Hình tượng con khỉ gắn với chữ Tâm dưới góc nhìn Phật giáo

(HQ Online)- Con khỉ được nhắc đến nhiều trong kinh điển của Phật giáo. Khi xưa, thiền tọa dưới gốc bồ đề, Đức Phật thường được loài khỉ vượn mang trái cây đến cúng dường. Khỉ là một con vật tinh khôn, sống động, mạnh mẽ và hài hước, đồng thời hình ảnh con khỉ cũng được ẩn hiện trong nó gắn liền với chữ Tâm- điều mà mỗi người chúng ta đều mong muốn có.

Tượng ba con khỉ giờ đây không chỉ thấy ở các ngôi chùa mà còn phổ biến trong đời sống. Ảnh: ST.

Hình ảnh con khỉ nổi tiếng được đông đảo người phương Đông biết đến, trong đó nhiều người Việt Nam thích thú, là hình ảnh Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký phỏng tác theo tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân (Trung Quốc). Nhận vật Tôn Ngộ Không là một con khỉ đầy sức sống, mạnh mẽ, tài giỏi, một tính cách hết sức sống động. Theo Đại đức Thích Phước Tiến, con khỉ này là một hình ảnh triết lý, biểu trưng cho một dòng tâm thức hoạt động liên tục không bao giờ ngừng nghỉ. “Chư vị Tổ sư nhận thấy loài khỉ lăng xăng, nhảy nhót nên mượn hình ảnh này sánh ví cho tâm thức của con người là “tâm viên, ý mã” (tâm như con khỉ chuyền cành, ý sinh diệt như con ngựa rong ruổi ngoài đồng). Đó là hình ảnh ví von để cho người tu hành biết nhược điểm của tâm mà điều phục cho được thuần hóa”, Đại đức Thích Phước Tiến nhận định.

Giải thích rõ hơn, trong cuốn sách viết về Tây Du Ký, Hòa thượng Thích Chơn Thiện cho rằng hình ảnh con khỉ này là biểu trưng cho trí tuệ. “Trí tuệ, tự thân nó là động, tháo động, vì thế Tôn Ngộ Không mang thân tướng giống khỉ. Cái động của trí tuệ cần được thuần hóa và nuôi dưỡng bằng định tâm và sự thực hành giới hạnh. Định tâm sẽ rửa sạch cái động của ý, giới đức sẽ rửa sạch cái động của thân, khẩu. Hơn nữa, có những thời điểm manh động của trí cần phải nhờ đến đại định để chế ngự như là Tôn Ngộ Không cần phải đội trên đầu chiếc vòng kim cô” hay vòng “định tâm” và cần được chế ngự bởi “định tâm chú” của Bồ Tát Quán Thế Âm”, tác giả Thích Chơn Thiện viết.

Một hình ảnh khác về loài khỉ cũng khá phổ biến ở các ngôi chùa nước ta hiện nay là bức tượng “ba con khỉ”. Đó là hình ảnh ba con khỉ lấy hai tay tự bịt tai, bịt mắt, bịt miệng mình (thoạt hiểu: không nghe, không nhìn, không nói). Có nhiều cách giải thích về ý nghĩa của bức tượng, như: không nên nói, nghe, nhìn những điều bậy hay không nên quan tâm đến những gì xung quanh; hãy yên sống với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, dưới lăng kính Phật giáo, bức tượng còn có ý nghĩa sâu sắc về việc nuôi dưỡng chữ Tâm, và vận dụng chữ Tâm ở mỗi người.

Theo các nghiên cứu, bức tượng bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm trước. Vị thần Vajraikilaya có sáu tay, mỗi đôi tay đưa lên bịt mắt, tai, miệng. Tư tưởng “ba không” này trong lịch sử đã lan tỏa và một thiền sư người Nhật Bản (ở thế kỷ thứ IX) mang về đất nước mình tư tưởng này. Từ khởi thủy đó, người Nhật đã gắn với bức tượng một ý nghĩa sâu xa: Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì tâm mới phát sinh những điều thiện.

Loài khỉ hay nhảy nhót, lăng xăng, đứng ngồi không yên và Tâm của con người cũng thế, không khi nào yên lặng, cuộc sống khiến tâm luôn phải nghĩ hết chuyện này chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai... Điều này dễ đưa con người đến loạn động, phát sinh nhiều thứ phiền não. Do đó, cần biết tu sửa nhân tâm, nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở ta để không phạm phải, không được sân hạn trước những lời nói của người khác, lúc nào cũng giữ cho mình cái Tâm bình lặng trước mọi việc. Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện con người của mình, không phải nhờ năng lực siêu nhiên nào mà chính sự nhận thức sâu sắc từ trong tâm sẽ giúp bản thân mình thay đổi, quán chiếu mọi vấn đề.

Ý nghĩa từ bức tượng ba con khỉ là một phép tu thâm diệu của nhà Phật, một bài học lớn để có sự bình yên của cuộc đời mỗi con người, nhất là ở xã hội hiện tại để sống an lạc tự tại giữa đời sống vốn sôi động, đa dạng và phức tạp. Bức tượng giờ đây không chỉ phổ biến ở Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam mà còn phổ biến ở nhiều nước phương Đông và trên thế giới, không chỉ thường thấy ở các ngôi chùa mà nhiều gia đình, công sở, nơi công cộng cũng trang trọng đặt bức tượng này. Với hình ảnh giản đơn nhưng bức tượng đã vượt qua không gian, thời gian, tôn giáo để đến với mỗi người với mục đích cao cả: ngăn chặn, diệt trừ cái ác, đồng thời nuôi dưỡng, vun đắp nhân tâm.

Hình ảnh con khỉ xuất phát từ bản tính hiếu động của nó đã luôn được đưa vào các bộ kinh Phật, các bài Pháp thoại hay những công án thiền. Nhắc lại một công án thiền, tác giả Nhụy Nguyên trong tác phẩm “Con khỉ lại thức trong mỗi giấc thiền”, viết: “Một người nài nỉ xin bằng được vị sư câu thần chú. Sư bằng lòng cho, chỉ dặn lúc niệm thần chú này đừng nghĩ đến con khỉ, ắt sẽ linh nghiệm. Người kia mừng rỡ và đầy tự tin đáp: Tưởng gì chứ không nghĩ đến con khỉ thì quá dễ. Và thế là mỗi lần niệm câu thần chú, con khỉ cứ xuất hiện quấy nhiễu. Anh càng xua đuổi, khỉ càng nhảy vào đầu dẫm đạp lên từng chữ của câu thần chú. Đã biết “tâm như khỉ vượn” thì nên tìm cách thân thiện với những biến thái của tâm chứ ngăn chặn có chăng là ảo tưởng”. Câu chuyện cho chúng ta bài học về sự nhận thức cũng như sự kiên nhẫn trong quá trình nuôi dưỡng nhân tâm.

Còn nhiều những câu chuyện, điển tích, tác phẩm Phật giáo khác mà trong đó có nhắc đến loài khỉ. Ở đó, hình tượng con khỉ luôn được gắn với tâm, trí, tư duy của con người- đó là yếu tố động, trong khi con người luôn mong muốn đạt được cái Tâm thanh tịnh- yếu tố tĩnh. Con người muốn đạt được cái tĩnh thì cần kiểm soát được cái động, đồng thời cái động cũng là chất xúc tác để cái tĩnh trong mỗi con người tiệm cận đến độ tĩnh lặng hoàn hảo hơn.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hinh-tuong-con-khi-gan-voi-chu-tam-duoi-goc-nhin-phat-giao.aspx