Hoa Kỳ 'bơm' đợt năng lượng đầu tiên đến Ukraine

Ria Novosti đưa tin, Hoa Kỳ tuyên bố rằng việc cung cấp than cho Ukraine sẽ giúp Kiev ổn định nguồn năng lượng, và qua đó Hoa Kỳ sẽ từng bước đạt được mục tiêu thống trị năng lượng thế giới.

Hoa Kỳ “bơm” đợt năng lượng than đầu tiên đến Ukraine. (Ảnh minh họa)

Theo Ria Novosti, Washington đã gửi đến Kiev lô hàng than đầu tiên từ Pennsylvania theo hợp đồng giữa công ty nhà nước Ukraine Centrenergo với công ty Hoa Kỳ Xcoal Energy & Resources.

Theo thông báo được công bố trên trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ, trong buổi lễ trao hàng tại Baltimore, về phía Mỹ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thương mại Israel Hernandez, Trợ lý vấn đề quốc tế của Bộ trưởng Năng lượng Wells Griffith và lãnh đạo công ty Xcoal, còn về phía Ukraine có đại diện là ông Valery Chaly- đại sứ của nước này tại Hoa Kỳ.

Trị giá của lô hàng đầu tiên là 113 USD/tấn than. Phía "Centrenergo" nhấn mạnh rằng chi phí nguyên vật liệu sẽ thay đổi tùy từng lần giao hàng.

Theo hợp đồng, Kiev sẽ nhận được 700 nghìn tấn than vào cuối năm nay. Cho đến cuối tháng Chín, dự kiến họ sẽ nhận được hai lô nguyên liệu với tổng cộng 210.000 tấn, và trong tương lai những con tàu chở than sẽ đến đúng tiến độ khoảng một lần hoặc hai lần một tháng.

Nga không từ bỏ kế hoạch

Ukraine dự kiến rằng than của Mỹ sẽ giúp quốc gia này vượt qua thời gian  mùa Đông giá buốt 2017-2018. Bình luận về việc ký kết thỏa thuận, Nhà Trắng cho biết thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp than và vận tải của Mỹ, đồng thời giúp họ đạt được mục tiêu "thống trị năng lượng" thế giới.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh: "Sự hợp tác này sẽ cung cấp cho Ukraine một nguồn thay thế độc lập, đáng tin cậy và cạnh tranh về năng lượng, qua đó sẽ giúp ổn định nguồn cung cấp năng lượng, điều mà trong lịch sử chỉ xảy ra theo ý muốn của nước láng giềng không ổn định".

Kiev đã kêu gọi các nhà cung cấp nhiên liệu khoáng sản mới, sau khi từ chối mua hàng từ hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR). Năm 2016, nguồn than của Ukraine đến từ hai nước - Nga và Nam Phi. Bộ Năng lượng Nga tin rằng tác động của than Mỹ đối với việc cung cấp nguyên liệu từ Nga sang Ukraine sẽ không đáng kể. Theo Thứ trưởng Anatoly Yanovsky, Nga vẫn giữ kế hoạch giao hàng than trị giá khoảng 10 triệu tấn mỗi năm.

"Cuộc chơi đẹp"

Các chuyên gia tin rằng trong quyết định mua than từ Mỹ của Ukraine, những cân nhắc chính trị đã được ưu tiên hơn khía cạnh kinh tế. Theo Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga Sergey Pikin, với khối lượng giao hàng dưới một triệu tấn, mặc dù không quá lớn, nhưng vẫn có ý nghĩa cần thiết đối với Kiev.

Có thể tiền sẽ được lấy từ Ngân hàng Thế giới hay bất kỳ tổ chức tài chính quốc tế khác - họ có ưu đãi tín dụng rất tốt cho những chương trình mà người thụ hưởng cuối cùng là các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Điều này áp dụng cho lĩnh vực than đá và các nguồn cung cấp khác - bao gồm cả nhiên liệu hạt nhân. Vì vậy, trong mọi trường hợp họ sẽ tìm ra cách rút tiền", chuyên gia nói trên sóng của đài phát thanh Sputnik.

Ông Pikin nhận định: Một tình huống tương tự là khí đốt Nga được cung cấp ngược từ châu Âu – Kiev mua cũng nguồn khí đốt ấy của Nga từ châu Âu, nhưng với giá đắt hơn, và họ làm thế vì lý do chính trị - đó là lợi ích của "trò chơi đẹp" đối với Washington.

Ukraine không liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên?

Trong một diễn biến khác, Nhóm công tác của Ukraine điều tra thông tin trên tờ New York Times (Mỹ) cho rằng nước này liên quan đến các hoạt động chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều Tiên, đã xác nhận chính quyền Kiev không liên quan đến vấn đề này.

Báo cáo của Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Oleksandr Turchynov trình lên Tổng thống Petro Poroshenko nêu rõ: "Sau khi tổng hợp các thông tin của New York Times cũng như xem xét đề xuất của ủy ban liên ngành và tài liệu từ các cơ quan nhà nước về vấn đề này, nhóm công tác nhất trí đi đến kết luận rằng chính quyền Ukraine hoàn toàn không liên quan đến việc tiến hành các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".

Trong khi đó, ông Poroshenko đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Ukraine khởi xướng một cuộc thảo luận về việc Ukraine không liên quan đến chương trình tên lửa Triều Tiên tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoa-ky-bom-dot-nang-luong-dau-tien-den-ukraine-post235072.info