Hoài niệm

Gửi một chút tri ân đến những người đồng nghiệp.

Ở đời, ai cũng có một dấu ấn riêng cho mình, để rồi nhớ mãi. Đối với tôi, dấu ấn ấy bao trùm trong suốt gần ba chục năm được sống và làm việc ở phòng thiết kế (TK).

Năm 1978 sau khi học xong ở trường xây dựng Quảng hùng, tôi đã được phân bổ vào tổ 2 xưởng thiết kế, do anh Long làm tổ trưởng. Sau đó là cả một chặng đường dài, thay đổi theo năm tháng, gắn liền với những biến đổi của cơ quan, nhưng vẫn trong ngôi nhà của thiết kế.

Cuộc đời đã an bài cho tôi được về khu tập thể của cơ quan, sống và sinh hoạt trong nửa gian nhà hoặc một gian, mái lợp tranh nứa, nền đất, vách trát toóc xi. Nhưng những lúc tắt lửa tối đèn, ốm đau hoạn nạn, vui buồn sướng khổ chúng tôi đều chia sẻ cho nhau. Tôi cứ nghĩ: trong mỗi chúng ta không ai có quyền quên đi những ngày làm việc ở phòng thiết kế. Đó là những buổi đầu giờ làm việc mọi người í ới gọi nhau lên phòng nghe đọc báo 15 phút, hoặc cùng nhau tập hát, trưa về lại tíu tít giặt giũ ngoài bể nước công cộng. Chiều tối có khi cả 6 gia đình trong một dãy nhà cùng dọn cơm ăn ở hè, chuyện trò râm ran không dứt...

Có một điều cũng hết sức tế nhị nữa là, nếu trong đời thoát ly của tôi không gặp được những người có tình cảm chân thành, ăn ở có trước có sau như cô Loan Trung, cô Ngân Đa, chú Sơn cận, chị Hải, chị Viễn, cô Thúy và bao người khác nữa thì chắc chắn sẽ thiếu đi rất nhiều những cái để mà nhớ . Đã bao nhiêu lần thay đổi nhà ở do mưa bão, thì có bấy nhiêu lần có hàng xóm mới, tất thảy mọi người đã cho tôi Tình Người, để rồi cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, tôi chẳng bao giờ giận hờn ai hoặc mâu thuẫn với ai.

Sẽ là sai lầm nếu không nói đến những người anh em cùng phòng thiết kế đã nâng đỡ tay nghề cho những người như chúng tôi lúc mới ra trường, đó là nhờ có công trình câu lạc bộ lao động của anh Vũ Tân - người Hà Nội nhưng vô cùng tốt bụng, tôi mới biết thế nào là "sàn công tác" hoặc như đến lúc được làm việc với chú Nguyễn Kim Chung, tôi mới biết vẽ vì kèo hai tầng mái. Còn nữa - ngày ấy do có tí chút tính hiếu kỳ cho nên khi nghe tin chị Huê, chị Phượng là hai cây đại thụ của làng kết cấu, tôi cũng đã cố gắng tiếp cận mong mỏi học hỏi thêm được điều gì, rồi sự khắt khe nghiêm túc trong nghề nghiệp của chú Lý Nguyên Dũng, sự thông cảm ân cần chỉ bảo của chị Thập, chị Hải, chị Viễn... tất cả đã giúp đỡ tôi tự tin hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Lâu nay nếu nói ra lại sợ mang tiếng là xu nịnh cán bộ, còn bây giờ khi đã nghỉ hưu, tôi rất may là đã có cơ hội để nói ra lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với chú Nguyễn Tiến Dũng, người đã đem lại cuộc sống tinh thần cho chúng tôi, nhất là đối với chị em phụ nữ, chúng tôi là những người thật sự may mắn, quả là như vậy bởi trong cuộc sống hàng ngày, còn gì vui hơn là được làm việc, được cống hiến cho xã hội, lại vừa đem lại lợi ích cho gia đình mình, hơn thế nữa được đi đây đi đó thưởng thức hương vị của cuộc sống văn hóa trên khắp mọi miền của đất nước. Những chuyến đi tham quan du lịch Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn, đền Hùng, Ba vì, Tam đảo... là những chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm, để rồi cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên được.

Năm gia đình tôi chuyển về quê sinh sống, tôi đã phải làm bạn với chiếc xe đạp cà tàng đi làm hàng ngày, điều đáng nhớ là hầu hết anh chị em trong phòng TK đều đến nhà tôi chơi, mặc dù cách xa khoảng 5 - 6 cây số. Những bữa cơm đạm bạc, có gì ăn nấy. Chả thế thời gian trôi qua đã khá lâu rồi, chị Tất vẫn nhắc lại hôm ăn cơm, chỉ ra vườn hái thêm mấy quả cà, chút rau thơm chấm mắm nhưng vẫn... hao cơm. Chị Tuyết thì vẫn nhớ vườn, ao cá, nhà ông bà nuôi một đàn lợn...

Năm 1981, mấy ngôi nhà trong khu tập thể bị bão quét, khiến gia đình tôi và chj Vẩy phải di tản sang khu nhà của sở xây dựng ở nhờ. Một kỷ niệm "khác thường" đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời, đó là ngày tôi sinh non cháu thứ hai, chưa kịp về quê lấy đồ, chị Vẩy đã vơ vội ít tã lót, đồ sơ sinh cho tôi kịp ra bệnh viện Việt trung (vì chị cũng sắp sinh cháu thứ hai), nhưng lần ấy con tôi không được may mắn làm người...Tưởng chị sẽ bị bà mẹ mắng vì quan niệm của chuyện âm - dương. Nhưng không. Chị đã dặn tôi: cái nào mặc cho cháu , cái nào đem đốt, cái nào thì mang về cho chị dùng... Hai mẹ con chị chỉ nghĩ : " nghĩa tử là nghĩa tận, làm phước cho con cháu thôi).

Năm 2019, một biến cố của cuộc đời tôi lại ập đến: tôi bị tai nạn: gãy xương tay trái, chấn thương nặng cột sống và xương chậu, phải dùng nẹp bắt vít cố định, nằm viện Việt - Đức rồi về nhà điều trị lâu dài. Anh chị em phòng TK ai biết là đến thăm. Tôi đã nhiều lần kìm nén cảm xúc trước những lời chia sẻ của mọi người qua điện thoại và qua trang FB. Nhất là câu nói của em An: "Mong cho chị vượt qua được kiếp nạn này...". Chặng đường thăm hỏi đã kéo dài suốt 4 năm cho đến tận hôm nay...

Ngạn ngữ có câu: "Lúc hoạn nạn mới hiểu được ân tình".

Tôi cũng không thể không nhắc đến những người như chị Khéo, Phượng, Nga, Ngát...Thư, Dung, Hòa, Lộc, Hồng, Vân, Hợp, An , Huyền, Ngọc, Yến... đã luôn dành tình cảm thuơng mến đối với tôi. Xin được cảm ơn vì tất cả.

(Em sẽ nợ chị Phượng vì chưa viết gì về xưởng Bê tông. Hẹn chị nhé vì em còn chưa biết cái ý tưởng được hình thành từ "cái khó ló cái khôn" là do ai khởi xướng và từ đâu có dầm ứng lực, tấm sàn, pa nen... đã cứu cánh cho bao ngùoi có công ăn việc làm trong lúc khó khăn chung...).

Ký ức một thời đã qua lâu nhưng những người TK chúng ta vẫn gìn giữ được những điều thiêng liêng và cao quí về tình cảm. Đó mới là điều đáng nói và còn chứng tỏ rằng: chúng ta vẫn không hề mảy may bị cơn lốc của đời thuờng cuốn hút và lấn át...

Hôm gặp mặt kỷ niệm 50 năm là cơ hội để tôi bày tỏ tình cảm với cả nhà thiết kế, nhưng tôi đã không làm được điều đó vì không đủ khả năng. Nay chỉ biết gửi gắm vào trang viết mong giải tỏa được phần nào cảm xúc và có tham vọng gửi một chút tri ân đến tất cả mọi người. Mong cả nhà đại xá, bởi bây giờ mới là cái tuổi hoài niệm, mà cuộc sống bao giờ cũng cần về quá khứ, quá khứ một thời tốt đẹp và trong sáng sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn...

Đàm Nhuần

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoai-niem-1-a21541.html