Hòa bình trên sóng nước Biển Đông

Biển Đông, tuyến đường hàng hải nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Nơi mà Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt biển; nơi đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là bất khả xâm phạm. Nhưng, hôm nay, Biển Đông vẫn chưa yên sóng. Hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, giữ gìn hòa bình trên từng con sóng Biển Đông là bổn phận của mỗi người con đất Việt.

Đảo Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

1. Ngày 30/8, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) thứ 38, do Viện Yusof Ishak- Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức.

Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới.

Biển Đông đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. Cả khu vực đang nỗ lực vươn lên, thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua.

Nhắc lại lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Bạn không thể chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn phải thực hiện những điều bạn nói”- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Đó chính là mục tiêu của ASEAN. Nhiều năm qua, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... Đến nay, ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, lịch sử cho thấy, đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đó ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam.

Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất COC.

2. Chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát. Cũng chính từ đó, hơn ai hết người Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, nền hòa bình có được nhờ sự hy sinh vô bờ bến của thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày 12/7 vừa qua, bằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp ở khu vực Biển Đông; đòi hỏi của Trung Quốc về giá trị lịch sử cũng như “đường lưỡi bò” tại vùng biển này đã không được quốc tế thừa nhận. Ngay sau đó, nhiều học giả quốc tế, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa.

Tại Hội thảo về Biển Đông vừa mới diễn ra tại Khánh Hòa, đã có gần 30 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến thảo luận của các học giả tập trung vào nhiều vấn đề như như quy chế của đảo, đá, trong luật quốc tế; Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, nội dung, ý nghĩa và tác động của Phán quyết đối với tranh chấp ở khu vực Biển Đông, cả về mặt ngắn hạn và dài hạn cũng như đối với môi trường chiến lược trong khu vực, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao pháp lý thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông…

Một số học giả đã trực tiếp bày tỏ quan ngại và phản đối trước các hành động đơn phương của Trung Quốc như xây dựng, cải tạo đảo trái phép và đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông; nhấn mạnh đây là các hành động không phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Đồng thời, các đại biểu cũng lo ngại về khả năng nước này thiết lập tại Biển Đông “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ); khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở pháp luật quốc tế ở khu vực Biển Đông đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.

Tại đây, các đại biểu tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, các học giả cũng khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực và việc thúc đẩy các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC, mở ra cơ hội mới cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông.

Giáo sư Jeong Gab Yong- Đại học Youngsan, Hàn Quốc tại Hội thảo khoa học về Biển Đông, tổ chức tại Khánh Hòa.

Theo Giáo sư Jeong Gab Yong (Đại học Youngsan, Hàn Quốc), những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn”- đường lưỡi bò, là vô lý. Trung Quốc không có” danh nghĩa lịch sử” trên Biển Đông vì danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển này rất mờ nhạt, không chắc chắn và bị các quốc gia khác phản đối. Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử không đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về việc thiết lập “vùng nước lịch sử”. Còn với “đường chín đoạn” là không hợp lệ. Vẫn theo GS. Jeong Gab Yong, về “giới hạn trên biển”, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố rằng “đường mười một đoạn” công bố vào năm 1947 và “đường chín đoạn” đính kèm trong thư ngoại giao vào năm 2009 không đại diện và đồng thuận cho nhau. Vì vậy, tuyên bố này nên được xem là không hợp lệ vì những chỉ dẫn địa lý của tuyên bố không rõ ràng và sai sự thật.

Giáo sư Erik Franckx- Trưởng Khoa Luật quốc tế và châu Âu và Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Vrije Universiteit Brussel, Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực- tại Hội thảo khoa học về Biển Đông, tổ chức tại Khánh Hòa.

Với Giáo sư Erik Franckx (Trưởng Khoa Luật quốc tế và Châu Âu và Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Vrije Universiteit Brussel, Bỉ. Thành viên Tòa Trọng tài thường trực), khi nói về phán quyết của Tòa đã nhấn mạnh rằng, hệ thống tòa án đã phán quyết thì không thể kháng án, tức là phán quyết của tòa án là kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc thực thi trên thực tế. Ngay cả các cường quốc cũng không thể đi ngược lại với phán quyết của Tòa Trọng tài và đặc biệt là một quốc gia là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, là một nước lớn thì phải khẳng định vai trò, vị trí của mình, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Bởi vì nếu họ không làm theo điều đó thì họ khó có thể giữ được vị thế, địa vị của mình đối với các đồng minh và các nước khác trong cộng đồng quốc tế.

Như vậy, chính nghĩa của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông đã được quốc tế công nhận. Nhưng, việc “gìn giữ hòa bình trên từng con sóng” là vô cùng hệ trọng. Bằng nỗ lực không mệt mỏi, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, biển trời của Tổ quốc sẽ mãi mãi xanh trong.

V.Nhất-N.Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/hoa-binh-tren-song-nuoc-bien-dong/118856