Hòa Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công đoàn

Ngày 7.5, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề và khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên Đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình. Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc làm Trưởng đoàn.

Tại đây, đoàn khảo sát đã lắng nghe những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc tổ chức thi hành Luật Công đoàn ở các cấp công đoàn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, tính đến 31.12.2023, toàn tỉnh có 1060 công đoàn cơ sở với gần 64 nghìn đoàn viên công đoàn. Như vậy, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, tỉnh Hòa Bình đã tăng được 89 công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp, giảm 299 công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước do sáp nhập và tăng trên 15 nghìn đoàn viên công đoàn.

Chất lượng, hiệu quả của hoạt động công đoàn được nâng cao. Việc thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn đã được thực hiện tích cực, phát hiện kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T. Tâm

Trong 10 năm, các cấp công đoàn đã tiếp nhận và giải quyết 254 đơn khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Thực hiện Luật Công đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh đã thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy với 5 ban chuyên trách, 10 Liên đoàn lao động huyện, thành phố và 5 công đoàn địa phương. Việc thu chi, quản lý tài chính, tài sản được thực hiện công khai minh bạch.

Cũng tại hội nghị, đại diện liên đoàn lao động các cấp, công đoàn các ngành, đơn vị cũng đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Công đoàn, như: Không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn; chưa thể hiện đầy đủ vai trò, tư cách quyền giám sát của công đoàn; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vẫn diễn ra. Thực tế, còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn,…Trên cơ sở đó, công đoàn các cấp đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 và các quy định có liên quan. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, khu thiết chế cho công nhân lao động.

Đoàn đã đi khảo sát, thăm và tặng quà công nhân lao động tại KCN Lương Sơn. Ảnh: T. Tâm

Ngoài ra, việc quy định miễn, giảm kinh phí 2% công đoàn cùng với các chính sách miễn giảm thuế khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ làm giảm gánh nặng chi phí, giúp cho doanh nghiệp duy trì sự tồn tại, giảm số doanh nghiệp bị “đào thải” khỏi thị trường, bảo vệ việc làm cho người lao động. Do vậy, cần xem xét bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết, Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, nội dung có liên quan để phục vụ công tác thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/hoa-binh-thao-go-kho-khan-vuong-mac-bat-cap-trong-thi-hanh-luat-cong-doan-i370344/