Hòa Bình: Đối thoại hạ nhiệt điểm nóng

"Nếu huyện không giải quyết, nhân dân xã Hợp Thịnh sẽ lên gặp Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu Chủ tịch UBND tỉnh không tiếp, chúng tôi lên Trung ương. Tài nguyên là của Nhà nước, cũng là của dân. Chúng tôi phải bảo vệ. Tại sao các tỉnh cấm khai thác cát còn tỉnh Hòa Bình lại để tình trạng khai thác cát rầm rộ như vậy. Người dân chúng tôi đề nghị phải chấm dứt ngay việc khai thác cát trên địa bàn xã Hợp Thịnh".

Người dân chất vấn Đoàn Công tác về tình trạng khai thác cát sỏi ồ ạt. Ảnh: HB

Đó là kiến nghị của người dân các xóm Tân Lập, Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, Thông, Giếng, Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình tại cuộc đối thoại giữa nhân dân xã Hợp Thịnh với Đoàn Công tác liên ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kỳ Sơn), do ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, diễn ra sáng ngày 25/5, tại UBND xã Hợp Thịnh.

Có thể nói, tại cuộc đối thoại, người dân xã Hợp Thịnh đã "trút" tất cả nỗi bức xúc tích tụ gần 2 tháng qua "lên đầu" Đoàn Công tác liên ngành.

Ông Trần Văn Nguyên, xóm Tân Lập ý kiến: Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây kè hai bờ sông Đà chống sạt lở. Kè chưa xây xong, nay ngày cũng như đêm, gần trăm tàu quốc, tàu hút thi nhau đục khoét lòng sông. Dân ăn không ngon, ngủ không yên. Không biết mất đất, mất nhà lúc nào...

Ông Lê Văn Chung, Trưởng xóm Tân Thịnh bức xúc, nói: Tỉnh cấp phép cho ai khai thác cát cũng phải cho dân biết, đến Chủ tịch UBND xã cũng không biết thì còn đâu là công khai, dân chủ. Dân hưởng lợi, sống nhờ đất thì dân phải bảo vệ đất. Nay mai lũ về, bờ sông sạt lở, nguy cơ mất cả xóm, cả xã là khó tránh. Dân xóm Tân Thịnh đề nghị chấm dứt ngay việc khai thác cát trên sông Đà thuộc địa bàn xã Hợp Thịnh.

Một trong hàng chục con tàu ngày đêm tàn phá dòng sông Đà. Ảnh: HB

Ông Nguyễn Quang Hảo, xóm Tự Do ý kiến: Tỉnh cấp phép đúng, nhưng công ty không thực hiện đúng thì tỉnh có xử lý không? Có thu hồi giấy phép không? Tại sao cả nước đang đồng loạt ra quân xử lý cát tặc thì hàng chục con tàu quốc, tàu hút lại đổ về sông Đà Hòa Bình để khai thác cát. Dân xã Hợp Thịnh cho rằng đây là cướp cát chứ không phải khai thác cát.

Nhiều kiến nghị cho rằng, trong giấy phép, Công ty Sahara và Công ty Hùng Yến chỉ được khai thác số lượng cát từ 230.000 - 270.000m3 cát/năm. Với tốc độ khai thác như hiện nay thì chỉ một tháng là thừa số lượng cho phép. Điều nữa, địa bàn xã Hợp Thịnh chỉ cách đập thủy điện Hòa Bình gần 20km, nếu để tình trạng khai thác cát rầm rộ như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công trình thủy điện và hai bờ sông Đà.

Người dân còn phản ánh, những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, có một số đối tượng vào nhà dân dọa nạt, đánh chủ nhà vì ngăn cản tàu khai thác cát. Có đối tượng còn ngăn cản nhà báo quay phim, chụp ảnh tàu hút cát... Có thể nói, những ông chủ tàu hút, tàu quốc rất ngang nhiên thách thức người dân và chính quyền xóm.

Nhân dân xã Hợp Thịnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trực tiếp đối thoại với dân về việc cấp phép khai thác cát cho Công ty Hùng Yến và Công ty Sahara. Đồng thời quyết định về hoạt động khai thác cát trên địa bàn xã Hợp Thịnh và xã Hợp Thành trong thời gian tới.

Trả lời kiến nghị của người dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Anh đã ghi nhận, trả lời từng vấn đề mà người dân kiến nghị, chất vấn, đồng thời thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về giải quyết tình hình khai thác cát trên địa bàn hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh.

Ông Nguyễn Trần Anh đã nêu khái quát về tình hình khai thác cát của hai đơn vị được cấp phép là Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty CP Khai thác khoáng sản Sahara. Ông Trần Anh khẳng định, việc UBND tỉnh cấp phép khai thác cát cho hai công ty trên được thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hai công ty được thực hiện theo trình tự quy định.

Nhưng, trong quá trình khai thác, nhất là từ đầu tháng 4 đến nay, Công ty Hùng Yến và Công ty Sahara đã vi phạm nội dung trong giấy phép đầu tư. Qua ý kiến phản ánh của nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý phạt vi phạm hành chính hai công ty trên. Tạm đình chỉ hoạt động khai thác cát sỏi tại địa điểm 2 mỏ từ ngày 20/5 đến 10/6. Tất cả tàu quốc, tàu hút , tàu vận chuyển cát sỏi phải rút ra khỏi khu vực mỏ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời từng kiến nghị của người dân. Ảnh: HB

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hứa với nhân dân xã Hợp Thịnh ngay sau cuộc đối thoại, tỉnh sẽ thành lập đoàn tiến hành tra mốc giới mỏ của hai công ty. Hiện trạng khu vực Công ty Hùng Yến và Công ty Sahara khai thác cát. Từ đó làm căn cứ để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến an toàn, thiệt hại trước mắt cũng như về sau do việc khai thác cát gây ra. Quá trình kiểm tra của đoàn công tác có sự tham gia giám sát trực tiếp của chính quyền và đại diện nhân dân các xóm.

Cuộc đối thoại chưa giải đáp hết, thỏa mãn ý nguyện của nhân dân xã Hợp Thịnh, nhưng người dân đã thấy được sự quan tâm, giải quyết kịp thời, kiên quyết của UBND tỉnh, UBND huyện Kỳ Sơn và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh đối với những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị, phản ánh.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Lê Trọng Long cho biết: Hợp Thịnh là điểm nóng mới phát sinh. Nếu không kịp thời giải quyết thì sẽ dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp. Cuộc đối thoại ngày 25/5 đã hạ nhiệt điểm nóng này. Đây là bài học bổ ích trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra tỉnh Hòa Bình.

Hồng Bài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/hoa-binh-doi-thoai-ha-nhiet-diem-nong_t114c1059n119496