Hòa Tân đang đổi thay

Hòa Tân là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm gần 50%), cũng là xã bãi ngang của huyện Cầu Kè (Trà Vinh). 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hòa Tân đã đạt nhiều kết quả.

Đường về trung tâm xã Hòa Tân được xây dựng sạch đẹp

Thành tựu nổi bật nhất là kinh tế ổn định, từng bước phát triển. Hòa Tân đã vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, ngày công lao động trị giá trên 5,4 tỉ đồng để nạo vét các tuyến kênh nội đồng, xây dựng đê bao khép kín, dài trên 13km, qua đó giúp người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Làm mới 10 cầu giao thông nông thôn, trên 10km đường nhựa, đường đal với trên 3,1 tỉ đồng, xã hiện có lên 45 km đường giao thông trải nhựa, bê tông.

Đi đôi với huy động nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, Hòa Tân còn quan tâm chăm lo nâng cao mức sống của người dân, vận động nhân dân tham gia làm ăn hợp tác, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, Hòa Tân đã vận động thành lập được 14 tổ hợp tác và 03 HTX đều hoạt động có hiệu quả.

Tiêu biểu là HTX dừa sáp Hòa Tân, anh Thạch Em ấp Chông Nô 2 (xã viên, HTX dừa sáp Hòa Tân), một hộ Khmer khá thành công trong việc trồng và chăm sóc dừa sáp cho biết: Để vườn dừa đạt hiệu quả cao, cần phải trồng xen canh dừa sáp với chanh không hạt theo phương thức lấy ngắn nuôi dài.

“Tôi có 5 công vườn, trồng được 121 gốc dừa sáp xen canh với chanh không hạt. Sau 2 năm, chanh không hạt có trái và đến năm thứ ba, khoảng 50 gốc dừa bắt đầu có trái. So với làm lúa thì trồng dừa sáp hiệu quả cao gấp 3 lần. Những hộ nông dân khác thì trồng xen canh dừa sáp với bưởi cũng cho hiệu quả”, anh Em chia sẻ.

Song song đó, Hòa Tân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, trợ giá, trợ cước cho bà con đồng bào nghèo, đã có hàng ngàn lượt hộ được hỗ trợ vốn, cây, con giống, trợ giá, có trên 300 hộ được hỗ trợ kinh phí cất nhà ở, 29 hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề, trên 200 hộ được đào tạo nghề, với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng.

Thượng tọa Thạch Văn, sư cả chùa PôThiSaRây, ở ấp Chông Nô 3 cho biết: “Được các cấp tạo điều kiện cho người dân tộc Khmer trong phum sóc cũng như phật tử trong bổn đạo của nhà chùa có cuộc sống phát triển, đường xá đi lại trong thôn xóm, phum sóc cũng tiện lợi hơn, nhân dân được hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, hiệu quả sản xuất được nâng cao lên”.

Anh Thạch An, ở ấp Chông Nô 1 có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu.

Theo ông Nguyễn Lê Vinh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, đến nay xã đã cơ bản đạt 13/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc Khmer trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,24%, trên 97% hộ sử dụng điện, gần 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

PHƯƠNG HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hoa-tan-dang-doi-thay-post198375.html