Hòa Phát hứa đảm bảo về môi trường tại dự án thép Dung Quất

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết với Dự án thép Dung Quất, công nghệ giữa Hòa Phát và Formosa là khác nhau. Formosa thu hồi hóa chất còn Hòa Phát thu hồi nhiệt, lợi nhuận ít hơn nhưng sẽ bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hòa Phát đảm bảo yếu tố môi trường tại Dự án thép Dung Quất

Chia sẻ những vấn đề liên quan đến Dự án thép Dung Quất tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) ngày 10.3, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết việc triển khai dự án thép tại Dung Quất là cần thiết nhằm giúp Hòa Phát gia tăng thị phần. Dự án sản xuất 4 triệu tấn thép, trong đó 2 triệu tấn thép cán dài và 2 triệu tấn thép cán nóng.

Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Long khẳng định công nghệ giữa HPG và Formosa có khác nhau, Formosa là thu hồi hóa chất còn HPG thu hồi nhiệt, lợi nhuận ít hơn nhưng sẽ bảo vệ môi trường.

"Một điều quan trọng khác là Formosa là một tập đoàn rất lớn, nhưng rõ ràng họ là tập đoàn hóa chất, chúng ta nhỏ nhưng có kinh nghiệm hơn 10 năm làm thép. Lãnh đạo Quảng Ngãi trước khi đồng ý cho chúng ta vào đã nghiên cứu rất cẩn thận, xin cổ đông tin tưởng vấn đề môi trường sẽ là vấn đề số 1, thậm chí quan trọng hơn vấn đề lợi nhuận. Chúng ta chọn công nghệ thân thiện, phải tự bảo vệ chúng ta vì người dân, vì cộng đồng", ông Long cho hay.

Về tính hiệu quả của dự án này, ông Long cho biết, biên lợi nhuận phấn đấu sẽ đạt mức dự án của tập đoàn tại Hải Dương. Tuy nhiên, Dung Quất có nhiều lợi thế, nằm trong khu kinh tế Dung Quất, gần cảng biển, tất cả quy trình đều khép kín, đảm bảo môi trường và thị trường xuất khẩu thuận tiện.

Song, dự án này lại có nhược điểm so với dự án Hải Dương là Hải Dương thì gần nguồn nguyên liệu nên giảm chi phí nguyên liệu, ở Dung Quất thì 100% nguyên liệu phải nhập khẩu, chi phí chắc sẽ cao hơn.

Dự án thép Dung Quất được chia làm 2 giai đoạn, cách nhau 18 tháng. Hiện nay, Hòa Phát đã thu xếp đủ 20.000 tỉ đồng vốn cố định cho giai đoạn 1 (trong đó, 10.000 tỉ đồng vốn tự có và 10.000 tỉ đồng vay VietinBank).

Do nhìn thấy cơ hội kinh doanh không thể bỏ qua, ông Long cho biết đã quyết định làm luôn giai đoạn 2 thay vì chờ 18 tháng. Công ty này cũng đã thu xếp xong 20.000 tỉ đồng vốn cố định cho giai đoạn 2. Trong đó, 10.000 tỉ đồng vốn đối ứng chỉ có thể thu xếp bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, 10.000 tỉ đồng còn lại đã thu xếp được với phía ngân hàng.

Dự án liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất được Tập đoàn Hòa Phát đề xuất trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã được đầu tư 10 năm nhưng đình trệ. Dự án này đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm 2013.

Sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 25.1, Tập đoàn Hòa Phát mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư từ Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một sẽ sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dài bao gồm một triệu tấn thép dài xây dựng và một triệu tấn thép dài chất lượng cao. Giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo. Doanh thu dự kiến của dự án sau khi hoàn thành là khoảng 2 tỉ USD.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/hoa-phat-hua-dam-bao-ve-moi-truong-tai-du-an-thep-dung-quat-58386.html