Hồ thủy điện tăng cường xả nước

TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các hồ thủy điện miền Bắc ở mức rất thấp, nhưng trước yêu cầu lấy nước dưỡng lúa xuân nên từ 24-3 các nhà máy thủy điện tăng lượng xả thông qua phát điện xuống hạ lưu sông Hồng.

Tổng lưu lượng xả lên tới 2.400-2.600 m3/giây. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội lúc 7 giờ sáng 24-3 là 1,42 m. Do lượng xả tăng cường và đang là thời điểm triều lớn, mực nước hạ lưu sông Hồng lên nhanh và đạt trên 2 m từ ngày 25-3. Các địa phương cần tranh thủ lấy nước vào đồng và trữ vào các kênh mương dưỡng lúa xuân. Sáng 24 - 3, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã gửi công điện khẩn, yêu cầu một số địa phương phía Bắc bằng mọi cách phải tập trung lấy nước từ sông vào hệ thống kênh trục và phân phối điều tiết, dẫn nước vào ruộng, đồng thời tích nước vào hệ thống kênh, ao, đầm và vùng trũng. Các địa phương khẩn trương thông dòng chảy, nhất là cửa cống và bể hút các trạm bơm; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bừa thửa, không để rò rỉ hoặc mất nước. Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, triều cường đẩy nước mặn vào vùng ngọt hóa, ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông - xuân, khuyến cáo bà con nông dân bơm nước ngọt dự trữ cho ruộng lúa. Trước đó, vào tháng 2-2010, tỉnh Bạc Liêu bị 2 đợt xâm nhập mặn do triều cường đẩy nước mặn sâu vào các kinh rạch. Hiện nay, nước mặn xâm nhập từ kinh Ngang Dừa, vượt qua ranh giới Bạc Liêu - Sóc Trăng, sâu vào kinh Nàng Rền (Ngã Năm, Sóc Trăng). Tại Bạc Liêu, độ mặn đo được tại ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng là 3,2 phần nghìn. Tỉnh Bạc Liêu còn hơn 24.000 ha lúa đông - xuân đang trổ bông, trong đó có hàng ngàn hécta có nguy cơ bị mất mùa do nước mặn tràn vào ruộng lúa. Hiện nay, người dân bơm nước mặn để nuôi tôm ven rừng U Minh hạ thuộc xã Khánh Thuận, Khánh Hòa, Khánh Tiến… (U Minh, Cà Mau). Các con đập ngăn mặn giữ ngọt Mười Kinh, Mười Bốn Kinh (xã Khánh Thuận) liên tục bị người dân đào phá để nuôi tôm. Mới đây, người dân phá đập Mương Phèn (xã Khánh Lâm) làm cho nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa huyện U Minh, Trần Văn Thời. Tuyến đường từ thị trấn U Minh - Khánh Hội, người dân ấp 1 và ấp 2, xã Khánh Lâm khoan xuyên nền đường, đặt ống, dùng máy bơm nước mặn vào nuôi tôm trên 100 ha. Khoảng từ 13 đến 15 giờ ngày 24-3 đã có mưa lớn ở TP Đà Lạt và một số huyện như Lạc Dương, Đức Trọng và Di Linh. Tại Đà Lạt, mưa kéo dài trên diện rộng với lượng mưa mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lâm Đồng đo được là 53,6mm, còn ở các huyện mưa xảy ra cục bộ tại một số xã, thị trấn. Cơn mưa này làm sống lại nhiều diện tích rau hoa tưởng sẽ chết theo đợt nắng hạn gay gắt tháng 3 này. Tại huyện Di Linh - thủ phủ cà phê Nam Tây Nguyên, khoảng 20 ngàn hécta cà phê được tưới đẫm nước sau trận mưa hứa hẹn sẽ sai quả và giúp nông dân tiết kiệm chi phí tưới cà phê đang rất đắt đỏ: Trung bình mỗi giờ nhà vườn phải bỏ ra 120 ngàn đồng thuê tưới cà phê, nâng chi phí tưới cho 1ha lên tới 6 triệu đồng. Mặt khác, nhiều diện tích cà phê non có nguy cơ chết héo vì khô hạn kéo dài sẽ được phục hồi sau trận mưa trái mùa quý giá này. Hàng chục ngàn hécta rừng cũng giảm bớt nguy cơ cháy sau khi được đặt trong tình trạng báo động đỏ hơn một tháng qua.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189744&channelid=2