Hình ảnh Đại lễ Phật đản 2024 tại các nước

Là một ngày lễ quan trọng với Phật tử trên toàn thế giới, Đại lễ Phật đản (Vesak) là từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa của tiểu quốc Shakya, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ của đạo Phật.

Đông đảo các Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni của Việt Nam và Lào cùng các cư sĩ, Phật tử, cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào đã tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Đông đảo các Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni của Việt Nam và Lào cùng các cư sĩ, Phật tử, cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào đã tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) sinh ra ở Lâm Tỳ Ni, nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày Đức Phật thành đạo đồng thời là ngày Đức Phật nhập niết bàn. Sự hy hữu này được các nước theo Phật giáo Nam tông tổ chức 3 lễ trong một ngày nên Đại lễ Phật đản còn được gọi là Đại lễ Tam hợp hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng).

Tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, Sri Lanka từ 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch. Từ năm 1999, Liên Hợp Quốc công nhận Phật giáo là tôn giáo điển hình của nhân loại và Đức Phật là nhân vật Văn hóa Tôn giáo được tôn vinh.

LHQ tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phật đản Vesak

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 20/5, Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phật đản Vesak đã được tổ chức trang trọng tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thành phố New York, Mỹ.

Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni của Lào tiến hành nghi lễ Tắm Phật trong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni của Lào tiến hành nghi lễ Tắm Phật trong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng thư ký LHQ, các Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Sri Lanka, cùng nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên LHQ và đông đảo tăng ni, Phật tử quốc tế.

Các phát biểu nhấn mạnh những lời dạy và triết lý của Đức Phật về sự đồng cảm, chia sẻ, khoan dung, tôn trọng và hiểu biết lẫn là những giá trị trường tồn giúp cộng đồng quốc tế vượt qua những khác biệt, vị kỷ, hận thù để xây dựng một thế giới hòa bình, hòa hợp và phát triển bền vững. Đây cũng là những mục tiêu và tôn chỉ mà LHQ luôn nỗ lực hướng tới.

Rất đông cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào tham dự nghi lễ Tắm Phật trong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Rất đông cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào tham dự nghi lễ Tắm Phật trong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhận định thế giới ngày nay phải đối mặt nhiều thách thức toàn cầu phức tạp và đan xen, căng thẳng và xung đột địa chính trị, xuất phát từ lợi ích vị kỷ, khiến cho việc giải quyết những thách thức cấp bách này trở nên khó khăn, gây chia rẽ, hận thù, cản trở sự ổn định và phát triển.

Đại sứ nhấn mạnh triết lý của Phật giáo có thể góp phần giúp soi sáng, dẫn hướng cho nhân loại vượt qua những khó khăn, thách thức này. Sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và tinh thần sẻ chia không chỉ là bản chất của Phật giáo mà còn là những nguyên lý cơ bản của các tôn giáo khác.

Đông đảo cư sĩ, Phật tử, cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào đang thực hiện nghi thức Cúng dường

Đông đảo cư sĩ, Phật tử, cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào đang thực hiện nghi thức Cúng dường

Để góp phần xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng các giá trị của Phật giáo như thực hành chánh niệm, từ bi - hỉ xả, quan tâm đến tất cả con người, sẽ là những nhân tố tích cực gieo mầm cho tương lai. Với tinh thần đó, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của LHQ vào tháng 9/2024 tới sẽ là dịp để cộng động quốc tế vận dụng những giá trị sâu sắc của Phật giáo nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.

Nhận dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ mong muốn của Việt Nam một lần nữa được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak quốc tế sau nhiều lần tổ chức thành công sự kiện trọng đại này.

Đại sứ khẳng định Phật giáo là một phần không thể thiếu trong văn hóa và tinh thần của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, góp phần quan trọng hình thành các giá trị, quan điểm và lối sống người dân Việt Nam.

Ấm áp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Lào

Sáng 22/5, tại Chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane của Lào đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 (dương lịch 2024), với sự tham dự của đông đảo Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng ni của Việt Nam và Lào cùng đông đảo cư sĩ, Phật tử, bà con cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang đã chuyển tới các tăng ni, Phật tử và cộng đồng người Việt Nam thông điệp của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kêu gọi bà con Phật tử, cộng đồng người Việt tại Lào phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh, mỗi tăng ni, Phật tử cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần kỷ cương - trách nhiệm - đoàn kết - phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò trong việc gìn giữ và vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Tại buổi lễ, các Chư tôn đức, tăng ni Việt Nam, Lào cũng như cộng đồng người Việt tại thủ đô Viêng Chăn đã cùng thực hiện các nghi lễ như dâng hương, cúng dường và tắm Phật để cầu hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho toàn dân tộc nói chung cũng như cho cộng đồng người Việt tại Lào nói riêng, đồng thời thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đại lễ Phật đản tại Thái Lan

Đại lễ Phật đản tại Thái Lan

Thái Lan: Khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2024 tại cố đô Ayutthaya

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 72 của Đức Vua Thái Lan, Rama X, Thái Lan tổ chức Đại lễ Vesak 2024 với chủ đề "CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀ ĐOÀN KẾT PHẬT GIÁO". Sự kiện trọng đại này diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20/5/2024 tại Ayutthaya và Trung tâm Hội nghị Liên Hợp Quốc Bangkok, Thái Lan.

Buổi lễ có sự tham dự của Đức Phó Tăng vương Thái Lan, tăng thống, chủ tịch các hiệp hội, tổ chức Phật giáo, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Đại lễ Vesak (ICDV), Hiệp hội Quốc tế các trường Đại học Phật giáo (IABU), Chủ tịch các hội Phật giáo các quốc gia khác nhau, các nhà lãnh đạo Phật giáo, cùng đông đảo Phật tử khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu khai mạc, Đức Phó Tăng vương Thái Lan nêu rõ, Phật giáo là đạo của hòa bình và tình yêu thương muôn loài.

Sau buổi lễ, các đại biểu tham gia vào các hoạt động khác gồm tọa đàm, triển lãm, và các nghi lễ Phật giáo truyền thống.

Myanmar: Hàng nghìn người tham dự kỷ niệm ngày Phật đản

Người dân dự lễ kỷ niệm ngày Phật đản tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar, ngày 22/5/2024

Người dân dự lễ kỷ niệm ngày Phật đản tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar, ngày 22/5/2024

Ngày 22/5, hàng nghìn tăng ni, Phật tử và các tín đồ Phật giáo đã đổ về chùa Shwedagon - một biểu tượng có ý nghĩa tâm linh ở thành phố Yangon, Myanmar để tham dự lễ kỷ niệm ngày Phật đản.

Các tín đồ đã cùng nhau leo lên một cầu thang có mái che để tới khu phức hợp trên đỉnh đồi. Tâm điểm của khu phức hợp là ngọn tháp mạ vàng hùng vĩ của chùa Shwedagon với độ cao 99 m, được cho là nơi lưu giữ 4 thánh tích của Đức Phật. Bất chấp đợt nắng nóng kỷ lục kết thúc kéo theo những cơn mưa rào đầu mùa tại Myanmar, những người tham dự vẫn tích cực tham gia vào các nghi lễ truyền thống.

Người dân dự lễ kỷ niệm ngày Phật đản tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar, ngày 22/5/2024

Người dân dự lễ kỷ niệm ngày Phật đản tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar, ngày 22/5/2024

Nhiều tín đồ đã xếp hàng để tham dự lễ tưới nước cho cây Bồ Đề - một nghi lễ không thể thiếu trong mỗi dịp Phật đản tại khắp nơi ở Myanmar. Cây Bồ Đề là loài cây mang ý nghĩa linh thiêng, được cho là được sinh ra từ một cây non mà Đức Phật đã giác ngộ cách đây hàng nghìn năm ở Ấn Độ.

Đại lễ Phật đản tại các quốc gia Nam và Đông Nam Á

Các quốc gia có những nghi lễ và phong tục khác nhau trong ngày lễ lớn này. Ở Ấn Độ và Nepal, cháo ngọt được phục vụ vào ngày này để gợi nhớ câu chuyện về Sujata, một thiếu nữ đã dâng lên Đức Phật một bát cháo sữa. Tại Đền Mahabodhi ở Bodh Gaya, Ấn Độ, các tín đồ tiến hành cầu nguyện đặc biệt dưới gốc cây bồ đề được tin là nơi Đức Phật đã đạt được giác ngộ.

Các Phật tử rước đèn lồng hoa sen tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc trước lễ Phật đản ngày 11/5/2024. Ảnh: AP

Các Phật tử rước đèn lồng hoa sen tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc trước lễ Phật đản ngày 11/5/2024. Ảnh: AP

Tại Sri Lanka, những người tổ chức lễ trang trí nhà cửa và đường phố bằng nến, giấy và đèn lồng tre. Lễ hội có các bài hát, các công trình trang trí được gọi là "pandals" cũng như đốt hương và trình diễn ánh sáng nhằm mô tả những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật.

Ở Malaysia, động vật và chim trong lồng được phóng sinh vào lễ Phật đản trong khi tại Indonesia, lễ Phật đản được tổ chức nhộn nhịp nhất tại Borobudur ở Trung Java. Trong ánh trăng tròn, vào đêm trước Đại lễ Vesak, các tín đồ thực hiện một cuộc rước nến đến bảo tháp Borobudur. Sau khi đi vòng quanh Borobudur 3 vòng, những người tham gia sẽ thả hàng ngàn chiếc đèn lồng bay lên trời, "tượng trưng cho sự giác ngộ".

Ở Singapore, các Phật tử người Hoa theo truyền thống Đại thừa thường tổ chức lễ Vesak tại ngôi chùa Phật giáo lâu đời nhất ở Singapore, chùa Lian Shan Shuang Lin và tại chùa Phật Nha.

Người dân Sri Lanka chuẩn bị cho lễ Phật đản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người dân Sri Lanka chuẩn bị cho lễ Phật đản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại Hàn Quốc, điểm nổi bật của lễ Phật đản ở Seoul là lễ hội đèn lồng hoa sen có tên là Yeondeunghoe - một cuộc diễu hành của hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy đầy màu sắc được thắp sáng và thường có hình dạng giống hoa sen được treo trong các đền chùa và đường phố.

Vào ngày Phật đản, nhiều ngôi chùa tại Hàn Quốc còn cung cấp bữa ăn và trà miễn phí cho tất cả du khách. Lễ hội trong sân chùa và công viên bao gồm các trò chơi truyền thống và nhiều màn trình diễn nghệ thuật biểu diễn khác nhau.

Tại Trung Quốc Phật tử thực hiện nghi lễ tắm trong dịp Đại lễ Phật đản bao gồm việc đổ nước thơm lên tượng Phật sơ sinh có ngón trỏ phải hướng lên trời và ngón trỏ trái hướng xuống Trái đất. Theo truyền thuyết, ngay sau khi sinh ra Đức Phật đã tuyên bố rằng ngài sẽ không tái sinh nữa, và những con rồng trên trời đã rửa tội cho ngài bằng nước tinh khiết.

Tại Nhật Bản, ngày 8/4 được coi là ngày Phật Đản và được tổ chức tại các ngôi chùa Phật giáo với tên gọi Hana Matsuri, có nghĩa là lễ hội hoa. Vào ngày này, một "sảnh hoa" nhỏ được dựng lên trong khuôn viên chùa và được trang trí bằng những bông hoa đầy màu sắc. Một bát nước có tượng Phật trong hình hài một trẻ sơ sinh được đặt ở giữa và các tín đồ rót trà ngọt lên đầu tượng. Một linh mục thực hiện nghi lễ tái hiện sự ra đời của Đức Phật trong khu vườn Lâm Tỳ Ni năm xưa.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hinh-anh-dai-le-phat-dan-2024-tai-cac-nuoc-102240522144837818.htm