Hô “biến” căng thẳng khi vào phòng thi

GD&TĐ - Nhiều thí sinh cho biết cứ vào phòng thi là bị mất bình tĩnh và quên kiến thức.

Trước băn khoăn này, PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lí học (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGH Hà Nội) chia sẻ:

Khi vào phòng thi, nhiều thí sinh cảm thấy hồi hộp, lo lắng không biết liệu mình có làm được bài không. Tim có vẻ đập nhanh hơn, tay chân có vẻ run, cảm giác không yên. Vì thế mất bình tĩnh và dẫn đến quên hết những kiến thức đã học.

Những hiện tượng này xuất hiện khi quá căng thẳng (stress). Để khắc phục hiện tượng quá căng thẳng này, có nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào tính cách của mỗi người.

Nhưng tựu chung, những cách thức này đều nhằm làm giảm thiểu sự căng thẳng (stress) của cá nhân đó.

Có người thì không làm gì, không học gì vào tối trước khi đi thi. Có người thì nghe các bản nhạc mà mình thích. Có người hít thở để thư giãn…

Hãy suy nghĩ: Thông thường, mình thích làm gì vào thời gian rảnh? Những lúc ấy, mình cảm thấy thế nào? Hãy dùng những cách thức ấy để làm mình được thư giãn và hãy lắng nghe thật chính xác các cảm xúc.

Khi vào phòng thi, nhiều bạn có cảm giác choáng ngợp, lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, sự lo lắng, hồi hộp ấy rồi cũng qua đi khi có sự tập trung cao độ vào việc làm bài.

Điều mà tôi thấy nhiều bạn làm là đọc kĩ đề thi, từng từ một, để đảm bảo là mình thực sự hiểu đề thi. Các bạn lựa chọn bài dễ làm trước, bài khó làm sau.

Mọi lời giải đều được làm ra nháp trước khi viết chính thức vào tờ giấy thi. Thực ra, thời gian viết lời giải ra nháp chính là thời gian để bình tĩnh, cân bằng trở lại, nhớ kiến thức, tập trung vào bài thi và giảm thiểu sự lo lắng.

Liên quan đến cách học khoa học để chuẩn bị kiến thức nhằm giảm thiểu cảm giác lo lắng, PGS.TS Trần Thu Hương cho biết:

Thông thường, chúng ta sẽ dành khoảng 7, 8 tiếng/ngày để ngủ, bao gồm cả giấc ngủ trưa. Thời gian ngủ này sẽ giúp phục hồi sức khỏe, dãn mềm cơ bắp, tiếp thêm sức mạnh cho các nơ ron thần kinh tiếp nhận tri thức, cho phép não bộ thực hiện và củng cố những dây thần kinh làm nhiệm vụ kết nối tri thức.

Thiếu ngủ hoặc mất ngủ sẽ khiến mất tập trung, giảm khả năng tư duy và sáng tạo. Thời gian dành cho ăn uống và nghỉ ngơi vào khoảng 2 - 3 tiếng/ngày.

Sau khi ăn xong, không nên học ngay. Tốt nhất nên học sau khi ăn khoảng 40 phút. Ngoài ra, cũng phải tính đến thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Thời gian học nên được chia nhỏ một cách hợp lý. Thông thường, có thể ngồi học liền một lúc khoảng 1 - 2 giờ. Sau đó, cần nghỉ ngơi một chút bằng việc cho não “ăn” chút gì đó như uống cốc sữa, chiếc bánh nhỏ, hoặc ra ngoài hít thở không khí trong lành.

Khoảng 11 giờ đêm ngủ, lúc sau quay lại học sẽ minh mẫn. Em nên chủ động với kế hoạch của mình. Buổi sáng là thời gian tốt nhất cho việc học và giúp em nhớ kiến thức lâu.

“Thực tế, chính cơ thể và não bộ của em sẽ quyết định em có thể học ôn thi bao nhiêu thời gian mỗi ngày và học vào lúc nào để nhớ được tốt.

Điều này đồng nghĩa với việc em phải có kế hoạch thực sự hợp lý cho sức khỏe, đảm bảo cơ thể ở trong tình trạng tốt nhất đối với việc lưu giữ các thông tin, các kiến thức hữu ích cho việc thi đại học” - PGS.TS Trần Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ho-bien-cang-thang-khi-vao-phong-thi-89015-t.html