Hỗ trợ công nhân khi chủ bỏ trốn

Trong khi vấn đề chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, bỏ mặc công nhân bơ vơ đang còn nhiều nan giải, TPHCM đã linh hoạt đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ giảm bớt hậu quả, thiệt hại cho người lao động.

TPHCM đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ công nhân tại Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn) do chủ bỏ trốn.

Giới thiệu việc làm mới

Từ cuối năm 2011, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc; đóng tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), rơi vào cảnh lao đao khi bị nợ lương. Theo thống kê, ngoài nợ BHXH hơn 8 tỷ đồng, phần nợ lương công nhân của công ty lên tới hơn 11 tỷ đồng. DN không đóng BHXH nên công nhân không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh, nghỉ việc không được chốt sổ BHXH, không được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp… Từ khi DN tạm ngưng hoạt động, công nhân cũng không thấy ông Kong Wan Sik, Tổng giám đốc ở đâu.

Ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi cho biết, Phòng LĐTB-XH và LĐLĐ huyện Củ Chi đã vận động, giải thích cho công nhân không được đập phá nhà xưởng và chiếm giữ tài sản để cấn trừ lương. Đồng thời, hai đơn vị đã giới thiệu 485 công nhân Công ty Sae Hwa Vina tới làm việc tại các Công ty TNHH Việt Nam Sam Ho, Wood Worth Wooden, May mặc Tripple Việt Nam, Dinlink, Carimax Sài Gòn. 180 công nhân còn lại về quê xin việc làm và tự tạo việc làm tại gia đình. Để công nhân bớt thiệt thòi, khi đến làm việc ở nơi khác, công nhân có đơn trình bày quá trình làm việc tại Công ty Sae Hwa Vina nhưng chưa được chốt sổ BHXH và cung cấp số sổ (nếu không nhớ số sổ mới xác nhận là người bắt đầu tham gia BHXH). BHXH sẽ cấp số sổ BHXH cho công nhân đến làm việc tại nơi khác. Đến nay, BHXH huyện Củ Chi đã chốt sổ cho 200 công nhân nghỉ việc để bảo đảm cho họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Số công nhân còn lại chưa được chốt sổ vì sổ BHXH còn ở công ty chưa thu về. Theo các địa phương, đây cũng là vấn đề phát sinh chung ở các DN có chủ bỏ trốn vì công nhân thường không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, không có người (chủ sử dụng lao động) đứng ra làm việc với cơ quan BHXH để chốt sổ. Để hỗ trợ chốt sổ BHXH cho công nhân ở các DN có chủ bỏ trốn, Sở LĐTB-XH TP đang phối hợp cùng LĐLĐ TP và BHXH TP đôn đốc BHXH quận, huyện chốt cho công nhân theo nguyên tắc: DN đóng BHXH đến đâu thì chốt sổ cho công nhân đến đó.

Để ngăn chặn “đại dịch” trốn đóng BHXH và chủ DN bỏ trốn, LĐLĐ TPHCM đã đề nghị các tổ chức công đoàn cấp trên giám sát chặt tình hình quan hệ lao động tại các DN. LĐLĐ các quận, huyện chủ động phối hợp với cơ quan BHXH chốt sổ BHXH cho công nhân mất việc; giám sát ngăn ngừa tẩu tán tài sản để bảo vệ quyền lợi người lao động. Các LĐLĐ quận, huyện lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của công nhân. Theo BHXH TP, bên cạnh việc LĐLĐ quận, huyện đứng ra đại diện tập thể công nhân làm việc với BHXH để chốt sổ, công nhân cũng có thể trực tiếp liên hệ, đề nghị cơ quan BHXH chốt sổ.

Tạm ứng ngân sách hỗ trợ công nhân

Việc ứng tiền ngân sách để trả lương, trợ cấp cho người lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn theo Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng đã không còn hiệu lực. Sau đó, tháng 9-2012, Chính phủ đã có văn bản về việc hỗ trợ người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bị mất việc làm trong DN có chủ bỏ trốn. Tuy nhiên, khi Sở Ngoại vụ TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM và các cơ quan chức năng vào cuộc, liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM và các nơi nhưng vẫn không có tung tích về chủ Công ty Sae Hwa Vina.

Tương tự, ông Jung Young Woo, Giám đốc Công ty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc; đóng tại huyện Hóc Môn), đã vắng mặt ở công ty từ đầu năm 2013. Dù cất công truy tìm nhưng không biết giám đốc DN đi đâu cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định giám đốc đã bỏ trốn. Không có tiêu chí, cơ sở cho rằng chủ DN bỏ trốn, quy định hỗ trợ vì thế cũng chưa đến được với công nhân.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho biết, 180 công nhân ở Công ty Kyung Sung Vina quá thiệt thòi do chủ DN bỏ trốn. Đa phần công nhân là người miền Trung, gia đình vừa trải qua các trận bão, lũ lớn. Vì thế, Sở LĐTB-XH TPHCM làm việc với các ban ngành liên quan thống nhất phương án đề nghị UBND TPHCM tạm ứng ngân sách để hỗ trợ cho công nhân với mức 1 triệu đồng/người. Công nhân trong diện được đề nghị hỗ trợ là những người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, cùng với số công nhân được giới thiệu việc làm mới, được hưởng trợ cấp thất nghiệp, số công nhân còn lại (chưa đi làm chỗ khác, không đủ điều kiện được lãnh trợ cấp thất nghiệp) nếu được hỗ trợ sẽ góp phần san sẻ phần nào thiệt thòi của người lao động. Do khó xác định việc chủ DN “bỏ trốn” nên ông Huỳnh Thanh Khiết cũng yêu cầu các phòng LĐTB-XH tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động, khi thấy DN có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì báo cáo ngay để ngăn chặn kịp thời, bớt hậu quả thiệt hại cho người lao động.

ĐƯỜNG LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2013/10/331041/