HLV Calisto nói về cái giá của sự nổi tiếng

TP - Nếu theo đúng tiêu chí của HLV H.Calisto, thầy của Lê Công Vinh ở ĐTVN, tiền đạo CLB Hà Nội T&T vẫn chưa đạt tầm của một cầu thủ lớn. Cho dù, Công Vinh ở thời điểm hiện tại đã có thể gọi là một ngôi sao.

Trong làng bóng đá ở Việt Nam lúc này, xét về mức độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng và khả năng kiếm tiền, Công Vinh có lẽ chỉ chịu thua ông thầy của mình ở ĐTVN, HLV Calisto. Mức lương 50 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng được trích từ túi bầu Hiển sau mỗi chiến thắng của CLB Hà Nội T&T đủ đảm bảo cho anh sống một cuộc sống sung túc theo đúng nghĩa ngôi sao thật sự. Hôm nay tập cùng đồng đội ở Hà Nội, ngày mai có thể đáp máy bay vào TPHCM thăm người yêu - ca sỹ Thủy Tiên - người cũng không kém phần đình đám. Vinh xứng đáng được hưởng thế, bởi những nỗ lực và đóng góp của anh. Thậm chí, theo HLV Calisto thì, thu nhập của ông còn thấp hơn cả học trò. Nhưng, điều người viết muốn đề cập đến ở đây, là sự khác biệt giữa ông Calisto và Công Vinh, trong cách giữ gìn hình ảnh của mình trước người hâm mộ. Là người ngoại quốc, và lại rất nổi tiếng, ông Calisto “thấm” hơn ai hết cuộc sống của một ngôi sao. “Tôi thật sự không thích nổi tiếng chút nào - HLV Calisto từng tâm sự như vậy trong một cuộc trò chuyện bên lề, có cả sự hiện diện của trợ lý Ngô Lê Bằng - thật không dễ quen với việc cứ ra đường là có người để ý, làm việc gì cũng có cảm giác ai đó đang nhìn mình”. “Than thở” vậy, nhưng ông Calisto cũng nói rằng, khi đã là người của công chúng, được nhiều người biết đến, thì buộc phải chấp nhận, như một cái giá đánh đổi. Đặc biệt, đối với cầu thủ, những người luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ, của dư luận. “Không còn cách nào khác, anh buộc phải chấp nhận và thích nghi với điều đó” - ông Calisto nói. Và cũng theo quan điểm của nhà cầm quân người Bồ, thì ngoài tài năng trên sân cỏ, chính khả năng và cách anh phản ứng trước sức ép từ phía công chúng mới là tiêu chí quan trọng để đánh giá, một cầu thủ có phải là lớn hay không. Hiểu theo ý ông Calisto thì, một cầu thủ chỉ giỏi điều khiển trái bóng thôi chưa đủ. Trên hết, cầu thủ đó cần biết giữ gìn hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ, được CĐV yêu mến. Phải là người thực sự trưởng thành. Quả thực, xét về mặt này, Lê Công Vinh còn phải học ông thầy của mình rất nhiều. Ở Việt Nam bây giờ, nói không quá, ông Calisto có lẽ là người ngoại quốc được biết đến và được yêu mến nhiều nhất. Dù không tránh khỏi đôi khi có những tranh cãi với các đồng nghiệp, nhưng không thể phủ nhận, ông Calisto rất biết cách để xuất hiện đẹp nhất trước công chúng, từ phong cách đến trang phục, và phát ngôn…. Nói như thế không có nghĩa, HLV Calisto không dám sống thực với chính mình. Trái lại, CĐV Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được một Calisto rất “bụi”, rất bình dân trong cuộc sống đời thường. Ông Calisto vẫn có thể đến vũ trường vào những buổi tối rảnh rỗi, bá vai một cầu thủ cưng để uống trọn một chai bia, hay nhẹ nhàng hơn, ngồi thưởng thức tách cà phê ở góc quán yên tĩnh nào đó. Ông cũng không ngại khoe những sở thích hàng ngày của mình, như lướt nét, đọc sách, hay thú mua đồ cổ… Tất cả đều chứng tỏ một điểm rằng, ông Calisto cũng là người bình thường như tất cả mọi người. Một người bình thường nổi tiếng. Và biết cách sống với sự nổi tiếng của mình.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189902&channelid=11