Hòa nhạc mừng Quốc khánh: Còn mãi tình yêu Tổ quốc

NDĐT – Chiều 2-9, kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam, chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” do báo Vietnamnet tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Thính phòng Nhà hát Lớn không còn chỗ trống. Những tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc tiêu biểu của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, với sự trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn Hợp xướng Trường ĐHSP nghệ thuật trung ương, các nghệ sĩ biểu diễn tài năng Bùi Công Duy (violin), Ngô Xuân Huy (violin), Phó An My (piano), các giọng ca nổi tiếng Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Khánh Linh, Đức Tuấn, Nguyên Thảo... và đặc biệt là nhạc trưởng Lê Phi Phi, đã làm nên một buổi hòa nhạc sang trọng và đầy cảm xúc. Cơ hội của tác phẩm giao hưởng Có thể nói đây là cơ hội thật sự hiếm hoi các tác phẩm giao hưởng – thính phòng trong gia tài rất đáng kể của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được trình diễn. "Bài ca chim ưng" của cố nhạc sĩ Đàm Linh viết cho violin và dàn nhạc là một trong những tác phẩm kinh điển của nền khí nhạc Việt Nam, nhưng từ khi ra đời vào thời kỳ đầu của âm nhạc cách mạng đến nay, rất ít có cơ hội dàn dựng và biểu diễn. Điều đặc biệt hơn nữa, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, với tiếng đàn da diết đầy ma lực của mình, đã đem đến cho khán giả một bản giao hưởng đỉnh cao trên sân khấu Nhà hát Lớn. Bản Sonate số 8, chương 2 có tên Tâm hồn người Hà Nội viết cho violin của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, tràn đầy niềm tin, tình yêu và tinh thần hào khí kẻ sĩ, nghệ sĩ đất kinh kỳ- cũng là tác phẩm ít được biết đến. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là một người Hà Nội gốc năm nay đã tuổi 80- ít ai biết ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm giao hưởng nhưng chưa hề có điều kiện công diễn. Và có lẽ, cũng là một bất ngờ khi có sự xuất hiện của nghệ sĩ violin Ngô Xuân Huy, người mà theo nhạc sĩ Dương Thụ là “một tài năng ẩn dật” (vì ít có cơ hội biểu diễn). Không những thế, chương trình cũng dành một phần thời lượng đáng kể giới thiệu những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực khí nhạc hiện nay, như Trần Mạnh Hùng, Đặng Tuệ Nguyên, Phó An My... Tác phẩm Hào khí Thăng Long của Trần Mạnh Hùng, dù đạt nhiều giải thưởng, nhưng hầu như ít có cơ hội đến với công chúng. Khác với các chương trình hòa nhạc đỉnh cao khác thường chủ yếu là trình diễn các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển nước ngoài, đặc biệt lắm mới có chen vài tác phẩm chuyển soạn của các nhạc sĩ Việt Nam. Hòa nhạc “Điều còn mãi” là một chương trình âm nhạc đỉnh cao “thuần Việt”. Không chỉ được dịp thưởng thức những tác phẩm khí nhạc Việt Nam, đây cũng là cơ hội hiếm hoi được nghe những ca khúc quen thuộc trên nền nhạc thính phòng, giao hưởng, với một dàn nhạc đầy đủ nhạc cụ và một dàn hợp xướng. Bởi bình thường, trong các chương trình ca nhạc đại chúng, dàn nhạc điện tử chỉ chơi một vài nhạc cụ. Còn mãi một tình yêu Đối với nhiều khán giả, được trực tiếp thưởng thức những tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc ca ngợi sự nghiệp cách mạng và tâm hồn của dân tộc Việt Nam, được dàn dựng công phu và kỹ lưỡng, lấy tiêu chuẩn của âm nhạc bác học, thực sự là một buổi hòa nhạc nhiều ý nghĩa. Hồi tưởng về quá khứ, ký ức lịch sử, tinh thần các mạng đã chảy theo những giai điệu tinh túy của tình yêu Tổ quốc. Bắt đầu từ bản quốc ca trầm hùng của Văn Cao được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, tới những ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Du kích sông Thao chuyển soạn acapella do Dàn Hợp xướng trình bày, đã vang lên đầy xúc động vào đúng thời khắc mà 65 năm trước, một dân tộc nô lệ đã “vươn mình đứng dậy sáng lòa”. Diễn ra năm thứ ba, đúng vào dịp cả nước đang hướng về Hà Nội, mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, hòa nhạc “Điều còn mãi” dành một phần chương trình cho các tác phẩm viết về Hà Nội. Những tác phẩm hết sức quen thuộc, cứ cất lên giai điệu là bắt đầu một nỗi nhớ da diết, một tình yêu sâu nặng, không thời gian mà chỉ có không gian. Đó là một Hà Nội “tóc thề liễu rủ lê thê” (Hoàng Dương), một thủ đô chiều ba mươi tết “đánh giặc trên mâm pháo”, với những “phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng” (Hoàng Hiệp). Cũng có khi đó là những nhớ nhung, “mong về Hà Nội để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội”, (Dương Thụ). Những lời ca vang lên trên nền nhạc đệm của Dàn giao hưởng – hợp xướng – có lẽ là một trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời mà không có lời nào diễn tả. Nhạc sĩ Dương Thụ, người chịu trách nhiệm về nghệ thuật của chương trình, xúc động: “Chúng ta có thể thay đổi, có thể để mất nhiều thứ nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, không thể mất đi, và sẽ còn mãi mãi đó là tình yêu đối với đất nước mình”. Tình yêu đó đã được chuyển tải qua âm nhạc, trong ngày kỷ niệm thiêng liêng của Tổ quốc, có sức lay động và lan tỏa không cùng. Dàn nhạc. Nghệ sĩ Bùi Công Duy. Nghệ sĩ violin Ngô Xuân Huy. Ca sĩ Hồng Nhung với ca khúc "Nhớ về Hà Nội". Ca sĩ Trọng Tấn và nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=182619&sub=134&top=43