuộc đối thoại thân tình

Mở đầu buổi làm việc với 3 người: Phạm Chí Thúc, Võ Hồng Phúc, Nguyễn Duy Khánh khi họ xuất trình giấy tờ chứng minh là nhà báo. Còn tôi tự giới thiệu: Họ và tên Võ Minh Châu nguyên là giáo viên ngữ văn bậc THPT, từng tham gia dạy bồi dưỡng giáo viên các cấp ở Hà Tĩnh về ngôn ngữ. Nguyên là phóng viên Báo Tiền phong. Ngày 3/5/2017, lúc ấy đã gần trưa tôi gọi vào máy của thầy giới thiệu là phụ huynh cùng ông Tôn Đức Đạo dân Vượng Lộc xin phép gặp thầy mấy phút. Thầy hỏi tôi họ tên gì? Tôi trả lời rất thật thà, tên là Võ Minh Châu. Thầy trả lời: Sắp hết giờ rồi. Tôi xin phép buổi chiều gặp thầy một chút. Thầy thông tin: Chiều nay bận họp.

Tôi trả lời: Đang còn 30 phút mới hết giờ làm việc. Tôi sẽ đến đứng ngoài cổng trường. Khi thầy ra về, tôi xin phép bắt tay... hoặc nhìn mặt thầy một chút... có được không ạ? Thầy trả lời: Không được! Tôi đang bận... và thầy tắt máy. Sau đó mấy nhà báo ngồi với tôi gọi vào số máy của thầy nhưng nhận được thông tin: "Thuê bao này hiện nay không liên lạc được". Không gặp được thầy, chúng tôi đã về gặp Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc. Được biết "Những sai phạm của thầy đã được Thanh tra ngành kết luận...".

Thầy giáo, Nhà báo Võ Minh Châu.

Để góp phần cùng dư luận làm rõ sự việc, sáng 5/5, tôi lại tìm đến Trường Tiểu học Vượng Lộc. Rất may lần này, chúng tôi đã gặp được thầy. Vừa gặp tôi, thầy Nguyễn Tiến Hùng có vẻ lúng túng cho rằng: Tên nhà báo Võ Minh Châu thì tôi đã nghe lâu rồi. Nhưng thú thật... tôi chưa được gặp mặt lần nào. Sau lời thầy Hùng, tôi xin phép 3 nhà báo được tâm sự trước. Tôi nói: Sau vụ việc thanh tra đã có kết luận về những sai phạm của Ban giám hiệu Trường tiểu học Vượng Lộc mà thầy Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính. Thầy có thể từ chối không tiếp nhà báo hoặc trốn tránh nhà báo. Nhưng thầy không có quyền từ chối phụ huynh, trốn tránh nhân dân. Giá như hôm ấy thầy chấp nhận gặp chúng tôi trao đổi với nhau một chút cho sáng lẽ sự đời thì có hay hơn không?

Xin phép các nhà báo, cho tôi được hỏi thầy Hùng với tư cách là người được phụ huynh ủy quyền. Xin thầy Hùng cho mời cô Thiễn lên đây để mọi người được "Tri nhân tri diện...". Thầy Hùng đã gọi cô Lê Thị Thiễn lên phòng Hiệu trưởng. Sự có mặt của cô Thiễn làm không khí căn phòng dịu hơn. Cô Thiễn vào cuộc bằng một thông tin: "Hôm ấy thầy Hiệu trưởng gọi em lên hỏi: "Nhà báo nói chi mà kéo dài cả tiếng đồng hồ rứa? Em đưa điện thoại riêng cho thầy Hùng. Sự thật em không cố ý ghi âm lời ông Chí Sỹ. Máy của em do con gái cài chế độ ghi âm tự động. Khi nghe thầy Hùng nói rứa (vậy) là em giao máy cho thầy Hùng nghe luôn. Việc thầy Hùng làm đơn tố cáo ông Sỹ thế nào em không biết".

Lời thầy Hùng và cô Thiễn tóm tắt lại chung một ý: Cuốn băng tuy dài nhưng chẳng có việc gì lớn. Ông Hùng còn nói thêm: "Nguyên nhân tôi làm đơn tố cáo ông Sỹ là để đáp lại việc trước đó ông Sỹ làm đơn tố cáo tôi... Nay sự việc đã rồi... Tôi biết mình dại rồi... nhưng không có cơ hội để sửa chữa...".

Được biết, đơn tố cáo PV Chí Sỹ do ông Hùng đứng tên có nhiều nội dung nhưng ông Hùng tập trung vào hai ý chính: Ông Sỹ "Dọa dẫm" hiệu trưởng nhà trường và "Nói xấu” lãnh đạo huyện và tỉnh.

Hai hành ngôn ấy... của ông Sỹ không sai

Khi xem xét lời nói của một người nào đó để kết luận đúng hay sai là phải có trình độ chuẩn về ngôn ngữ Tiếng Việt và pháp luật hiện hành. Căn cứ vào văn cảnh phát ngôn và đối tượng tiếp nhận. Phải làm được như vậy mới bảo đảm tính khách quan và chính xác. Không thể nâng vấn đề lên, áp đặt, quy kết theo ý chủ quan của một cá nhân nào đó.

Khi ông Sỹ rời phòng hiệu trưởng với thái độ bất nhã của ông Nguyễn Tiến Hùng. Ông ta gọi điện cho cô Thiễn để san sẽ nỗi niềm. Có thể là lời cảnh báo và chứa đựng thể hiện "Ta đây" là một nhà báo đã từng... "Thế này thế nọ". Dẫu sao cuộc điện thoại ấy mang dấu ấn giữa hai cá nhân với nhau. Ông Sỹ nói sẽ viết bài... lấy 500 tờ báo phát về cho dân. Ý định này của ông Sỹ là công bố cho người dân biết: Hiệu trưởng không tham gia giảng dạy đúng quy định mà nhận tiền đứng lớp là sai. Mỗi học sinh lớp 1 bị thu đến 840 ngàn đồng; học sinh các lớp khác 740 ngàn đồng là không nhỏ. Bởi vậy, không thể lấy nội dung này để làm “cớ”cho rằng ông Sỹ “dọa dẫm” nhà trường.

Về cụm từ "Quan huyện, quan tỉnh làm sai anh cũng đánh" là lời khoa trương của ông Sỹ với cô Thiễn. Để xác minh việc hành ngôn của ông Sỹ đúng hay sai, chúng tôi đã tra vào "Từ điển Tường giải và liên tưởng Tiếng Việt" của tác giả Nguyễn Văn Đạm - NXB-VHTT Hà Nội năm 1999. Ở mục từ “Quan” trang 661, dòng 23 được giải thích như sau: “Quan”: "Người cai quản ở chức vụ cao các địa phương hay bộ máy hành chính (quan Văn hoặc quan Võ) dưới thời phong kiến và Pháp thuộc”. Như vậy từ “Quan” đúng nghĩa là chỉ những người cầm quyền thời phong kiến thực dân chứ không phải dùng để gọi những đồng chí cán bộ trong bộ máy chính quyền cách mạng thời nay. Hơn thế nữa, cụm từ " quan" trong Tiếng Việt là cách gọi khinh bỉ của nhân dân đối với những kẻ đã tha hóa, biến chất không còn được tôn trọng.

Tiếng Việt khi thực hành trong giao tiếp có hai nghĩa: "Nghĩa đen" và "Nghĩa bóng". Nói theo thuật ngữ là "Hiển ngôn" và "Hàm ngôn". Ở đây, ông Chí Sỹ đã dùng "Thằng quan huyện... quan tỉnh.." theo nghĩa bóng và nghĩa Hàm ngôn. Ông đã mượn những từ mà xã hội dùng thời phong kiến thực dân để nói với cô Thiễn rằng: Kẻ có chức quyền thời nay mà tha hóa, biến chất có địa vị chính trị cao hơn thầy Hùng thì anh cũng sẽ "đánh". Chữ “đánh” ở đây được hiểu là phanh phui sự việc công khai ra cho mọi người cùng biết. Như vậy Ông Dương Chí Sỹ có phạm tội "Nói xấu" cán bộ hay không?

Mục từ "Nói xấu" trang 609, dòng 10 (sách đã dẫn) nêu: "Nói xấu" là " Nêu điều xấu của một người vắng mặt hay bịa ra một cái xấu của một người khác". Theo việc định danh hành vi và giải nghĩa trên đây, xin hỏi: Ông Chí Sỹ đã nói xấu ai? Người bị nói xấu có họ tên gì? Đàn ông hay đàn bà, đảm nhận chức vụ gì ở huyện nào, cơ quan nào ở tỉnh Hà Tĩnh?

Cẩn trọng hơn, chúng tôi tìm đến luật sư Phan Sỹ Quế, trú tại phường Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh. Ông Quế đã xem thông tin trên báo chí và cho rằng: "Khi ông Dương Chí Sỹ phát ngôn "Thằng quan huyện, quan tỉnh làm sai anh cũng đánh", chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của một công dân và một nhà báo tham gia chống tiêu cực rất cao. Bởi lẽ "Thằng quan huyện" là chỉ kẻ đã tha hóa, biến chất... Ai bảo vệ những "Thằng quan huyện, quan tỉnh" là đồng hành với kẻ đó". Chuyện đó xem ra cũng bình thường khi toàn Đảng, toàn dân đang triển khai Nghị quyết TW4 (Khóa XII); khi mà một số cán bộ cấp cao có sai phạm vừa bị phanh phui và xử lý rất nghiêm.

Lời bàn

Tôi (Võ Minh Châu) người rất hiểu tác phong của phóng viên Dương Chí Sỹ. Trong vụ việc này ông Chí Sỹ đã có những phát ngôn không chuẩn mực của một người cầm bút. Tác phong hành nghề và hành ngôn ấy của phóng viên Dương Chí Sỹ đã bị Tổng biên tập "Treo bút" 6 tháng là chính đáng, nhằm nhắc nhở nhiều người. Nếu ông Nguyễn Tiến Hùng chứng minh được những sai phạm khác của ông Dương Chí Sỹ và ngược lại thì những cơ quản bảo vệ pháp luật nên tiếp tục vào cuộc.

Nhà báo sai về tác phong đã bị xử lý. Còn nhà giáo Nguyễn Tiến Hùng sai phạm về quản lý tài chính, biến thủ hồ sơ có dấu hiệu hình sự thì ngành giáo dục Can Lộc tính sao đây để thể hiện sự công minh, công bằng của pháp lý và đạo lý.

Tháng 5/2017

Võ Minh Châu

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-phong-vien-duong-chi-sy-bi-treo-but-toi-da-biet-dai-roi-p49037.html