Hiệu ứng Kyrgyzstan

(Toquoc) - Tổng thống Bakiyev từ chức và ra đi. Tình hình mới ở Kyrgyzstan có gây hiệu ứng đối với Trung Á?

Ngày 15/4, Tổng thống bị lật đổ của Kyrgyzstan, Kurmanbek Bakiyev, đã ký đơn từ chức và bay sang nước láng giềng Kazakhstan, bắt đầu cuộc sống lưu vong. Điều cay đắng đối với còn người đầy thủ đoạn chính trị này là chính phủ lâm thời của Roza Otunbaeva, ngoài việc chấp thuận bảo đảm an ninh cho cá nhân cựu tổng thống, đã bác bỏ tất cả các yêu cầu khác: không đàm phán trực tiếp, không cho mang theo người thân, hoặc tiến hành bầu cử sau 2-3 tháng tới, v.v.. Ông này ra đi, bỏ lại bồ đoàn thê tử để họ trả lời trước pháp luật, trong đó có việc bắn chết 86 người biểu tình. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã bị bắt tại miền Nam Kyrgyzstan khi đang cố gắng đào tẩu. Người em trai Bakiyev phụ trách an ninh bị bao vây. Người con trai 32 tuổi của Bakiyev, bộ trưởng cao cấp của chính phủ Bakiyev, đang công tác ở Mỹ vào thời điểm cuộc nổi dậy, sẽ bị điều tra về các tội tham nhũng liên quan đến việc bán nhiên liệu cho căn cứ không quân Mỹ tại Manas. Roza Otunbaeva đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống bị lật đổ Bakiev âm mưu gây nội chiến bằng việc tiếp tục kêu gọi dân chúng xuống đường làm cho tình hình thêm căng thẳng. Để uy hiếp Kurmanbek Bakiyev, trong lần ông này sắp diễn thuyết trước 5.000 người địa phương ủng hộ mình vào ngày 15/4, một đoàn biểu tình ủng hộ chính phủ lâm thời đã ập đến bao vây Bakiyev, buộc các cận vệ phải bắn súng chỉ thiên để đưa “Sếp” thoát vòng vây (xem ảnh). Tổ chức An ninh hợp tác châu Âu cho biết Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Medvedev và người đồng nhiệm Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev, đã đứng ra làm trung gian, “cùng phối hợp” thu xếp cho Kurmanbek Bakiyev ra nước ngoài tỵ nạn, tháo ngòi căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, thậm chí nội chiến, tại quốc gia có tầm chiến lược hàng đầu này. Thủ tướng Nga Putin cũng điện đàm trực tiếp với tổng thống bị lật đổ. Trước đó mấy ngày, Thủ tướng Putin đã điện đàm với Thủ tướng lâm thời Roza Otunbaeva và sau đó, Phó Thủ tướng Atambaev đã bay tới Moscow nhằm thảo luận khả năng Nga viện trợ kinh tế cho Kyrgyzstan. Ngày 14/4, Thủ tướng Putin đã chỉ thị cho các bộ liên quan trong tuần phải thực thi kế hoạch viện trợ vật chất gồm 50 triệu USD kinh phí, 25 nghìn tấn sản phẩm dầu mỏ và 1,5 nghìn tấn hạt giống cho Kyrgyzstan. Mỹ đã thay đổi thái độ, từ không công nhận chính phủ lâm thời, sang “cởi tấm lòng”, chấp nhận thực tế, viện trợ nhân đạo cho Kyrgyzstan, sau khi Roza Otunbaeva khẳng định rằng thỏa thuận liên quan việc Mỹ sử dụng căn cứ Manas sẽ tự động gia hạn thêm một năm nữa sau khi hết hạn vào tháng 7 tới. Trung Á thuộc Liên Xô cũ có diện tích gấp bảy lần nước Pháp, được trời phú một số trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, urani và vàng lớn nhất thế giới, trở thành trung tâm cuộc chiến kéo co địa-chính trị/dầu khí giữa ba “đại gia” là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Tầm quan trọng của khu vực tăng lên kể từ sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến Afghanistan. Ba trong số 5 nước Trung Á là Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đã cho phép các lực lượng của NATO sử dụng các căn cứ quân sự của họ để hỗ trợ các hoạt động chống Taliban. Roza Otunbaeva sẽ phải thực hiện ngoại giao “đi trên dây” trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Phải chăng hòa hoãn Nga-Mỹ sau thành tựu START mới đã tạo điều kiện cho Mỹ kéo dài sự hiện diện tại Manas? Nếu có diễn ra điều này thì giữa hai nước lớn ắt sẽ có kiểu “Bánh ít trao đi, bánh dì trao lại”. Liệu sự sụp đổ của “cách mạng hoa Tulip” có thể thổi làn gió bất an vào nội bộ các nước Trung Á khác? Ngay báo chí Trung Quốc cũng đã lên tiếng phòng bị. Căng thẳng sắc tộc lan khắp khu vực Trung Á bị trầm trọng thêm bởi cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích cho rằng cơ cấu quyền lực ở Trung Á chỉ có thể bị thách thức nghiêm trọng khi các nhà lãnh đạo đương quyền từ bỏ chức vụ. Kịch bản Kyrgyzstan có thể xảy ra tại Kazakhstan khi tổng thống Nazarbayev mãn nhiệm. Nhưng lại có ý kiến cho rằng người dân Kazakhstan kiên nhẫn hơn người dân Kyrgyzstan và phe đối lập ít có ảnh hưởng hơn./. Huyền Trương

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Hieu-Ung-Kyrgyzstan.html