Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: Công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Sơ kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; đại diện Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cùng đại diện UBND, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hỗ trợ vượt kế hoạch

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá: Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công (NCC) với cách mạng theo Nghị quyết 494/NQ-UBTVQH13 (NQ 494) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (QĐ 22) của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách xã hội quan trọng, được Cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đồng thuận, hoan nghênh, tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, việc thực hiện chính sách này đã được các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện, kịp thời có văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Trong đó, các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để triển khai nhanh chóng, kịp thời với sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan; hiện nay các địa phương cơ bản thực hiện xong giai đoạn 1 của QĐ 22 và đều thống nhất nhận định đây là chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp cải thiện về nhà ở cho người có công với cách mạng được tốt hơn. Có nhiều tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch như: Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, An Giang….

Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương và địa phương cấp theo quy định tại QĐ 22, có địa phương đã linh hoạt ứng trước kinh phí từ ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho tất cả các hộ gia đình có tên trong Đề án nhưng chưa được ngân sách Trung ương cấp kinh phí; một số địa phương đã ứng trước kinh phí để hỗ trợ từ 60-80% số hộ có tên trong Đề án, huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo kết quả thực hiện Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng.

Sau gần 4 năm thực hiện, đã có hàng chục nghìn ngôi nhà của NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Đời sống của NCC với cách mạng được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, chắc chắn, có diện tích tối thiểu 30m2, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng với Thủ tướng Chính phủ, thực hiện NQ 494 và QĐ 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong giai đoạn 1 (2013-2016) có 80.000 hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở; nguồn kinh phí ngân sách cấp để thực hiện là 2.758 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương cấp là 2.516 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp là 242 tỷ đồng).

Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/5/2017, cả nước đã có 116.967 hộ hoàn thành việc xây mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở (trong đó có 61.080 hộ xây mới và 55.887 hộ sửa chữa, cải tạo), đang triển khai thực hiện cho 6.787 hộ (gồm 2.334 hộ xây mới và 4.453 hộ sửa chữa, cải tạo). Như vậy, tổng số hộ đã và đang thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở tính đến nay là 123.754 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ.

Nguyên nhân tăng số hộ nêu trên chủ yếu là do một số địa phương đã tạm ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở (khoảng 34.000 hộ); có một số địa phương đã thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo (khoảng 9.000 hộ).

Nếu tính cả số hộ mà 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm thì đến ngày 15/5/2017, cả nước còn 256.166 hộ chưa thực hiện theo QĐ 22.

Về kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2, ngay sau khi Nhà nước đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 80.000 hộ giai đoạn 1, tính đến ngày 15/5/2017, còn 299.920 hộ cần cấp kinh phí để hỗ trợ, trong đó có hơn 43.000 hộ đã thực hiện sẽ được Nhà nước cấp hoàn trả kinh phí (gồm 119.351 hộ xây mới và 180.569 hộ sửa chữa, cải tạo).

Như vậy, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cần cấp để hỗ trợ giai đoạn 2 là khoảng 8.385 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương cấp khoảng hơn 7.762 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp khoảng hơn 623 tỷ đồng)…

Thực hiện chính sách công khai, minh bạch

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Cả nước có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ. Thời gian qua, cơ bản các hộ gia đình chính sách đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Phần lớn họ có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức thu nhập ở địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Hỗ trợ nhà ở cho NCC là một trong những chính sách quan trọng hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội, là sự tiếp nối, ưu tiên chăm lo, đảm bảo vấn đề về nhà ở, tạo ra sự phấn khởi trong nhân dân, củng cố niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả, Nhà nước đã hỗ trợ trên 90.000 hộ xây mới, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho trên 75.000 gia đình NCC. Theo kế hoạch, thời gian đoạn 1 hỗ trợ khoảng 80.000 căn hộ, nhưng thực tiễn khi mở rộng đối tượng thì tính đến ngày 25/5/2017, theo thẩm định của Bộ LĐTB&XH thì số hộ được hỗ trợ là 386.913 hộ. Vì vậy, việc thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC cần nghiêm túc, trên tinh thần pháp lệnh ưu đãi NCC, tinh thần NQ 494, QĐ 22, đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, kiên quyết không để trục lợi chính sách.

Đặc biệt, ưu tiên gia đình liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn, các nhà xây mới, sửa chữa chưa được thanh toán tiền; phát huy xã hội hóa, tập trung xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tập trung hỗ trợ cùng với chương trình. Đồng thời, tập trung hỗ trợ trong 2 năm (2017-2018).

Đại diện Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải làm rõ số liệu chính xác đối tượng được hỗ trợ; các địa phương cần tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện chính sách này trong thời gian sớm nhất, đạt hiệu quả nhất…

Hội nghị cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, tham luận đến từ đại diện các Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố, các Sở, ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC theo QĐ 22 như: Thống kê số liệu; tổ chức thực hiện; kinh phí hỗ trợ, điều chỉnh xây theo sửa, sửa theo xây…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho NCC, đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế và khó khăn. Mặc dù có nhiều nguồn lực nhưng chủ yếu là từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội chưa nhiều; việc thực hiện lồng ghép các chương trình nhà ở chưa đạt hiệu quả cao; chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý kiến trúc nhà nước trong thiết kế nhà ở cho NCC, đa số tự người dân làm…

Trong đó, hỗ trợ NCC theo thứ tự ưu tiên, xây dựng đối tượng vẫn còn thiếu sót, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt gia đình chính sách…

Những tồn tại này theo Phó Thủ tướng cần phải sớm khắc phục ngay trong thực hiện giai đoạn 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khắc phục ngay những hạn chế khi thực hiện Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng.

Phó Thủ tướng khẳng định: Đối tượng NCC là đối tượng số 1, hỗ trợ nhà ở cho NCC là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội. Để triển khai tốt, có hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục rà soát kỹ đúng đối tượng, đúng yêu cầu phải hỗ trợ; sắp xếp lại thứ tự đối tượng ưu tiên…

Đồng thời, xây dựng đề án hoàn chỉnh của mỗi địa phương cụ thể về tổ chức thực hiện, giải pháp, nguồn lực, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội; lồng ghép các chương trình nhà ở hợp lý, bố trí phù hợp để đầu tư công trình ít tiền nhất nhưng hiệu quả nhất, nhiều chức năng nhất… Đặc biệt, phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát trong các công trình như: nhà ở vượt lũ, công trình nhà ở tái định cư khu vực lở đất.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư, thực hiện đầu tư; giải quyết kịp thời vướng mắc, kiến nghị của người dân địa phương.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị các địa phương rà soát và thống nhất lại số liệu về hộ NCC cần hỗ trợ, gửi các Bộ, ngành liên quan để Bộ Xây dựng tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ho-tro-nha-o-cho-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-cong-khai-minh-bach-tranh-truc-loi-chinh-sach.html