Hoa hậu bị chê “nhan sắc khiêm tốn”, làm thế nào để lấy thiện cảm của công chúng?

Có một thí sinh Hoa hậu Mỹ - người đẹp đến từ bang Michigan - cô Arianna Quan hiện đang là thí sinh thu hút nhiều sự chú ý nhất tại cuộc thi nhan sắc mang tầm vóc quốc gia của Mỹ. Ngay sau khi đăng quang Hoa hậu bang Michigan, Arianna đã phải đối diện với “búa rìu” dư luận vì họ cho rằng cô quá xấu. Ngược lại với chỉ trích, thí sinh này nói, cô không đầu hàng dư luận, chuyện bị chê không làm ảnh hưởng đến cô ở kỳ thi Hoa hậu quốc gia tới.

Điều trùng hợp là thí sinh này đăng quang sau khi Đỗ Mỹ Linh vừa được xướng tên ở Hoa hậu Việt Nam 2016 cách đó vài ngày, và cũng không tránh khỏi chuyện bị chê “chưa đủ đẹp”. Rõ ràng, dư luận ở đâu cũng khắc nghiệt như nhau. Để vượt qua dư luận không phải chỉ có trang điểm đẹp, chụp ảnh nói “tôi xinh” là xong. Điều cần nhất vẫn là bản lĩnh của Hoa hậu.

Hiện tại, một số người cho rằng nhan sắc của Arianna quá “khiêm tốn” để có thể trở thành Hoa hậu bang Michigan để rồi tiếp tục tranh tài tại cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia Miss America 2017. Arianna Quan (tên đầy đủ) đã làm nên lịch sử khi trở thành người đẹp gốc Á đầu tiên đoạt vương miện Hoa hậu bang Michigan. Dù vậy, ngay sau chiến thắng lịch sử của Arianna, truyền thông và dư luận Mỹ đã phải “nhướn mày” vì nhan sắc “khá lạ” của cô.

Trước những luồng dư luận dễ gây tổn thương như vậy, Hoa hậu bang Michigan - Arianna Quan - cho biết, cô sẽ không để những sự công kích này khiến mình bị sụt giảm phong độ trong quá trình dự thi Miss America.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nhận được khá nhiều thiện cảm từ các hoạt động từ thiện. Ảnh tư liệu

Arianna Quan, 23 tuổi, chia sẻ: “Nhiều người đã gặp gỡ tôi sau khi đăng quang, có những người tìm đến với thái độ tích cực nhưng cũng có những người rất tiêu cực. Phản ứng của dư luận và truyền thông đang tạo thành hai hướng đối lập nhau… Tất cả những tranh luận này xảy ra chỉ vì tôi là người được trao vương miện, đó thực sự là một trải nghiệm rất khó tả khi là một phần của tất cả những tranh cãi đang bùng nổ… Tất cả những bình luận tiêu cực xoay quanh diện mạo của tôi chỉ khiến tôi thấy rằng đây là một phần trách nhiệm của mình trong tư cách hoa hậu bang và là ứng viên Hoa hậu Mỹ, mục tiêu của tôi là thúc đẩy những cuộc tranh luận về người nhập cư, về đa dạng chủng tộc ở Mỹ”.

Trên thực tế, con người sống ở đâu cũng có điểm chung: Họ thường thiện cảm ban đầu với cái đẹp, và khắt khe với người giành chiến thắng. Nhìn vào câu chuyện tại nước Mỹ về nhan sắc Hoa hậu một bang mới thấy, ở đâu “búa rìu” dư luận cũng nghiệt ngã như nhau.

Ở Việt Nam, Kỳ Duyên là minh chứng rõ nhất trong việc: Nếu không vừa mắt công chúng, đồng nghĩa với việc đừng mong có “thiện cảm”. Nếu là người khác đi từ thiện, sẽ không bị chê “làm màu” đến chụp hình rồi về, bởi các sao đi từ thiện mấy ai không chụp hình để quảng bá hình ảnh, kiểu một công đôi việc, vừa từ thiện, vừa xây dựng hình ảnh của bản thân. Nếu ngủ ở chỗ hơi đông người mà có dáng chưa đẹp, người bình thường mấy ai bị chỉ trích dữ dội như Hoa hậu. Tất cả cũng bởi vì cái nhan sắc “chưa xứng tầm” Hoa hậu theo như người ta nghĩ, mà thiện cảm, sự bao dung cho Hoa hậu cũng ít hẳn đi.

Suốt nhiệm kỳ của mình, Kỳ Duyên có nỗ lực để lấy lại hình ảnh cũng như thiện cảm từ công chúng không? Có chứ! Nhưng có lẽ Kỳ Duyên đi “sai” quy trình. Đáng ra sau đăng quang, cô cứ làm đúng bổn phận Hoa hậu, thay vì vội vàng chụp vài bức hình, đưa ý kiến các chuyên gia sắc đẹp về việc: “Không, Hoa hậu không xấu như mọi người nghĩ”. Kiểu thanh minh rằng hôm đăng quang tôi bị “dìm nhan sắc” khiến cho số đông công chúng đã ít thiện cảm lại càng “soi” Hoa hậu nhiều hơn, và vì “soi” kỹ nên càng ít thiện cảm.

Đỗ Mỹ Linh gặp phải trường hợp tương tự khi đêm đăng quang, có ý kiến cho rằng, cô không xinh bằng hai Á hậu. Tất nhiên, ban tổ chức, ban giám khảo có lí do riêng của họ khi cho rằng: Hoa hậu là sự đánh giá cả quá trình chứ không phải một đêm chung kết, nhưng khán giả thì chỉ xem một đêm thi cuối mà thôi, nhiều khi, họ tin vào mắt mình hơn là quá trình đánh giá của giám khảo.

May mắn cho Đỗ Mỹ Linh là sau trường hợp của Kỳ Duyên, có thể cả ban tổ chức, cả người chiến thắng đều có kinh nghiệm để ứng phó với “búa rìu” dư luận hơn. Mỹ Linh hầu như không tham dự sự kiện, cô chọn (hoặc có người lên kế hoạch cho cô) các hoạt động từ thiện trước. Mỹ Linh chọn những hình ảnh phù hợp với nhan sắc mới đăng quang để cung cấp cho truyền thông và khá thận trọng trong các bài phỏng vấn. Hình ảnh Hoa hậu chơi đùa với các em nhỏ vùng cao đã làm công chúng phần nào quên đi chuyện “xấu – đẹp” và có thiện cảm dần dần với một người mới của showbiz.

Không ai mong muốn mình chiến thắng để nhận về sự chỉ trích cả, vì vậy, phải vững vàng vượt qua, phải đấu tranh để lấy lại thiện cảm của công chúng. Đó là bản lĩnh cần có của người chiến thắng. Với sự cam kết từ ban tổ chức rằng sẽ quản lý hình ảnh của các thí sinh sau khi bước ra từ cuộc thi cũng cho chúng ta hi vọng: Cứ nỗ lực, cứ xây dựng hình ảnh phù hợp, sẽ có thiện cảm trở lại từ công chúng.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/hoa-hau-bi-che-nhan-sac-khiem-ton-lam-the-nao-de-lay-thien-cam-cua-cong-chung-118351