Hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI

Trong bối cảnh thu hút đầu tư FDI vào nước ta đang có dấu hiệu giảm sút. Đây chính là lúc nhìn lại và đánh giá những hiệu ứng đạt được từ việc kỳ vọng đổi mới công nghệ qua đường hợp tác với khối doanh nghiệp ngoại.

Thực tế, tác động lan tỏa về công nghệ do cạnh tranh trong cùng một ngành công nghiệp được coi là một tác động quan trọng, có thể xảy ra giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở địa phương.

Theo đó, hiệu ứng lan tỏa công nghệ có thể xảy ra khi các công ty địa phương nâng cao hiệu quả bằng cách sao chép công nghệ của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài hoặc thông qua quan sát hay bằng cách thuê người lao động do các công ty/đối thủ cạnh tranh nước ngoài đào tạo.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển lao động cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực nếu các doanh nghiệp FDI địa phương thu hút được người lao động tốt từ các đối thủ cạnh tranh của họ là doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, các hiệu ứng lan tỏa công nghệ diễn ra giữa các nhà cung cấp các đầu vào trung gian trong nước và các doanh nghiệp Fdi tại địa phương hay các khách hàng quốc tế có thể diễn ra thông qua chuyển giao kiến thức trực tiếp từ các khách hàng là các doanh nghiệp nuowsc ngoài.

Mặt khác, chính các yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng hẹn được đưa ra bởi các doanh nghiệp FDI, nhờ đó tạo ra động lực cho các nhà cung cấp trong nước nâng cấp việc quản lý sản xuất và công nghệ của mình.

Hơn nữa, sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam, giúp tăng cầu địa phương về các sản phẩm trung gian, cho phép các nhà cung cấp trong nước thu lợi từ hiệu quả kinh tế theo quy mô. Đồng thời sự hiện diện của khối FDI có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp địa phương phải sử dụng nguồn lực hiện có hiệu quả hơn hoặc tìm kiếm các công nghệ mới, và vì vậy làm cho sản xuất đạt hiệu quả chi phí hơn.

Cũng cần phải nói rằng, việc chuyển giao công nghệ có nhiều khả năng xảy ra khi thỏa thuận hợp đồng được bảo đảm giữa doanh nghiệp và khách hàng. Thực tế khảo sát cho thấy chỏ có dưới 10% các doanh nghiệp tham gia một cách bình thường vào các hợp đồng dài hạn (trên 3 năm) với khách hàng, trong khi đó có tới 93,5% - chiếm đại đa số các hợp đồng hiện tại có thời hạn dưới một năm. Trong đó, chỉ có 7,5% số hợp đồng của các doanh nghiệp bao gồm chuyển giao công nghệ trực tiếp từ khách hàng cho doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là trong các hợp đồng, liên doanh các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI có nhiều yếu tố về chuyển giao công nghệ từ phía khách hàng hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Khảo sát cũng cho thấy, việc chuyển giao công nghệ trực tiếp từ khách hàng đến doanh nghiệp xảy ra nhiều hơn tại các lĩnh vực “giấy và sản phẩm về giấy”, “máy móc và thiết bị”, “thiết bị vô tuyến và truyền thông”.

Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “máy móc và thiết bị” có 6,4% có khả năng chuyển giao công nghệ từ khách hàng hơn so với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Còn so với lĩnh vực cơ sở (chế biến thực phẩm), các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ và đồ gỗ nội thất ít có khả năng có chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp hơn, trong khi các doanh nghiệp sản xuất giấy và dụng cụ y tế, quang học có nhiều khả năng nhận được chuyển giao từ nhà cung cấp hơn.

Có thể nói, tiến bọ công nghệ và đổi mới chính là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài từ lâu vốn được coi là một kênh quan trọng về R&D thì lại không thể hiện được vai trò trong hoạt động này.

Như vậy, tầm quan trọng của khối doanh nghiệp FDI như là một “vec-tơ” cho chuyển giao công nghệ và nâng cấp công nghệ tại thời điểm hiện tại có thể được đánh giá quá cao chứ thực tế là không được như vậy. Đúng như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Tác động lan tỏa của công nghệ cho thấy khá rõ bức tranh thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong thời gian qua. Bởi nếu như trước đây chúng ta kỳ vọng nhiều vào khối doanh nghiệp FDI để có được sức lan tỏa của công nghệ thì qua thời gian kiểm chứng và dưới góc độ doanh nghiệp, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam không học được bao nhiêu từ các nhà đầu tư ngoại.

Đây là bài học để Việt Nam có chính sách tiếp thu đầu tư nước ngoài để có sự lan tỏa công nghệ, tránh tình trạng hiệu ứng ngược như hiện nay.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/hieu-ung-lan-toa-cong-nghe-tu-cac-doanh-nghiep-fdi/201111/118427.dfis