Hoa Lư, huyện dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình

Hoa Lư là mảnh đất có truyền thống văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm, nơi phát tích ba triều đại Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê, Nhà Lý thế kỷ thứ X và cũng là hậu cứ của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Năm 1996, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Gia Khánh - Hoa Lư vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vượt gian khó, xây dựng nông thôn mới

Huyện Hoa Lư thành lập ngày 27-4-1977 , với tiền thân là huyện Gia Khánh được thành lập từ năm 1906 đến nay, vừa tròn 110 năm. Là huyện bán sơn địa, nằm ở trung tâm tỉnh Ninh Bình, có 11 đơn vị hành chính, gồm một thị trấn và 10 xã, tổng diện tích tự nhiên 10.348,7 ha. Dân số đến năm 2015 là 69.123 người, với 22.598 hộ và khoảng 42.361 người trong độ tuổi lao động.

Cùng với truyền thống lịch sử vẻ vang, Hoa Lư được thiên nhiên ban tặng những danh thắng nổi tiếng, gồm: Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Thung Nham, gắn liền các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời, như Lễ hội cố đô Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội đền Trần. Đặc biệt, ngày 23-6-2014 , Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản đầu tiên của UNESCO ở Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Hoa Lư đã và đang thu hút gần bảy triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch năm 2016.

“Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Các khu, điểm du lịch sinh thái - tâm linh, làng nghề truyền thống như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, làm chăn bông được duy trì và mở rộng”, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Vũ Văn Huân nói. Nhờ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh giảm nghèo ở nông thôn. Cụ thể, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hơn 18%, thu ngân sách đạt gần 113 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 81,1%, nông lâm thủy sản chỉ còn 5,3%, du lịch, dịch vụ chiếm 13,6%.

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có xu hướng thu hẹp diện tích do xuất hiện ngày càng nhiều các cụm công nghiệp, làng nghề, song sản phẩm nông nghiệp được nâng cao chất lượng, cho nên đạt giá trị 86 triệu đồng/ha mỗi năm. Trong đó, lúa chất lượng cao và mô hình cánh đồng mẫu lớn được mở rộng chiếm hơn 40% diện tích gieo cấy hằng năm.

“Thu nhập bình quân khu vực nông thôn hằng năm ở huyện Hoa Lư đạt 29,65 triệu đồng/người, tăng 17,6 triệu đồng/người so với năm 2010 (12,05 triệu đồng/người) và tăng hơn 5,25 triệu đồng so với bình quân chung của tỉnh Ninh Bình (của tỉnh là 24,4 triệu đồng/người)”, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư Nguyễn Sỹ Trí cho biết. Nhờ đó, số hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 12,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 2,69% (toàn tỉnh Ninh Bình khoảng 3,5%).

Nghề thêu truyền thống Ninh Hải ngày càng thu hút nhiều lao động tại địa phương.

“Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hoa Lư có điểm xuất phát tương đối thấp. Năm 2011 toàn huyện mới đạt bình quân 6,5 tiêu chí/xã, hai xã đạt 8 tiêu chí, ba xã đạt 7 tiêu chí”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Bùi Duy Quang - người trực tiếp thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về chương trình XDNTM ở địa phương nói. Bốn xã đạt sáu tiêu chí, một xã đạt bốn tiêu chí, thu nhập bình quân hằng năm khu vực nông thôn ở mức 12,05 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 12,35%.

Trong quá trình thực hiện Chương trình XDNTM, huyện Hoa Lư áp dụng hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Ninh Bình. Đó là, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất vụ đông, sản xuất thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ. Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại Đề án số 06 và 14/ĐA-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình, nhất là chính sách để lại 100% kinh phí đấu giá trị quyền sử dụng đất cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

“Huyện Hoa Lư hội tụ khá nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Duy Quang phân tích. Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, toàn huyện có 210 doanh nghiệp, 2.454 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hai làng nghề truyền thống gồm Đá mỹ nghệ Ninh Vân và thêu Ninh Hải.

- “Còn về du lịch, dịch vụ?”, chúng tôi hỏi.

- “Đấy là thế mạnh của Hoa Lư mà chẳng nơi nào sánh được”, Phó Chủ tịch Bùi Duy Quang khẳng định. Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ 10. Nơi đây thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng với nhiều đền thờ mang kiến trúc cổ nay vẫn được nhân dân bảo tồn và lưu giữ. Đó là nền tảng để Hoa Lư trở thành nơi hội tụ những lễ hội văn hóa và tâm linh. Hội rước nước vào ngày 8-3 âm lịch hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt người trong nước và quốc tế. Nếu tính cả năm thì có tới 80% trong tổng số du khách đến Ninh Bình đều qua đền vua Đinh, vua Lê để chiêm bái rồi xuống thuyền vào khu du lịch sinh thái Tràng An. Nhờ vậy, cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát triển mạnh với khoảng 3.601 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, 496 nhà hàng, khách sạn đang hoạt động, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch.

Sau gần sáu năm triển khai thực hiện (2011-2016), đến nay cố đô Hoa Lư đạt được một số kết quả nổi bật như 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Cụ thể, Năm 2014 Hoa Lư mới có một xã đạt chuẩn NTM. năm 2015 có thêm 6/10 xã đạt chuẩn NTM và đến tháng 7-2016 có thêm ba xã đạt chuẩn NTM.

Ý Đảng, lòng dân hòa quyện

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về kinh nghiệm làm thế nào để phong trào XDNTM ở Hoa Lư sớm đạt kết quả, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Sỹ Trí (đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo) cho biết: Quan trọng hàng đầu là do hệ thống quản lý, giúp việc các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn từ huyện đến các xã, các thôn, xóm theo quy định. Hệ thống cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới các cấp đều được tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về xây dựng nông thôn mới.

Điều không kém quan trọng là việc kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở được tăng cường, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách phù hợp kích thích phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập của người dân. Nổi bật là, Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 26-7-2013 của HĐND huyện Hoa Lư nhiệm kỳ 2011-2016 về việc Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà đối với xây mới và 20 triệu đồng/nhà đối với trường hợp sửa chữa.

Đối với nhà văn hóa xã, huyện hỗ trợ 500 triệu đồng/nhà, sau đó huy động, lồng ghép các dự án, nguồn lực để kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn. Hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với kinh phí 420.000 đồng/ha. Đồng thời, coi trọng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, sản xuất lúa - cá, dê núi, cá trắm đen, cá rô đồng để nâng cao giá trị sản xuất theo định hướng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Vì vậy, nhiều xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vượt trước mục tiêu theo Đề án từ hai đến ba năm như các xã Ninh Xuân, Ninh Hòa.

Điều đáng ghi nhận là sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi đảng viên trong toàn đảng bộ và nhân dân từ thôn, xóm với quyết tâm “chung sức, đồng lòng cùng cả nước XDNTM”. Những mô hình hay sáng kiến, giải pháp mới tháo gỡ khó khăn từ cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể lắng nghe, học tập và đưa vào thực tiễn tại cơ sở. Nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, vệ sinh môi trường. Vì thế, để XDNTM trong toàn huyện, vốn ngân sách của Nhà nước đầu tư khá thấp. Trong tổng số vốn đầu tư là 2.838,64 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 1.293,97 tỷ đồng, chiếm 45,58%. Trong đó vốn từ ngân sách T.Ư là 279,93 tỷ đồng, chiếm 9,86% so với tổng vốn đầu tư. Ngân sách tỉnh 271,01 tỷ đồng; chiếm 9,54%. Trong khi đó, nguồn vốn nhân dân tham gia đạt 1.274,13 tỷ đồng, chiếm 44,89%. Trong đó, nhân dân tự đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng, chỉnh trang nhà cửa là 1.146 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 53.217 ngày công lao động, hiến khoảng 19,57 ha đất (làm đường 1,39 ha, dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn 18,18 ha).

“Bí quyết thành công được thể hiện rõ nhất, đó là nguồn vốn được quản lý, sử dụng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng”, Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên Nguyễn Thế Vịnh cho biết. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, thủy lợi, trạm y tế, giao thông, kênh mương nội đồng, sân vận động, nhà văn hóa xã, thôn, xóm đầu tư phát triển sản xuất. Việc huy động đóng góp của nhân dân được xã thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do họ đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhờ sự đồng thuận giữa các cấp ủy đảng, chính quyền cùng người dân, huyện Hoa Lư đạt huyện NTM dẫn đầu ở Ninh Bình. Ngoài những quy định về xã NTM với 19 tiêu chí, để đạt huyện NTM thì 100% số xã đạt chuẩn NTM và 9 tiêu chí riêng. Đó là các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự, ban chỉ đạo XDNTM. Trong suốt thời gian qua, nhiều cấp, nhiều ngành ở T.Ư và tỉnh Ninh Bình tổ chức thẩm định, đánh giá từng tiêu chí về huyện NTM ở Hoa Lư và huyện cũng thành lập đoàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về XDNTM của cố đô Hoa Lư.

Trong không khí phấn khởi của hàng chục nghìn gia đình người dân cố đô Hoa Lư được công nhận huyện NTM dẫn đầu tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Vũ Văn Huân cho biết định hướng thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch. Đời sống người dân ổn định, văn hóa giàu bản sắc dân tộc, an ninh trật tự được giữ vững. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị mỗi ha đạt hơn 130 triệu đồng/năm, thu nhập người dân đạt hơn 60 triệu đồng/năm và có một đến hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến xã, thôn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 . Đặc biệt, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31565302-hoa-lu-huyen-dan-dau-phong-trao-xay-dung-nong-thon-moi-o-ninh-binh.html