Họa sĩ Lưu Công Nhân: Vẽ để ghi lại hành trình tĩnh tại của tâm hồn

'Chúa có mái tóc vàng bồng bềnh, đôi mắt buồn và chơi guitar bằng tay trái' Lưu Công Nhân là một tài năng hội họa lạ lùng có khả năng gieo vào lòng người một vẻ đẹp tĩnh lặng, tinh khiết như mặt hồ trên núi. Tranh của ông vượt qua giới hạn của chất liệu, đường nét và màu sắc, vượt qua cả giới hạn của sự vật được phản ánh, thế nên, dù là thuốc nước hay sơn màu, vẽ tĩnh vật hay khỏa thân, điều cuối cùng đọng lại vẫn là chất thiền đã lắng xuống tầng rất sâu của tâm hồn, của cả người cầm cọ và những kẻ ngắm nhìn.

Nhân mười năm ngày mất của họa sĩ Lưu Công Nhân, lại nhận được thông tin về ngày giờ tháng năm sinh của ông, tôi xin dành bài viết thử lý giải tài năng và hành trình hội họa của ông dưới góc nhìn huyền học này như một cách để tưởng nhớ một tài năng lớn của Mỹ thuật Việt Nam.
Những phẩm tính của một thiên tài
Lưu Công Nhân sinh ngày 17 tháng 8 năm 1932, giờ Tỵ. Mệnh có Thiên Tướng hội đủ tứ linh Long Trì, Phượng Các, Hoa Cái, Bạch Hổ. Cổ thư nói Người Thiên Tướng thủ mệnh hình dung đoan chính, đôn hậu mà vững vàng, thuộc mẫu người “thấy việc bất bình chẳng ngơ” nên có khí độ khẳng khái của bậc quân tử. Nam mệnh Thiên Tướng có phong cách trượng phu, hấp dẫn mọi người xung quanh. Quả thực, đọc những lời nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh viết trong hồi ký, ta gặp nguyên vẹn vẻ đẹp kiêu bạc phớt đời của Thiên Tướng:
“Lưu Công Nhân quả là một tay kiêu ngạo. Xem thường tuốt. Tự coi mình là một maitre, cỡ quốc tế. Nhưng nụ cười thì rất tươi, hiền và trẻ cách lạ. Tôi rất thích nụ cười của Lưu Công Nhân. Hắn người cao to. Cởi trần. Quần đùi. Lưng gù gù, lòng khòng. Nhưng đẹp trai, ăn nói rất thoải mái”.
Mệnh Thiên Tướng có phẩm tính trung thành, không phải kẻ đứng núi này trông núi nọ. Lưu Công Nhân trung thành với chức nghiệp họa sĩ của ông. Một đời không thay đổi. Thiết nghĩ, mọi vĩ nhân đều gặp nhau ở một điểm, đó là trung thành đến cùng với lý tưởng và lẽ sống của cuộc đời mình. Không có phẩm tính ấy, không thể đi đường dài, mà không đi được đường dài không thể có thành quả, không thể cống hiến.
Thiên Tướng lại là ngôi sao luôn đối diện với Phá Quân. Người mệnh Thiên Tướng dám đương đầu với hoàn cảnh, dám đối diện với thay đổi và quan trọng nhất họ sẵn sàng dùng tấm lòng ngay thẳng để đối diện với sự thật của cuộc đời, thế cuộc và của lòng mình.
Lưu Công Nhân còn chịu ảnh hưởng khá lớn của Thiên Hình, một ngôi sao được ví như con dao sắc nhọn. Khi Thiên Hình đóng tại cung mệnh, nó cho thấy sự khắt khe, đòi hỏi sự toàn mỹ. Với nghệ thuật, sự khắt khe luôn cần thiết. Có Thiên Hình, người nghệ sĩ khó rơi vào cái bẫy ảo tưởng của chính mình. Có Thiên Hình, Lưu Công Nhân mới có cái nhìn sắc sảo, phê bình kẻ khác và tự phê bình chính mình.
“Hội họa rất cần có phê bình. Nghệ sĩ đẻ ra phê bình. Phê bình đẻ ra nghệ sĩ. Nghệ sĩ sáng tạo, phê bình tổng kết ra trường phái này, trường phái nọ. Và giữa hội họa và văn học có ảnh hưởng lẫn nhau”.
Vừa trung thành, vừa say mê, vừa luôn biết nhìn nhận đánh giá, phê bình, không ngạc nhiên khi Lưu Công Nhân đã tiến những bước rất dài, không chỉ trong hội họa, mà còn trong tầng sâu của những kẻ đi vào trong chính tâm hồn mình mà chiêm nghiệm những chân lý của cuộc đời trong sự tĩnh lặng.
Những gặp gỡ định mệnh
Trong 3 năm cuối của đại vận 13 - 22, ông học tại Trường Mỹ thuật khóa kháng chiến. Tại đây ông gặp họa sĩ Tô Ngọc Vân và trở thành người học trò được Họa sĩ kỳ vọng nhất vì sự rung cảm đặc biệt với hội họa. Cuộc đời luôn có những cuộc gặp gỡ định mệnh. Người thầy sinh năm Bính Ngọ (1906) đã đã đánh thức tâm thức của Lưu Công Nhân khi tương tác trực tiếp lên cung Điền trạch, thu hút ánh sáng giao thoa của Âm Dương trên lá số học trò.
Người thầy thứ hai, Auguste Renoir, là thần tượng sâu kín của ông, người thầy tuổi Tân Sửu đã kích hoạt cung phúc đặc biệt của Lưu Công Nhân khiến thế giới tinh thần của Lưu Công Nhân trở nên sâu lắng, thu liễm bởi ngôi sao Hóa Kỵ, tựa như đám mây trùm lên thế giới tinh thần, phong kín thế giới ấy trong sự tĩnh tại.
Sau này, chính Lưu Công Nhân cũng nhận định về vai trò của “cõi lòng riêng tư”, ông cho rằng nghệ sĩ phải bày tỏ được cõi lòng riêng tư của chính mình bởi cõi lòng ấy làm nên chất riêng của mỗi người. Cõi lòng ấy chính là cung phúc đức, cung định sẵn đời sống tinh thần, bề sâu của tâm hồn mỗi con người.
Lưu Công Nhân có Tham Lang, Vũ Khúc tại cung Quan Lộc, là cách cục của người thường có nghề tay trái liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Cuối cùng, công việc giảng dạy ở trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội hay một họa sĩ tự do mới là nghề tay trái? Có lẽ giảng dạy là trách nhiệm nhưng hội họa mới là “tôn giáo” mà Lưu Công Nhân là một tín đồ trung thành nhất mực.
Lưu Công Nhân lại chịu ảnh hưởng bởi ngôi sao Thiên Hình rất mạnh. Tướng ngộ Hình được ví von như ấn mẻ. Đại vận 23-32, cung Tật đại vận được kích hoạt mạnh mẽ bởi Hóa Lộc và Hóa Quyền, cung Quan lộc đại vận đồng thời Hóa Kỵ, cung Phúc gốc lần đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi hai tầng Hóa Kỵ. Tất cả các dữ kiện như định sẵn sự biến chuyển dữ dội trong tâm thức người họa sĩ trẻ. Năm 1959, năm Kỷ Sửu, Thái Tuế quét đến trục Phu thê - Quan lộc, cung quan gốc lại tiếp tục nhận sự ảnh hưởng của Hóa Kỵ, Lưu Công Nhân bỏ biên chế nhà nước, bắt đầu cuộc đi và vẽ khắp miền Bắc cho tới Hội An. Lý giải dưới góc độ tử vi, ta thấy, ông đi để thỏa cái chất ngông của Phá Quân, thỏa cái trung thành với đam mê của Thiên Tướng, để thỏa cho thể giới tâm hồn - cung Phúc Đức và Tật Ách, đang được bốn tầng mây Hóa Kỵ phong kín. Đi để vẽ, vẽ để ghi lại hành trình tĩnh tại của tâm hồn.
Ngôi sao Hóa Kỵ có thể được coi là ngôi sao vô cùng đặc biệt trong cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của Lưu Công Nhân. Hóa Kỵ là một ngôi sao đặc biệt, trong ngũ hành là Thủy, tượng về sự tuyệt diệt của vạn vật trong thời kỳ phải ẩn tàng. Hóa kị ví như mùa đông, bề ngoài cây cối trơ trụi nhưng bên trong là sức sống mãnh liệt để tạo biến đổi, thay thế đợi mùa xuân tới bung ra. Hóa kị là lúc phải chịu sự thanh toán triệt để, thoát thai hoán cốt. Vì thế, Hóa Kỵ chẳng những là giai đoạn tàng ẩn, mà còn là thời kỳ biến chuyển dữ dội của vạn vật. Lưu Công Nhân vốn có ngôi sao Hóa Kỵ tại cung Phúc Đức. Trong hành vận liên tục từ đại vận 23 đến 73, Hóa Kỵ liên tục xuất hiện tại cung phúc, cung tật gốc hoặc trong lưu cung của đại vận. Chính hành trình đặc biệt này làm nên con đường hội họa thống nhất mà dị biệt của Lưu Công Nhân, tĩnh tại mà cách mạng, cách mạng mà tĩnh tại. Người ta sẽ còn nhớ về Lưu Công Nhân, như để tìm về với vẻ đẹp thiền định trong chính tâm hồn mình.

Nhà văn An Hạ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hoa-si-luu-cong-nhan-ve-de-ghi-lai-hanh-trinh-tinh-tai-cua-tam-hon-550218.ldo