Hỗ trợ “sinh kế” cho người khuyết tật : Cho cần câu, hơn cho xâu cá

NDĐT - Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động không chỉ tạo nguồn thu nhập, nuôi sống bản thân mà qua đó, họ sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, là cơ hội để khẳng định giá trị của bản thân và hòa nhập cùng cộng đồng. Dự án “Mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT” có thể coi là một dự án nhỏ nhưng đã và đang mang lại những hiệu quả rất đáng khích lệ đối với người thụ hưởng và cả cộng đồng.

Phát triển kinh tế ổn định và bền vững Tiến sĩ Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Thực hiện mô hình này, Hội không tham vọng sẽ đào tạo nghề, tạo việc làm cho tất cả những người khuyết tật, mà chỉ tập trung vào đối tượng người khuyết tật đang sống trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa thể tự tìm ra lối thoát do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu phương pháp làm ăn. Hội xác định chỉ hỗ trợ NKT và gia đình họ cái cần câu chứ không cho con cá, mới hy vọng họ sẽ nghèo bền vững. Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những xã có dân số đông nhất tỉnh Hà Tây cũ. Toàn xã có 243 NKT và 16 trẻ mồ côi. Đa số NKT thuộc hộ nghèo, do đó là xã đầu tiên được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam lựa chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm "Dự án Xây dựng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật giai đoạn 2008-2010". Được triển khai cuối tháng 8-2008, tuy vậy, xét trên tình hình thực tế của địa phương, việc hỗ trợ dạy nghề, cung cấp cây con giống không đạt hiệu quả, lãnh đạo địa phương đã tham mưu lên Trung ương Hội, Cục bảo trợ xã hội chuyển sang mô hình “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản”. Với phương thức "nhà nước và nhân dân cùng làm", mỗi gia đình tham gia dự án được hỗ trợ 4 triệu đồng để mua bò giống. Gia đình nào có điều kiện huy động thêm từ các nguồn vốn khác để mua con giống tốt hơn sẽ được giúp đỡ. Theo ông Tống Văn Huệ, cán bộ chính sách thì việc làm này khuyến khích các gia đình, người thân NKT có trách nhiệm tham gia cùng Nhà nước, cộng đồng giúp đỡ, tương trợ giúp đối tượng vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng, không ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Sau khi lựa chọn đối tượng và nhận được bản cam kết của người khuyết tật và gia đình NKT, UBND xã đã mời các cán bộ kỹ thuật của trung tâm khuyến nông huyện tới hướng dẫn kiến thức chăn nuôi bò sinh sản cho những người tham gia chương trình dự án. Tất cả các con bò giống được mua về đều được cán bộ thú y của xã kiểm tra, bấm tai đeo số. Cũng theo ông Huệ, NKT và gia đình của họ chỉ được thanh toán khoản tiền hỗ trợ sau khi đã có sự xác nhận của cán bộ thú y xã về chất lượng con giống, tiêu chuẩn chuồng trại... Nhơn Huệ, Chí Linh (Hải Dương) là một xã thuần nông, cách xa trung tâm huyện. Toàn xã có 129 NKT, chiếm 12% dân số xã với thu nhập bình quân đầu người là 170.000 đồng. 10 hộ gia đình được tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt đều thuộc diện hộ nghèo, neo người và có đối tượng tàn tật nên họ khó có điều kiện ra đồng tập trung cho sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy khi được tham gia dự án, người thân của NKT vừa có điều kiện ở nhà chăm sóc đối tượng kết hợp với chăn nuôi, tạo thu nhập, trang trải cuộc sống. Với tổng số vốn là 200 triệu đồng, dự án hỗ trợ mỗi gia đình bảy con lợn giống, thức ăn và chăn nuôi cũng như việc tu sửa chuồng trại. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch tỉnh Hội Hải Dương cho biết: Dự án được triển khai từ cuối tháng 11-2009, các gia đình có người tham gia, nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, ngành thú y địa phương cũng như Ban quản lý dự án đã cam kết và theo dõi sát sao để đạt được kết quả cao nhất với mục đích là góp phần giúp các hộ gia đình có NKT. Đây là mô hình có thể tận dụng lại được chuồng trại cũ, nguyên liêu có sẵn và quay vòng vốn nhanh hơn so với những vật nuôi khác. Có thể nhận thấy, ở mô hình nào thì các hộ gia đình tham gia Dự án đều rất phấn khởi. Vì đây là cơ hội để họ vừa có thể chăm sóc NKT, vừa tận dụng lao động trong gia đình và bản thân NKT, tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn, trồng cây công nghiệp để chăn nuôi. Đồng thời phụ phẩm từ chăn nuôi được sử dụng làm phân bón trồng cây.. Hiệu quả lớn từ mô hình nhỏ Sau nửa năm triển khai việc nuôi bò sinh sản, 21 con bò thuộc chương trình dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT tại xã Tiên Phương đang phát triển rất tốt, mạnh khỏe và đã cho ra đời ba con bê. Chỉ khoảng 15% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Phần lớn các hộ gia đình có người khuyết tật đều có mức sống thấp, 32% sống nghèo, 58% có mức sống trung bình. Hộ càng có nghiều người khuyết tật thì mức sống càng giảm. Con số 65 - 70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội đã chứng tỏ rằng vấn đề việc làm và sinh kế cho người khuyết tật đang là một dấu hỏi lớn hiện nay. (Kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Theo Chủ tịch xã Vũ Văn Doãn, bên cạnh việc tạo ra công việc ổn định cho người tàn tật cùng tham gia sản xuất, tạo nguồn thu cho gia đình, Dự án không chỉ giúp NKT có thêm sự tự tin giúp họ hòa nhập cùng cộng đồng mà còn góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mọi người xung quanh đối với NKT trong việc giúp đỡ, động viên NKT vươn lên trong cuộc sống. Chị Vũ Thị Liên, thôn Tiên Lữ, bị tâm thần là một trong 21 NKT ở Tiên Phương được chọn tham gia dự án. Anh Vũ Văn Lưu, anh trai chị Liên phấn khởi cho biết: Từ ngày mua bò về, nó suốt ngày quanh quẩn chăm bò, hết cắt cỏ lại tắm cho bò. Gia đình cũng thấy mừng, bây giờ nó coi hai con bò là bạn, đỡ hẳn đi lang thang và cãi lộn nhau. Bò đã sinh sản ra bê - ước mơ thoát nghèo đã trở thành hiện thực của gia đình anh Hà Sỹ Thúy. Chúng tôi cũng tìm tới gia đình anh Hà Sỹ Thúy ở thôn Quyết Tiến. Thần kinh anh Thúy không ổn định nên thường xuyên đánh đập vợ con. Gia đình có 5 sào lúa nhưng năng suất thấp, vợ con anh phải đi làm thuê kiếm sống, đứa con họp hết lớp 9 phải nghỉ học vì kinh tế gia đình không cho phép em theo học. Chị Thoa, vợ anh Thúy cho biết: "Từ khi được nhận bò, anh ấy vui hẳn, bệnh cũng giảm đi rõ rệt”. Nhờ chăm sóc tốt con bò nhà anh Thúy đã cho ra đời một con bê ba tháng tuổi. Mô hình chăn nuôi bò ở Tiên Phương được coi như thành công bước đầu. Một con bò một năm có thể sinh sản được bốn lứa, mỗi con bê bán từ 4-6 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế tuy chưa lớn nhưng đối với NKT lại là số tiền lớn, là niềm vui lớn, góp phần không nhỏ giúp gia đình NKT giảm bớt khó khăn, phụ bù vào những hoạt động sản xuất khác để ổn đình cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo chương trình của dự án, trong năm 2010, sẽ có thêm 20 người khuyết tật khác của Tiên Phương được hỗ trợ trong hoạt động chăn nuôi bò sinh sản. Gần 70% người khuyết tật trong độ tuổi lao động muốn có việc làm phù hợp để nuôi sống bản thân. Chúng tôi về Nhơn Huệ khi 10 hộ gia đình ở nơi đây đồng loạt xuất đi lứa lợn đầu tiên. Anh Nguyễn Văn Đô, thôn Giáp Khuê, xúc động nói tự đáy lòng: Ngày xuất lứa lợn đầu tiên, đứa con tôi cứ khóc không cho bán, khiến cho vợ chồng tôi đều ngậm ngùi. Dự án đã giúp gia đình tôi tiếp cận với hình thức chăn nuôi mới mang tính công nghiệp. Qua các buổi huấn luyện, chúng tôi nhận thấy dự án là một chu trình khép kín, không thể thực hiện nếu như không có sự cố gắng nỗ lực của bản thân NKT và gia đình, bên cạnh đó còn là sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành để chúng tôi có thể vươn lên làm chủ cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững. Năm 2008, mô hình Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật được Bộ Lao động-Thương binh và xã hội giao cho Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực hiện. Xác định đây là một trong những hướng trợ giúp đối tượng này thoát nghèo hiệu quả và bền vững, Trung ương Hội đã không ngừng vận động, tài trợ, xây dựng và triển khai thêm các Dự án Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay đã có 9 tỉnh, thành Hội ở các địa phương được Trung ương Hội tài trợ triển khai tại 22 xã, 2 huyện và một thành phố với số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Đặng Thanh Hà

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172739&sub=127&top=39