Hòa bình là đỉnh cao tột cùng của văn minh nhân loại

Nhân dịp Tổng thống Hòa Kỳ Barack Obama thăm Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Nhà khoa học Lê Văn Tuấn – Tổng đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh về triển vọng hợp tác, hội nhập quốc tế cũng như giá trị Nhân văn của Việt Nam với bạn bè năm châu.

Thưa Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, ông có cảm nghĩ gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?

Là công dân Việt Nam, tôi rất vui mừng chào đón Tổng thống Obama. Ông Obama đã mang tới đất nước chúng ta nhiều thông điệp giá trị, trong đó có hòa bình và sự tôn trọng. Người dân Việt Nam chào đón Tổng thống Hoa Kỳ rất nồng nhiệt, ấm áp tình nghĩa, thể hiện tính nhân văn vốn có từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Bằng cảm quan của một nhà khoa học, tôi thấy các quốc gia đang ngày một xích lại gần nhau hơn.

Ông có đề cập đến vấn đề Nhân văn, Hòa bình, đó là những thông điệp đầy giá trị?

Vâng, nhân văn giúp người yêu người, người biết người. Hòa bình chính là đỉnh cao tột cùng của văn minh nhân loại. Còn đạo đức chính là trụ cột của lòng tin. Năm 2014, bài phát biểu trước đại hội đồng Liên hiệp các hội UNESCO thế giới của tôi đã đề cập đến vấn đề đạo đức toàn cầu, để chúng ta mở đầu cho một kỉ nguyên giáo dục đạo đức thiêng liêng, giữa một thế giới đầy bất ổn và hoang mang thì đạo đức toàn cầu nổi lên như một trụ cột của lòng tin.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, nhân dân Việt Nam đã đón tiếp Tổng thống Obama bằng một tinh thần đoàn kết và nhân văn.

Ông có thể nói rõ giá trị của đạo đức toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến nhân loại?

Đạo đức là thước đo không có ranh giới, nó vô cùng vô tận. Trong khuôn khổ bài phỏng vấn này tôi chỉ xin nói về đạo đức trong mối tương quan giữa thiên nhiên và con người.

Thứ nhất, có thể nói, đạo đức quyết định trực tiếp đến sự tồn vong của thiên nhiên.

Từ ngàn xưa đến nay, chúng ta đều hiểu rằng, thiên nhiên là bầu sữa vạn năng đã sinh ra và nuôi sống tất cả chúng sinh lẫn muôn loài vạn vật. Thế nhưng, sự tàn phá thiên nhiên đã gây ra hàng loạt hiệu ứng. Hệ quả của nó là thiên tai càng ngày càng dồn dập đổ ập vào trái đất với mức độ dữ dội tàn khốc hơn rất nhiều.

Việc liên tục đục đẽo, đào xới vỏ trái đất tìm kiếm năng lượng, tìm kiếm của quý, phá rừng, chặt cây xanh, tiêu diệt các loài sinh vật đến tuyệt chủng, phát triển các khu công nghiệp hiện đại, cùng với khói lửa chiến tranh và thuốc súng… loài người đã phun vào bầu khí quyển và thải vào các nguồn nước hàng tỷ tỷ tấn hóa chất bụi bặm độc hại, hàng triệu triệu tấn dược liệu ô nhiễm khí độc và những tia, những sóng độc có màu hay không màu, có mùi hay không mùi, vô tình đã nhốt cả nhân loại vào trong một bể chứa hóa chất đầy nguy hiểm.

Chỉ mới hơn 3 thế kỷ trôi qua, mà quả đất trong lành của chúng ta đang dần dần biến thành một quả cầu bụi bặm ô nhiễm nặng nề, ì ạch trườn trên quỹ đạo, rất dễ dàng bốc lửa và nổ tung. Quả đất xinh đẹp và sinh mạng loài người càng ngày càng trở nên mong manh và đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhà khoa học Lê Văn Tuấn.

Giá trị thứ hai của đạo đức là đời sống xã hội:

Thế giới đang dần gắn kết với nhau trong một sợi dây liên kết và điều đó đã liên tục tạo ra những làn sóng hội nhập, hợp tác và như thế, những nền văn hóa khác nhau đang xích lại gần nhau. Hệ quả là đã dần dần hình thành nên các khối, các hiệp hội, các tổ chức liên kết liên minh về kinh tế, văn hòa, khoa học hay giáo dục….giữa các quốc gia trên các châu lục với nhau… Và điều đó, vô hình dung đã hình thành nên các tiểu cộng đồng trên con đường đi tới một thế giới đại đồng.

Thế giới đang vận động, các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau đang xích lại gần nhau, hình thành từng khối, từng mảng liên kết. Thì rõ ràng quy luật tự nhiên của tạo hóa vô biên đã chuyển một thế giới xung đột thiếu hiểu biết sang một thế giới có hiểu biết, có đẳng cấp văn minh cao hơn, biết coi trọng người và coi trọng mình, giảm thiểu chiến tranh, đi vào đối thoại và hợp tác quốc tế.

Tôi tin rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama là sự gắn kết, hợp tác để cùng nhau thịnh vượng. Bởi tất cả các quốc gia trên trái đất này đều là anh em, cùng nắm lấy bàn tay để kiến tạo sự sống, nuôi dưỡng giống nòi.

Thưa tiến sĩ, có phải giá trị cốt lõi của Nhân văn chính là Hòa bình?

Lịch sử chiến tranh đẫm máu của nhân loại, tiếng thét gào của những linh hồn trong quá khứ đã mách bảo chúng ta một điều sâu sắc rằng: Nếu sự thật là bản ngã cuộc mưu sinh, thì hòa bình mới là đỉnh cao tột cùng của văn minh nhân loại. Nhà thơ L.V.T viết: “Trái tim lớn đập vì nhân loại/ Loại nhỏ hơn đập mãi cho người".

Trái tim lớn, đập mãi không phải vì lợi ích của bất cứ một ai hay của một nhóm người nào mà là vì hạnh phúc và những quyền lợi thiêng liêng của toàn thể nhân loại. Để trở thành trái tim lớn của nhân gian, phải kết tinh, hội tụ được tinh hoa đạo đức của các nền văn hóa, văn minh khác nhau, của các dân tộc, của các vùng miền trên toàn thế giới.

Nhà khoa học Lê Văn Tuấn được trao nhiều giải thưởng về khoa học trong nước và quốc tế.

Ngày 3-10-2013 tại sảnh đường hội nghị khách sạn Sheraton Sài gòn Trung tâm UNESCO khoa học nhân văn và cộng đồng đã làm lễ khởi động “Con đường Việt nam Nhân văn” với năm Địa Chỉ Nhân Văn đầu tiên, và với khẩu hiệu:”Mỗi quốc gia nhân văn, mỗi châu lục nhân văn cả thế giới nhân văn”.

Tiếp theo, ngày 17-5-2014 tại sảnh đường hội nghị khách sạn Continental Văn phòng Tổng Đại Diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại phía Nam đã làm lễ khởi động chương trình “ Việt Nam Hòa bình Hòa quyện với thiên nhiên” với năm dự án đầu tiên.

Sở dĩ chúng tôi quyết tâm thực hiện những dự án này, bởi chúng tôi ý thức được tầm quan trọng vô cùng to lớn của thiên nhiên, môi trường sống. Vì …không có thiên nhiên – không có môi trường sống, tất cả sẽ không còn tồn tại - làm rách vỡ không gian, làm vẩn đục bầu khí quyển, làm ô nhiễm các nguồn nước, làm tổn thương thiên nhiên, làm tự nhiên nổi giận đó là tự diệt vong. Chúng tôi nguyện làm một giọt nước. Một giọt nước sẽ mãi mãi không bao giờ khô cạn nếu như nó hòa vào biển cả đại dương...

Trong công trình sách Thiên – Địa – Kinh của mình, Nhà khoa học Lê Văn Tuấn đã viện dẫn rất nhiều thông điệp về sự chuyển biến của thế giới trong tương lai.

Ông luôn nhấn mạnh và khẳng định, dù thế nào đi nữa thì thế giới sẽ xích lại gần nhau. Quy luật này đã xuất hiện trong âm nhạc CROR, nói lên số phận của con người trước những hiểm họa khôn lường của chiến tranh, thảm họa thiên tai, bão lũ, sóng thần, động đất… Dòng nhạc đạt ba kỷ lục Việt Nam, Châu Á và Thế giới, từng được cố Giáo sư Trần Văn Khê lúc sinh thời hết lòng tán dương và khâm phục.

Hoa Nguyên

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hoa-binh-la-dinh-cao-tot-cung-cua-van-minh-nhan-loai-394181/