Họ không nghỉ lễ

Vì tiến độ các công trình, vì mưu sinh, nhiều lao động trong các ngành xây dựng, dịch vụ... chọn làm xuyên lễ để có thêm thu nhập.

Những người công nhân xây dựng cầu đường vẫn miệt mài với công việc

Thời gian nghỉ lễ dài, nhưng trời nắng nóng đỉnh điểm nên nhiều người ngại ra khỏi nhà, mà lựa chọn đặt đồ ăn về nhà; do đó các dịch vụ ship hàng cũng đắt khách theo.

“Mấy ngày ni phần mềm grap của tôi “nổ đơn” liên tục, chủ yếu là đơn giao đồ ăn. Trời nắng nóng nên ai cũng ngại ra đường. Nhờ thế mà thu nhập của những người giao đồ ăn, giao hàng như chúng tôi cũng tăng đáng kể. Biết là lễ không ở nhà cùng vợ con cũng hơi tủi thân, nhưng bù lại có thêm thu nhập để làm những việc khác”, anh Văn, một lái xe công nghệ ở phường Phú Hội bộc bạch.

Nắng nóng, chạy ngoài đường háp cả mặt, tay bỏng rát, nhưng vì mưu sinh cũng phải cố. Để đảm bảo sức khỏe, anh Văn luôn mang theo nước mát, găng tay bảo hộ, kín đen, khẩu trang...

Không chỉ nghề lái xe công nghệ, giao đồ ăn tranh thủ kiếm thêm thu nhập những ngày lễ mà hầu như các ngành xây dựng, cầu đường cũng làm xuyên lễ vì tiến độ các công trình mà họ đã nhận.

Nghề của họ hầu như không có lễ

Tạm nghỉ tay uống ly nước mát, anh Thân, thợ xây dựng ở phường Phú Thượng cho biết: Nghề của tôi rất ít khi nghỉ lễ, bởi công tính theo ngày, nếu nghỉ năm ngày thì mất năm công. Nên thôi cứ làm, vừa kịp tiến độ công trình cho chủ nhà vừa có tiền. Ngày Quốc tế lao động, đội thợ của chúng tôi vẫn làm, làm xong thì anh em ngồi lại với nhau ăn cái gì ngon ngon, đó coi như là lễ. Nắng nóng quá thì chúng tôi làm những phần việc trong nhà trước, qua đợt nắng cao điểm này thì làm những phần việc ngoài trời.

Dọc bờ kênh Phổ Lợi, mặc dù trời nắng nóng gay gắt nhưng tiếng máy xúc, bơm nước vẫn hoạt động hết công suất để đảm bảo tiến độ cho công trình. Những nhóm công nhân cầu đường vẫn miệt mài dưới cái nắng hơn 40 độ. Người thì xây kè, người thì vận chuyển đá, cát... Để chống chọi với nắng nóng gay gắt, những công nhân tự trang bị cho mình những "chiếc áo điều hòa", tự làm mát khi làm việc.

Chạy đua với thời tiết để kịp tiến độ công trình

Anh Thành, người Quảng Bình, đang làm công trình bờ kè Nam Phổ cho biết: Tôi ở Quảng Bình vào đây làm, nghỉ đi vô đi ra tốn kém nên tôi chọn làm xuyên lễ. Thời buổi này kiếm việc khó khăn, nên có việc thì tranh thủ làm đã, khi nào nghỉ sau cũng được. Nghề này chẳng có lễ lượt gì nên quen rồi, miễn sao có việc, có tiền đều là vui rồi.

Còn đối với nông dân, ngư dân... ngày nghỉ lễ cũng không quá quan trọng. Tranh thủ trời nắng, lúa chín vàng, những người nông dân gặt lúa, phơi lúa. “Trời nắng thế này gặt lúa, phơi lúa hơi vất vả nhưng yên tâm. Chứ mưa dông dọn không kịp là hỏng hết lúa. Làm mùa thì vậy rồi, chạy đua với thời gian, thời tiết chứ lấy đâu ra lễ. Với lại, năm ni lúa được mùa, người nông dân chúng tôi ai cũng phấn khởi nên cũng không mấy ai quan trọng việc nghỉ lễ mà đều tranh thủ phơi lúa cho được nắng”, ông Tròn, ở Phú Mậu vui vẻ cho biết.

Ngư dân cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập những ngày lễ

Những ngư dân đi biển ven bờ cũng vậy, lễ là thời điểm họ kiếm thêm thu nhập. Bởi lễ nhu cầu thiêu thụ hải sản càng tăng, càng được giá. Do vậy, thay vì đi biển một lần trong ngày họ tranh thủ đi hai chuyến để câu mực, lưới tôm kiếm thêm thu nhập.

“Năm nay biển được mùa, hải sản nhiều nên ngày nào trời yên biển lặng là chúng tôi lại dong buồm ra khơi chứ không kể gì lễ lượt. Bởi nghề biển còn phụ thuộc vào thời tiết, nguồn lợi hải sản. Nên có những ngày trời động, muốn đi cũng không được, khi đó tha hồ nghỉ ngơi”, chú Lơ- một ngư dân ở Phú Diên, Phú Vang chia sẻ.

Vừa nói, chú vừa chỉ tay vào những rổ mực tươi rói mình vừa câu được. Chỉ với rổ mực đó, ước tính ngày hôm nay chú đã kiếm được hơn một triệu đồng cho chuyến đi biển tầm 8 tiếng của mình.

Tôm, cá đầy khoang là niềm vui sau những chuyến biển của ngư dân

Mỗi người một công việc, hằng ngày không chỉ vì cuộc sống mưu sinh, kiếm thêm những đồng thu nhập trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà trách nhiệm với công việc mình đã nhận, họ chấp nhận làm việc “xuyên lễ” dưới thời tiết nắng nóng, để hoàn thành công việc của mình. Mỗi công việc đều có sự vất vả riêng, những ai cũng nỗ lực hoàn thành công việc với trách nhiệm cao nhất.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ho-khong-nghi-le-140416.html